Thứ Sáu | 01/02/2013 09:47

5 điểm sáng trong nhiệm kỳ ngoại trưởng của bà Hillary Clinton

Cùng sự chuyên nghiệp trong ngoại giao, bà Hillary Clinton còn được biết đến là một trong những ngoại trưởng Mỹ năng động nhất trong lịch sử.
Trong suốt nhiệm kỳ 4 năm làm ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Cliton được không ít người ngưỡng mộ vì trí thông minh, năng nổ và thành công trên cương vị mà mình đảm nhiệm. Bốn năm làm ngoại trưởng của bà được đánh dấu bởi một loạt những thành tựu đáng chú ý, song cũng không thiếu những sai sót nghiêm trọng.

Mặc dù vậy, để thay thế và tiếp nối những thành tựu mà bà Clinton đã đạt được quả là một nhiệm vụ không hề đơn giản với người sẽ kế nhiệm - ông John Kerry.

Dưới đây là 5 điểm nổi bật trong nhiệm kỳ ngoại trưởng của bà Hillary Clinton:

1. Chính sách ngoại giao khéo léo và gần gũi
Trong nhiệm kỳ của mình, hơn ai hết, bà Clinton là người hiểu rõ tầm quan trọng của việc tăng cường thắt chặt quan hệ với các nước bạn và đồng minh, trong khi cùng lúc lôi kéo các nước đối địch với Mỹ. Thông qua tương tác cá nhân, bà đã khéo léo xây dựng những mối quan hệ mới và quản lý các mối quan hệ cũ theo cách thúc đẩy những lợi ích Mỹ.

Bà Hillary Cliton được không ít người ngưỡng mộ vì trí thông minh, năng nổ và thành công trên cương vị mà mình đảm nhiệm
Bà Hillary Cliton được không ít người ngưỡng mộ vì trí thông minh, năng nổ và thành công trên cương vị mà mình đảm nhiệm

Bằng cách riêng của mình, bà Cliton đã cố gắng đảm bảo rằng nước Mỹ sẽ "có ghế tại mọi cuộc đàm phán", giúp Washington đóng góp công sức và tiếng nói của mình trong giải quyết mọi vấn đề của thế giới. Chẳng hạn, trong năm 2012, bà Hillary đã khéo léo thực hiện các nỗ lực giúp Chen Guangcheng - người bất đồng chính kiến với chính phủ Trung Quốc - được tị nạn ở Mỹ mà không làm tổn hại đến quan hệ Mỹ - Trung.

Bên cạnh sự chuyên nghiệp trong ngoại giao, bà Hillary Clinton còn được biết đến là một trong những ngoại trưởng Mỹ năng động nhất trong lịch sử. Bà di chuyển nhiều và thăm nhiều quốc gia hơn bất kỳ ngoại trưởng tiền nhiệm nào. Cho đến nay, số chuyến đi của bà có tổng chiều dài lên tới 1,6 triệu kilomet, tới 112 quốc gia trên thế giới.

2. Tập trung vào tầm quan trọng của kinh tế

Kể từ khi tiếp quản vị trí ngoại trưởng, bà Hillary Clinton đã cho thấy rõ một tầm nhìn mới về quản lý kinh tế nhà nước - đó là tập trung vào tăng trưởng kinh tế trong nước. Chẳng hạn, bà Clinton chủ trương dùng ngoại giao để giúp đỡ các doanh nghiệp Mỹ dành chiến thắng kinh doanh ở nước ngoài - một trong những trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Dưới thời bà Clinton, hình ảnh và ảnh hưởng của nước Mỹ đã được khôi phục trở lại.
Dưới thời bà Clinton, hình ảnh và ảnh hưởng của nước Mỹ đã được khôi phục trở lại.

Bà Clinton thực hiện chính sách đối ngoại theo hướng có liên quan tới các cuộc đối thoại kinh tế lớn hơn, có lợi cho Mỹ. Bên cạnh đó, bà cũng lần đầu tiên chỉ định một kinh tế trưởng cho Bộ Ngoại giao Mỹ, có nhiệm vụ thực hiện tầm nhìn kinh tế cho bộ. Bà Clinton cũng ủng hộ việc tăng cường hơn nữa các khía cạnh kinh tế truyền thống trong chính sách đối ngoại, chẳng hạn như các lệnh trừng phạt đánh vào nền kinh tế dầu mỏ của Iran. Bên cạnh đó, bà cũng khuyến khích chính phủ Mỹ thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do hơn nữa với các nước đồng minh như Panama, Colombia và Hàn Quốc.

