Chưa có bất kỳ bằng chứng nào xác nhận nguyên nhân gây ra tai nạn cho máy bay AH 5017 nhưng những giả thuyết đã được đưa ra. Như đối với tất cả vụ tai nạn máy bay khác, các chuyên gia hàng không kêu gọi sự thận trọng trong tai nạn xảy ra hôm qua 24/7 của máy bay AH 5017 thuộc hãng hàng không Air Algerie. Nhưng một số giả thuyết có thể giải thích cho thảm kịch thứ 3 trong vòng chưa đầy 2 tuần trong lĩnh vực hàng không.
Chuyến bay AH5017 của Air Algerie đã biến mất khỏi màn hình radar khoảng 50 phút sau khi cất cánh, trên địa phận khu vực Gao ở Mali, cách biên giới Algeria 500 km. Chiếc máy bay này đã yêu cầu cho phép chuyển hướng do tầm nhìn kém và nguy cơ va chạm với một máy bay khác. Sau đó mọi dấu vết của chuyến bay đều bị mất trên màn hình radar và mọi liên lạc cũng bị cắt đứt đột ngột.
Lần theo dấu vết "vùng u ám" của mưa bão
Kịch bản tai nạn do rủi ro đến từ việc thời tiết không thuận lợi có vẻ nhận được nhiều đồng thuận nhất, mặc dù chưa có liên hệ trực tiếp được chứng minh giữa tình trạng thời tiết xấu với việc máy bay của Air Algeria bị rơi.
Trên thực tế, máy bay AH 5017 đã bay khỏi vùng hội tụ giữa 2 chí tuyến, tức ra ngoài khu vực được các thủy thủ gọi là "vùng u ám". Gió bão trong vùng này nằm giữa dải Bắc bán cầu và Nam bán cầu, tùy theo các mùa trong năm và xảy ra ở phía bắc trên đường xích đạo vào thời điểm này trong năm, trên khu vực Sahel và sa mạc Sahara. Cùng với Amazon thì đây là khu vực thường xuyên xảy ra bão nhất trên thế giới.
"Bản đồ vệ tinh từ đêm thứ 4 đến thứ 5 cho thấy rõ ràng một vùng bão hoạt động khá mạnh trên khu vực này", nhà dự báo Régis Crepet cho kênh thời tiết - Météo Consult. Với nhiệt độ ở mức 37 độ vào tối thứ 4 ở Ouagadougou (nơi máy bay cất cánh), tác động của bão là rất nguy hiểm.
"Mặt khác, cần phải biết rằng bão do dải hội tụ nhiệt đới gây nên sự mất tích chuyến bay AF447 của Air France hồi tháng 6/2009 còn nguy hiểm hơn nhiều so với bão xảy ra trên biển". Régis Crepet cho biết: "Trái đất nóng lên từng ngày, vì vậy có nhiều năng lượng hơn". Khi hoạt động trong khu vực nhạy cảm như vậy, các phi công thường quan sát radar thời tiết của họ và cố gắng bay để tránh mây mưa và gió nguy hiểm.
Ít phút trước khi biến mất khỏi màn hình radar, phi công của chuyến bay AH 5017 đã yêu cầu được chuyển hướng. Có phải do phi công đã quan sát thấy một khu vực nguy hiểm trên radar của mình? Cho đến nay, chỉ có câu hỏi được đặt ra mà chưa hề có những sự kiện có thực được xác nhận để củng cố cho giả thuyết ban đầu này.
Bão cát
Rơi do bão cát là giả thuyết đã được nêu ra vào chiều thứ 5 khi máy bay bị mất liên lạc, nhưng kịch bản này ít có khả năng xảy ra. Một chuyên gia hàng không dày dặn kinh nghiệm chế giếu giả thuyết trên:"Không được quên rằng có các chuyến bay đến châu Phi từ nhiều thập kỷ qua và tôi nghi ngờ rằng cát đã bay lên đến chiều cao của một phương tiện bay đường trung bình và dài".
Trên thực tế, máy bay thường đạt đến độ cao ổn định chỉ trong vòng nửa giờ sau khi cất cánh. Trong khi 50 phút sau khi rời sân bay Ouagadougou, chuyến bay AH5017 mới bị mất liên lạc. Do đó, máy bay của Algeria đã đạt độ cao khoảng 30.000 feet (tương đương 9 km) vào thời điểm xảy ra tai nạn. Với độ cao như vậy, khả năng một trận bão cát làm gián đoạn hành trình bay là điều không thể.
Bị tên lửa bắn hạ
Độ cao máy bay tại thời điểm xảy ra tai nạn ít khả năng bị gây ra bởi lực lượng khủng bố dưới mặt đất. Hơn nữa, một quan chức cấp cao của Pháp chỉ ra rằng "ít có khả năng" lực lượng chiến đấu ở miền Bắc Mali có thể sở hữu một loại vũ khí có khả năng bắn hạ một chiếc máy bay. Trên thực tế, các lực lượng này chủ yếu sở hữu các loại vũ khí vác vai như rocket và không có khả năng bắn trúng một máy bay khi đạt độ cao ổn định. Phía Bắc Mali được kiểm soát bởi phiến quân Tuareg sau khi các chiến binh thánh chiến liên kết với lực lượng khủng bố Al-Queda sau một cuộc đảo chính quân sự năm 2012.
Các cuộc tấn công bằng tên lửa có nhiều khả năng xảy ra nhất khi máy bay ở độ cao thấp, chẳng hạn vào thời điểm cất cánh hoặc hạ cánh. Một phi công của hãng hàng không Air France cho biết: "Nhìn chung, chúng tôi thường lo sợ một cuộc tấn công bằng tên lửa trong thời gian cất cánh hoặc hạ cánh ở mọi khu vực trên thế giới".
Lỗi kỹ thuật
Chiếc máy bay MD-80 mang số hiệu AH 5017 được hãng hàng không Air Algerie thuê của hãng hàng không Tây Ban Nha Swiftair. Và đây không phải máy bay thuộc thế hệ mới nhất.
Nguyên nhân kỹ thuật luôn có thể là nguồn gốc giải thích cho phần lớn các vụ tai nạn bởi "Hãy nhớ rằng trong một thảm họa, luôn có nhiều nguyên nhân (...) Thời tiết xấu rất có thể cũng sẽ dẫn đến một lỗi kỹ thuật", phi công của Air France nhận định.
Đánh bom trên máy bay
Nếu như việc bắn một tên lửa trúng vào máy bay đang ở độ cao ổn định là khả năng ít xảy ra thì việc đánh bom trên máy bay được xem xét kỹ càng hơn. Một chuyên gia về an toàn hàng không cho biết: "Sân bay quốc tế Ouagadougou là một trong những sân bay tại châu Phi có nhiều rủi ro, do có ít phương tiện bảo đảm an ninh".
Nếu xảy ra thì đây không phải là vụ đánh bom trên máy bay đầu tiên. Vào năm 1989, 170 hành khách đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom máy bay chở khách UTA trên sa mạc Tenere ở Niger.
Nguồn Gafin/Le Figaro/DVO