5 dấu hiệu suy thoái của kinh tế Trung Quốc
Hồi tháng 3, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đặt mục tiêu tăng trưởng 2012 là 7,5%; con số được coi là quá thận trọng vào lúc đó, nhưng hiện lại được coi là biết tiên liệu. Nếu đúng như vậy, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1990 tốc độ tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc ở mức thấp nhất.
Đâu là những dấu hiệu cụ thể cho thấy rằng Trung Quốc đang trải qua một điều gì đó nhiều hơn là suy thoái? Dưới đây là 5 dấu hiệu về tình hình suy thoái kinh tế của nước này.
1. Tạm biệt xe sang
Gói kích cầu 586 tỷ USD từng giúp Trung Quốc vượt qua cơn suy thoái toàn cầu năm 2009 chỉ trì hoãn thời điểm phát tác vết thương đối với chính quyền địa phương. Hiện tại, các địa phương đang được yêu cầu trả nợ, và điều này nghĩa là phải thắt lưng buộc bụng hơn nữa.
“Hạm đội siêu xe” mà các quan chức địa phương mua sắm trong thời kỳ bùng nổ kinh tế sẽ là những thứ đầu tiên được rao bán. Năm nay, thành phố Ôn Châu dự định bán đấu giá 80% số xe công – khoảng 1.300 chiếc. Thậm chí hãng Ferrari cũng có vẻ lo lắng về suy thoái của Trung Quốc, không chỉ vì thiếu gia Bạc Qua Qua (con trai cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai) dường như đã không còn nằm trong danh sách khách hàng tiềm năng của hãng nữa.
Một trong những vấn đề đau đầu của chính quyền địa phương là nguồn thu từ việc bán đất ngày càng cạn kiệt do các biện pháp hạ nhiệt thị trường bất động sản đang quá nóng của chính quyền trung ương, cũng như tình trạng thiếu hụt tiền mặt và người tiêu dùng đang mất lòng tin.
Tháng 6, giá trung bình nhà ở tại 100 thành phố chính của Trung Quốc lần đầu tiên tăng trong vòng 9 tháng qua, nhưng vẫn giảm 1,9% so với năm ngoái. Công sở có thể là đối tượng đấu giá tiếp theo, ngay sau khi việc bán xe công hoàn tất. Sau đó, thời kỳ cực kỳ tiết kiệm bắt đầu: Các buổi tiệc sang trọng ngày nào có thể sẽ ngày một bình dân và tiết kiệm hơn.
2. Sự bất mãn của lao động nhập cư
Suốt nhiều thập niên qua, các quan chức cao cấp của chính phủ đã cảnh báo rằng suy thoái kinh tế có thể gây ra bất ổn xã hội, và với vài trường hợp ngoại lệ, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đủ ấn tượng để giúp mọi người hạnh phúc.
Tuy nhiên, khi tăng trưởng GDP giảm xuống dưới 8%, lần đầu tiên trong nhiều năm, cơ cấu xã hội của Trung Quốc có thể phải gánh chịu áp lực, nhất là khi hàng nghìn, nếu không muốn nói là hàng triệu, lao động nhập cư nhận thấy việc làm của họ đang bị đe dọa.
Lu Ting, nhà kinh tế học tại Bank of America Corp tại Hong Kong, cho biết: “Rõ ràng tăng trưởng xuất khẩu chậm lại do khủng hoảng kinh tế tại Châu Âu và Mỹ tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc”. Nhiều nhà xuất khẩu đang rơi vào tình trạng phá sản, và những nhà máy còn hoạt động đều phải giãn thợ, giảm giờ làm từ 3 ca xuống 1 ca sản xuất.
Lao động nhập cư chính là nguồn cung cấp “dầu mỡ bôi trơn” cho động cơ tăng trưởng của Trung Quốc. Nhưng điều quan trọng đối với Trung Quốc là phải làm sao để lực lượng lao động này cảm thấy họ cũng đang được hưởng thành quả. Sự bất mãn của lực lượng lao động này có thể gây ra bất ổn cả về kinh tế và xã hội.
3. Người giàu tính chuyện định cư tại nước ngoài
Khi mọi chuyện trở nên khó khăn, người giàu sẽ đến sân bay sang nước ngoài.