3. Chú trọng khôi phục tín nhiệm Mỹ

Dựa trên nền tảng chính sách ngoại giao khéo léo và gần gũi, bà Clinton đã thúc đẩy các giá trị Mỹ theo cách cứng rắn song tôn trọng đối tác nhằm khôi phục lại niềm tin quốc tế đối với Mỹ, bị xói mòn nghiêm trọng dưới thời chính quyền George Bush. Cách tiếp cận của bà Hillary với chính quyền Myanmar với cam kết sẽ hỗ trợ các hoạt động nhân quyền đã giúp quốc gia Đông Nam Á này mở cửa với thế giới, sau nhiều thập kỷ bị kìm kẹp dưới chế độ quân phiệt.

Bà Hillary Clinton còn giúp khôi phục vị thế của Mỹ tại Trung Đông bằng cách làm trung gian đàm phán ngừng bắn giữa Hamas và Israel hồi đầu năm nay. Chính sách ngoại giao con thoi và hợp tác của bà với tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi cũng giúp tạo đòn bẩy lớn hơn cho Mỹ trong quá trình theo đuổi tiến trình hòa bình tại Trung Đông trong năm 2013.

4. Ngoại giao là an ninh quốc gia

Hình ảnh các quan chức cấp cao Mỹ, trong đó có cả bà Clinton và tổng thống Barack Obama, trong phòng quan sát cuộc đột kích trùm khủng bố Osama bin Laden đã trở thành một biểu tượng được hằn sâu trong tâm trí nhiều người. Đây cũng có thể coi là thành tựu an ninh quốc gia đầu tiên của chính quyền Obama nhiệm kỳ thứ nhất.

Hình ảnh các quan chức cấp cao Mỹ, trong đó có cả bà Clinton và tổng thống Barack Obama, trong phòng quan sát cuộc đột kích trùm khủng bố Osama bin Laden
Hình ảnh bà Clinton cùng các quan chức Mỹ trong phòng quan sát cuộc đột kích trùm khủng bố Osama bin Laden được coi là một trong những hình ảnh đáng nhớ nhất trong suốt nhiệm kỳ
4 năm của bà

Bà Clinton cũng là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cuộc đột kích của Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào Libya, dẫn tới cuộc chiến lật đổ cựu độc tài Muammar Gaddafi. Chính sách ngoại giao năng động của bà trong cuộc tấn công này đóng ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nhờ có bà Clinton, nước Mỹ mới nhận được sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong các sứ mệnh chiến đấu tại Lybia, đồng thời có được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các nước châu Âu và Trung Đông.

Nếu không có những nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ của bà Clinton, việc huy động sức mạnh quân sự tại Pakistan là Lybia của Mỹ có thể đã không đạt được thành công như vậy. Vai trò của bà Clinton trong 2 chiến dịch quân sự càng làm nổi bật sứ mệnh quan trọng của chính sách đối ngoại trong an ninh quốc gia Mỹ thế kỷ 21.

5. Tạo cảm giác về một vị ngoại trưởng gần gũi

Trong năm 2012, bà Clinton trở thành một trong những nhân vật được chú ý nhiều nhất trên internet, khi các cư dân mạng cho đăng tải một loạt hình vẽ mô tả sự hài hước và thân thiện của bà trong khi giao tiếp với những người nổi tiếng khác trên thế giới.

Sự thân thiện và gần gũi của bà Hillary còn được thể hiện qua việc bà mời tất cả những người đã sáng tạo nên những bức họa hài hước đó tới tham dự một buổi tiệc tại Bộ Ngoại giao Mỹ, do đích thân bà tổ chức. Sức mạnh và khả năng nắm bắt khả năng sáng tạo của những người xung quanh mình cũng là một trong những khía cạnh đáng chú ý làm nên thành công của bà Hillary.

Trong năm 2013, nước Mỹ đã lựa chọn được người kế thừa xứng đáng cho vị trí mà bà Hillary để lại, nghị sĩ Kerry. Trong nhiệm kỳ 4 năm của mình, bên cạnh những thành tích đã đạt được, bà Hillary còn khiến nhiều người ngả mũ thán phục khi giúp hồi sinh nền ngoại giao Mỹ cũng như khôi phục lại uy tín của nước Mỹ trên trường quốc tế. Và đó sẽ là một trọng trách đầy thách thức với ông Kerry trong nhiệm kỳ 4 năm tới.

Nguồn Trumanproject/Khampha


Sự kiện