Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Ảnh: Hirofumi Yamamoto.
5 điều cần biết xoay quanh việc Nhật Bản xả nước thải hạt nhân
Ngày 24/8, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) bắt đầu xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra biển Thái Bình Dương. Việc xả thải dự kiến sẽ tiếp tục trong khoảng 30 năm khi chính phủ và công ty điện lực ngừng hoạt động nhà máy.
Dưới đây là 5 điều cần biết về động thái này:
1. Nước sẽ được thải ra như thế nào?
TEPCO cho biết họ sẽ thận trọng với lượng xả nhỏ và sẽ sử dụng quy trình hai bước. Đầu tiên, họ sẽ pha loãng 1 mét khối nước đã qua xử lý với nước biển và đo nồng độ tritium, một đồng vị phóng xạ của hydro. Sau khi xác nhận chỉ số đo được thấp hơn mức quy định của chính phủ, TEPCO sẽ cẩn thận xả nước ra Thái Bình Dương.
Trong năm tài chính đến hết tháng 3/2024, công ty có kế hoạch xả 31.200 mét khối nước, hay 2,3% trong tổng số khoảng 1,34 triệu mét khối được lưu trữ trong hơn 1.000 bể chứa tại nhà máy Fukushima. Tính toán lượng nước thải vẫn thải ra hàng ngày tại địa điểm này, TEPCO ước tính đến cuối năm nay họ sẽ còn ít hơn 10 bể chứa.
Nhà điều hành sẽ công bố kế hoạch xả thải cho năm tài chính tiếp theo vào tháng 3.
2. Nước thải sẽ an toàn đến mức nào?
Nước này được sử dụng để làm mát các mảnh vụn có tính phóng xạ cao mắc kẹt bên trong các lò phản ứng hạt nhân của nhà máy, bị hư hại sau trận động đất và sóng thần vào tháng 3/2011. Nước thải này đã được xử lý để loại bỏ các chất phóng xạ xuống dưới mức quy định của chính phủ, ngoại trừ tritium.
Sau quyết định của Nội các vào năm 2021 về việc xả nước ra biển, chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đánh giá tính an toàn của kế hoạch. Vào tháng 7, IAEA đã bật đèn xanh cho đề xuất này, kết luận việc xả nước sẽ có tác động phóng xạ không đáng kể đối với con người và môi trường.
3. Tại sao Nhật Bản lại làm điều này vào thời điểm hiện tại?
Các bể chứa nước hiện đã đạt 98% công suất và dự kiến sẽ đạt giới hạn vào đầu tháng 2. TEPCO nhấn mạnh rằng các bể chứa đang chiếm quá nhiều không gian, không còn chỗ để xây dựng các cơ sở khác hoặc lắp đặt các thiết bị cần thiết để tiến hành kế hoạch ngừng hoạt động.
Chính phủ ban đầu hy vọng sẽ xả nước sớm nhất là vào mùa xuân này, nhưng kế hoạch đó đã bị đẩy lùi do Tokyo phải vật lộn để giành được sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế. Các cộng đồng ngư dân cũng yêu cầu thời điểm bắt đầu xả không trùng với thời điểm vào mùa đánh bắt cá đáy xa bờ vào tháng 9.
Bể chứa nước đã qua xử lý của nhà máy điện. Ảnh: Hirofumi Yamamoto. |
4. Quan điểm của ngành thủy sản và các nước lân cận?
Nghề cá trong nước tiếp tục phản đối kế hoạch này với lý do có nguy cơ gây thiệt hại về danh tiếng. Quyết định này được đưa ra bất chấp chính phủ và TEPCO hứa hẹn trong một tuyên bố năm 2015 rằng “sẽ không có hành động nào được thực hiện nếu không có sự hiểu biết của tất cả các bên liên quan”. Nhiều người trong ngành đánh bắt cá cảm thấy lời hứa này đã không được thực hiện.
Thủ tướng Fumio Kishida cho biết, “các bên liên quan đã thể hiện mức độ hiểu biết nhất định” đối với kế hoạch này nhưng việc tiếp tục trao đổi là rất quan trọng. Ông Junichi Matsumoto, Giám đốc quản lý nước đã qua xử lý của TEPCO, nói với các phóng viên rằng công ty sẽ và tiếp tục tôn trọng lời hứa đã đưa ra.
Các nước láng giềng ghi nhận phản ứng trái chiều. Chính phủ Hàn Quốc cho biết họ thấy không có vấn đề khoa học nào với kế hoạch của Nhật Bản nhưng nhấn mạnh cũng không có nghĩa là họ ủng hộ kế hoạch này. Tại Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân cho biết: "Trung Quốc thực sự quan ngại và phản đối mạnh mẽ điều này. Chúng tôi đã đưa ra những động thái nghiêm túc (phản đối ngoại giao) đối với Nhật Bản."
Thủ tướng Quần đảo Cook Mark Brown, Chủ tịch liên minh gồm 18 quốc gia Thái Bình Dương, cho biết vẫn còn những quan điểm và phản ứng khác nhau trong khu vực và ông cam kết duy trì việc trao đổi liên tục với Chính phủ Nhật Bản và IAEA. Người phát ngôn của văn phòng Thủ tướng Quần đảo Solomon cho biết vẫn phản đối việc xả thải.
5. Cho đến nay các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng như thế nào và biện pháp khắc phục ra sao?
Bất chấp sự trấn an của chính phủ Nhật Bản và IAEA, thiệt hại vẫn đang được ghi nhận. Tại quận Miyagi, phía bắc Fukushima, một số mặt hàng hải sản đang giảm giá và không được giao dịch ở nước ngoài khi Trung Quốc và Hồng Kông chuyển sang tăng cường lệnh cấm nhập khẩu. Các chủ nhà hàng Nhật Bản ở hai khu vực này đã báo cáo những khó khăn trong việc thu mua cá tươi Nhật Bản dùng trong các món ăn đặc trưng.
Chính phủ Nhật Bản đang đưa ra mức bồi thường trị giá 80 tỉ yên (550 triệu USD) cho những bên trong ngành đánh cá bị ảnh hưởng vì thiệt hại danh tiếng. Trong khi đó, TEPCO đang cung cấp một hệ thống bồi thường tương tự cho những người bị ảnh hưởng nặng nề.
Có thể bạn quan tâm:
Trung Quốc cấm hải sản từ Nhật
Nguồn Nikkei Asia