5 điều rút ra từ đợt bán tháo chứng khoán toàn cầu
1. Một điều gì đó quan trọng hơn, to lớn hơn đang diễn ra tại Trung Quốc
Chứng khoán Trung Quốc liên tục lao dốc từ tháng 6, nhưng thị trường toàn cầu bị ảnh hưởng không đáng kể. Nhưng mọi chuyện thay đổi vào 2 tuần trước khi Bắc Kinh phá giá nhân dân tệ.
Số liệu kinh tế cũng cho thấy kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, nhưng giới đầu tư lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc biết điều đó mà họ [nhà đầu tư] không biết và mọi chuyện thậm chí có thể xấu hơn họ nghĩ.
Hầu hết nhà đầu tư dường như quan tâm đến kinh tế Trung Quốc nhiều hơn thị trường chứng khoán nước này. Ngày thứ Hai đen tối vừa qua đối với thị trường chứng khoán toàn cầu và sự hồi phục ngắn ngủi hôm thứ Ba cho thấy thị trường đang phải vật lộn, điều chỉnh, thích nghi trước những tác động khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc.
2. Bức tranh về Fed vẫn chưa rõ ràng
Fed được cho là đang quan tâm đến kinh tế Mỹ chứ không phải thị trường mới nổi. Nhưng giới đầu tư chắc chắn tin rằng bất ổn tại Trung Quốc đây gây hoài nghi về khả năng nâng lãi suất của Fed trong năm nay. Một tuần trước, giới đầu tư cho rằng cơ hội nâng lãi suất vào tháng 9 là 50%, nhưng giờ con số này giảm xuống còn 21%.
3. Nhà đầu tư tin rằng các ngân hàng trung ương đã sử dụng hầu hết mọi công cụ
Sự gia tăng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán kể từ cuộc khủng hoảng tài chính đã có phần chững lại. Nhưng phần lớn thời gian qua, hành động của các ngân hàng trung ương đã tái đảm bảo và làm yên lòng giới đầu tư. Fed, Ngân hàng trung ương Anh, Ngân hàng trung ương Nhật Bản và Ngân hàng trung ương châu Âu đều hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục và tung ra nhiều chương trình kích thích khổng lồ.
Giờ đây, nhiều nhà đầu tư tin rằng các ngân hàng trung ương đã tung ra mọi quân bài và Fed đang hướng đến việc thoát ra khỏi cuộc chơi này. Việc Trung Quốc hạ lãi suất hôm thứ Ba 25/8 đã phần nào giúp ổn định thị trường, mặc dù chỉ có tác dụng ngắn hạn. Niềm tin của giới đầu tư vào các ngân hàng trung ương đang giảm.
4. Giá hàng hóa tiếp tục giảm
Đầu mùa hè này, dường như giá hàng hóa ổn định sau một năm tuột dốc. Nhưng không hẳn như vậy. Sự sụt giảm nhu cầu của Trung Quốc - nước tiêu thụ lớn nhất thế giới các kim loại - đã khiến giá lại một lần nữa lao dốc. Giá dầu Mỹ hôm thứ Hai 24/8 lần đầu tiên kể từ năm 2009 xuống dưới 40 USD/thùng. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu Mỹ đã giảm 50%.
5. Giông bão đối với thị trường mới nổi
Giới đầu tư đang tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi trước những tin tức tiêu cực từ Trung Quốc. Những nền kinh tế tăng trưởng nhờ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu thô của Trung Quốc, tình hình còn ảm đạm hơn.
Các đồng tiền từ Indonesia đến Nam Phi và Brazil đều giảm mạnh. Và những nền kinh tế này sẽ phải đối mặt với triển vọng Fed nâng lãi suất - có thể khiến nội tệ giảm hơn nữa so với USD.
Nhật Trường
Nguồn WSJ