Doanh số bán hàng xa xỉ, vốn đang bùng nổ ở Trung Quốc, đầu năm nay bắt đầu chậm lại. Nhưng điều đó không có nghĩa là người giàu Trung Quốc ngừng chi tiêu mà họ chỉ dừng chi tiêu ở Trung Quốc mà thôi. Thời điểm cuối năm ngoái, rõ ràng nhiều người giàu Trung Quốc không còn niềm tin vào thị trường nội địa khi họ bắt đầu đầu tư vào tài sản có khả năng chuyển đổi, như ngoại tệ, thay vì đầu tư vào tài sản cố định như bất động sản.
Giờ đây, người giàu ngày càng quan tâm hơn đến việc đầu tư vào bất động sản cao câp ở nước ngoài, một phần vì giá đang giảm và do những hạn chế tại thị trường nội địa, nhưng chủ yếu với mục đích làm nơi “trú ẩn” trước những bất ổn chính trị và kinh tế trong nước. Điều này càng được khẳng định với kết quả điều tra cuối năm 2011 rằng hơn 1/2 tỷ phú Trung Quốc đang cân nhắc việc rời bỏ đất nước và định cư lâu dài ở nước ngoài.
Theo các công viên Trung Quốc, 12 năm qua có đến 19.000 quan chức đã bị bắt khi họ đang cố tìm cách bỏ trốn ra nước ngoài cùng với số tiền kiếm được một cách phi pháp. Những người giàu và có quyền lực chính trị ở Trung Quốc thường là cùng thành viên của một gia đình và nếu Trung Quốc thực sự rơi vào suy thoái, nhiều người giàu có thể quyết định trốn chạy.
4. Tiêu thụ năng lượng cho mùa hè dài và nóng nực
Lượng điện tiêu thụ thường tăng mạnh vào mùa hè khi người dân sử dụng điều hòa nhiệt độ để chống chọi với cái nóng. Nhưng năm nay, nhiều người Trung Quốc dường như chấp nhận chịu đựng nóng nực để tiết kiệm.
Các cảng biển Trung Quốc chất đầy than đá được nhập về để phục vụ các nhà máy điện. Nguyên nhân chính của tình trạng tồn kho này được cho là do sản lượng công nghiệp thấp hơn. Chỉ mới năm ngoái, Bắc Kinh đã bàn tính chuyện tích trữ khẩn cấp lượng lớn than đá để phòng ngừa tình trạng cạn kiệt nguồn cung.
Tuy nhiên, hiện giờ dường như Trung Quốc đã nhập khẩu lượng nhiên liệu nhiều hơn nhu cầu khi người dân, doanh nghiệp và nhà máy vốn đang gặp khó khăn liên tục cắt giảm tiêu thụ điện năng để tiết kiệm chi tiêu.
Từ cuối năm ngoái, giá than đá tại Trung Quốc đã giảm 10%, tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu và làm giảm nhu cầu về hàng xuất khẩu của nước này. Và toàn cầu hóa là: Một người Trung Quốc tắt máy điều hòa nhiệt độ, nền kinh tế thế giới bị “cảm lạnh”.
5. Biến động giá thịt lợn và “trứng tên lửa”
Thời điểm Trung Quốc tiêu thụ lượng thịt lớn chưa từng thấy, giá thịt lợn và thịt bò tăng mạnh. Việc này khiến lạm phát trở thành mối lo ngại của các nhà hoạch định chính sách. Năm 2007, Trung Quốc tiêu thụ 1,7 triệu con lợn/ngày; năm 2011 giá mặt hàng này tăng 57% so với 2010.
Nhưng 4 tháng qua, nhu cầu thịt lợn lại giảm. Dư thừa nguồn cung khiến giá thịt lợn giảm mạnh, khiến người nuôi thua lỗ và chính phủ Trung Quốc đã phải can thiệp bằng cách tăng mua thịt lợn để ổn định giá.
Khi giá thịt lợn giảm, giá trứng lại tăng mạnh – tăng nhanh đến mức người tiêu dùng bắt đầu sử dụng thuật ngữ “trứng tên lửa”. Hơn nữa, người tiêu dùng Trung Quốc, với niềm tin đang lung lay không chỉ bởi kinh tế trì trệ mà còn bởi hàng loạt vụ bê bối về an toàn thực phẩm, đang lựa chọn việc tự trồng rau quả, do vậy, họ sẽ không bị ép giá, và không ăn phải dưa chuột phun đầy những chất mà chưa từng được sử dụng khi trồng loại quả này.
Nguồn Foreign Policy/DVT