5 năm qua thế giới không hề cải cách tài chính?
Tồi tệ hơn, sau nhiều năm tranh cãi, người ta vẫn chưa đạt được bất cứ đồng thuận nào về bản chất của các khó khăn trong hệ thống tài chính cũng như làm thế nào để khắc phục chúng. Điều này càng phản ánh rõ nét quyền lực chính trị của các ngân hàng.
Ví dụ, bộ trưởng kinh tế Anh Vince Cable –gần đây lên tiếng cáo buộc các nhà điều hành của ngân hàng trung ương (NHTW) nước này (Bank of England – BoE) – những người mà ông này đặt biệt danh là “Taliban của thế giới tư bản” – làm chậm lại đà hồi phục kinh tế do đặt quá nhiều gánh nặng lên các ngân hàng nước này. Dường như ông Cable tin vào lời khẳng định của các phe phái vận động hành lang cho các ngân hàng rằng cho vay và tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng nếu như các ngân hàng bị ép phải tăng vốn.
Những phàn này không chỉ các nhà làm luật Anh đưa ra, song là hoàn toàn sai và gây hiểu lầm. Vốn của các ngân hàng không phải là dự trữ tiền mặt để phải được “giữ nguyên 1 chỗ”. Vốn là các khoản đi vay mà có thể sử dụng để cho vay lại.
Đơn giản là cho vay và tăng trưởng kinh tế đã bị ảnh hưởng kể từ năm 2007 do các định chế tài chính vay nợ và cho vay đầm đìa không thể chịu nổi các khoản lỗ chứ không phải vì các luật lệ đặt ra làm giảm bớt số nợ của các tổ chức này. Các luật lệ tại thời điểm nổ ra khủng hoảng tài chính vừa thiếu cũng như không được thực thi đầy đủ. Các biện pháp cải cách đề xuất sau đó cũng chẳng làm được gì để cải thiện tình hình. Điển hình như Basel III – đạo luật được kỳ vọng rất lớn – cho phép các ngân hàng đi vay đến 97% tổng số tài sản của mình hoặc cho phép một số khoản đầu tư được phép sử dụng hoàn toàn vốn vay.
Nguy cơ của cách tiếp cận này đã rõ ràng. Khi người mua nhà không thể trả được các khoản vay cầm cố thì họ sẽ mất nhà và có tác động tiêu cực đến toàn bộ khu hàng xóm của họ. Điều này cũng hoàn toàn đúng với trường hợp các định chế tài chính như vụ việc Lehman Brothers là minh chứng rõ nét.
Hơn thế nữa, tác động của việc vay quá mức có thể cảm nhận rõ trước khi người đi vay vỡ nợ. Chủ nhà thường không đầu tư bảo trì hoặc sửa chữa nhà cửa. Tương tự như vậy, các ngân hàng yếu kém với các khoản nợ khổng lồ không thể cho vay đối với các khoản đầu tư chính đáng, gây nên trở lực lớn cho nền kinh tế.
Quy định và luật lệ nhiều lỗ hổng càng góp phần làm méo mó hành vi của các ngân hàng yếu kém – cụ thể là khuyến khích số này cho Chính phủ vay hoặc đầu tư vào các loại chứng khoán hấp dẫn thay vì cho các doanh nghiệp vay.
Thay vào đó, các nhà quản lý cần phải tiến hành những biện pháp quyết liệt nhằm “giải quyết” các ngân hàng đang ngắc ngoải và bắt các ngân hàng còn có thể sống sót tham gia tích cực hơn trên các thị trường vốn – nơi rủi ro được định giá và mua bán – để các ngân hàng này trở nên khỏe mạnh hơn. Một biện pháp khác là cấm chi trả cổ tức cho các cổ đông và yêu cầu các ngân hàng tăng vốn bằng cách bán ra cổ phiếu mới sẽ tăng cường năng lực của các ngân hàng mà không hạn chế khả năng cho vay của họ. Ngân hàng nào không thể bán ra cổ phiếu của mình dù là bất kỳ mức giá nào cũng là quá yếu để có thể tự sống sót mà không có hỗ trợ. Các ngân hàng không thể hoạt động như bình thường và cần phải được xử lý.
Nếu chúng ta muốn ngân hàng trở nên an toàn và khỏe mạnh hơn, không còn cách nào khác là yêu cầu họ bớt sự lệ thuộc vào việc đi vay. Với tư cách là người cho vay, ngân hàng chịu lỗ khi người đi vay phá sản. Tuy nhiên các ngân hàng cũng chính là những người đi vay nhiều nhất, thường là vay đến 90% - thậm chí là 95% để đầu tư. Trong khi đó các định chế tài chính phi ngân hàng thường vay không quá 70% số tài sản của mình bất chấp việc các quy định về tỷ lệ đòn bẩy với tổ chức loại này lỏng lẻo hơn rất nhiều.
Đảo Síp là minh chứng rõ nét cho vấn đề này. Từ năm 2010, các ngân hàng Síp đã đầu tư một phần tiền gửi của mình vào trái phiếu chính phủ Hy Lạp với mức lãi suất hơn 10%, thậm chí lên đến 15% hay 20%. Chừng nào chính phủ Hy Lạp còn chịu được mức lãi suất cao như vậy, các ngân hàng Síp còn có thể mời chào khách hàng gửi tiền với mức lãi suất hấp dẫn –khoảng 4,5% và bùng nổ.
Các ngân hàng Síp đã vượt qua được bài kiểm tra sức chịu đựng (stress tests) vào tháng 7/2011. Tuy nhiên vào đầu năm 2012, trái phiếu chính phủ Hy Lạp mất giá đến 75% bởi lẽ các ngân hàng Síp đầu tư chủ yếu bằng tiền đi vay, họ nhanh chóng rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Sau 1 năm được NHTW châu Âu ECB trợ giúp, các ngân hàng Síp phải đối diện với các khoản thua lỗ và khiến cho khu vực EU phải tốn 10 tỷ euro để giải cứu.
Đáng chú ý là việc các nhà quản lý ngành ngân hàng Síp đã quá nuông chiều các ngân hàng nước. Mặc dù đầu tư vào trái phiếu chính phủ Hy Lạp rất rủi ro, thể hiện rõ ở tỷ lệ lãi suất cao, các nhà quản lý của Síp đã làm ngơ trước khả năng thua lỗ. Khi tình hình vẫn tốt, lợi nhuận các ngân hàng thu được đem lại lợi ích to lớn cho các cổ đông, nhà quản lý, các chính trị gia nước này thấy hạnh phúc và các ngân hàng nhanh chóng “phình to” so với nền kinh tế.
Các luật lệ hầu hết đều được dựa trên quan điểm sai lầm là “các ngân hàng chỉ cần nắm giữ tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu là đủ.”
Vốn chủ sở hữu không phải là thứ gì đó quá khó kiếm đối với các ngân hàng. Sự kết hợp khoa học giữa trọng số rủi ro phức tạp và các cuộc kiểm tra sức khỏe ngân hàng có thể đem lại các ảo tưởng nguy hại. Thay vào đó, luật lệ (nếu có) cần phải tập trung vào việc buộc các nhà đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng phải chịu nhiều rủi ro hơn cũng như quản lý rủi ro tốt hơn nhằm làm giảm thiệt hại do sự vay mượn quá mức của các ngân hàng gây ra.
Một số người cho rằng các ngân hàng vốn dĩ là đặc biệt vì họ phân bổ các khoản tiết kiệm của xã hội cũng như tạo ra thanh khoản. Tuy nhiên trên thực tế, các ngân hàng trở nên đặc biệt vì khả năng “đánh bạc” bằng tiền của người khác. Không có bất cứ lý thuyết nào giải thích cho việc cho phép các định chế tài chính trung gian làm méo mó nền kinh tế và gây ra nguy hiểm cho toàn công chúng.
Tuy nhiên bất chấp các thiệt hại nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính, trong giới chính trị ngân hàng, chưa có thay đổi đáng kể nào. Quá nhiều chính trị gia cũng như nhà quản lý đặt lợi ích của mình và các ngân hàng của mình lên trên lợi ích công chúng.