5 câu hỏi cho ông Mario Draghi trước thềm họp chính sách
Đây sẽ là cuộc họp gây được nhiều sự chú ý của thị trường, đặc biệt sau khi Phó chủ tịch ECB Vitor Constancio cho biết, các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ tăng cường kích thích trong năm tới.
Trong cuộc họp này, Chủ tịch Mario Draghi và các nhà hoạch định chính sách của ECB sẽ phải đối mặt với 5 câu hỏi lớn.
Gói kích thích của ECB sẽ thúc đẩy lạm phát nhanh đến đâu?
Tháng 11 trong bài phát biểu tại Frankfurt, ông Draghi cho biết, ECB sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy tỷ lệ lạm phát và kỳ vọng lạm phát tăng nhanh nhất có thể.
Tuy nhiên hiện tại, lạm phát tại khu vực đồng euro (Eurozone) mới chỉ ở 0,3%, thấp hơn rất nhiều so với mức mục tiêu 2% mặc dù ECB đã triển khai các biện pháp kích thích lịch sử được gần nửa năm.
Điều này dấy lên lo ngại rằng, liệu các kích thích hiện tại của ECB có đủ mạnh để thúc đẩy tỷ lệ lạm phát tăng nhanh như cam kết của chủ tịch Draghi hay không và đến bao giờ lạm phát sẽ chạm ngưỡng 2%.
Liệu chương trình tái cấp vốn dài hạn mục tiêu (TLTRO) còn hiệu quả?
Đợt đấu giá đầu tiên của TLTRO đã gây thất vọng lớn cho giới chuyên gia khi chỉ cho vay được 82,6 tỷ euro, thấp hơn rất nhiều so với quy mô ban đầu là 400 tỷ euro. Điều này chứng tỏ, TLTRO vẫn chưa đủ mạnh mẽ để thúc đẩy hoạt động cho vay tại khu vực đồng euro.
Ngày 11/12, ECB sẽ công bố lượng vốn mà các ngân hàng khu vực đã vay trong đợt đấu giá thứ 2 của TLTRO. Một số chuyên gia cho rằng, ECB nên nới lỏng điều kiện cho vay để thu hút thêm nhiều ngân hàng tham gia vào chương trình.
TLTRO là chương trình cho phép các ngân hàng vay khoản tiền với mức lãi suất tái cấp vốn 0,05% đến tận năm 2018, nhằm cung cấp tín dụng cho nền kinh tế thực.
Chương trình hỗ trợ cho vay TLTRO của ECB được triển khai theo hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, các ngân hàng tại châu Âu có quyền vay đến 400 tỷ euro trong khoảng thời gian bắt đầu từ ngày 18/9 kéo dài đến tháng 12/2014, thông qua các đợt đấu giá (công cụ tài chính là các giấy tờ có giá). Sau đó, từ tháng 3/2015 đến tháng 6/2016, những đợt đấu giá tiếp theo sẽ được tổ chức để cung cấp khoản vay trên 800 tỷ euro.
ECB sẽ triển khai chương trình mua trái phiếu chính phủ?
Theo kết quả khảo sát, một số chuyên gia tại Deutsche Bank và Barclays cho rằng, ECB sẽ bắt đầu mua trái phiếu chính phủ trong quý I/2015. Tuy nhiên 2 chuyên gia phân tích tại Credit Suisse và BNP Paribas lại dự đoán, ECB sẽ tuyên bố triển khai chương trình này ngay trong cuộc họp hôm nay.
Tuy nhiên mới đây, Phó chủ tịch ECB Vitor Constâncio cho biết, ECB sẽ đợi đến hết quý I/2015 để đánh giá tác động của các biện pháp kích thích hiện tại trước khi đưa ra kích thích tiếp theo.
Nới lỏng định lượng (QE) là lựa chọn cuối cùng của ECB?
Trên thực tế, các nhà hoạch định chính sách và giới chuyên gia kinh tế từng chỉ ra rằng, ECB có thể mua trái phiếu doanh nghiệp để mở rộng bảng cân đối ngân sách mà không phải đối mặt với những trở ngại về pháp lý và chính trị. Các chuyên gia tại tập đoàn Nomura dự đoán, ECB sẽ triển khai biện pháp kích thích này ngay trong tuần này.
Ngoài ra vẫn còn một sự lựa chọn khác mà ECB đang bị cấm là mua trái phiếu của các tổ chức quốc tế, như Ngân hàng đầu tư châu Âu. Tuy nhiên, rủi ro của biện pháp kích thích này rất cao.
Triển vọng lạm phát của khu vực đồng euro sẽ ra sao?
Trong cuộc họp chính sách hôm nay, ECB sẽ công bố dự báo kinh tế mới nhất của các nhà hoạch định chính sách.
Hiện nay, lạm phát của khu vực đồng euro đã xuống thấp nhất 5 năm ở 0,3%. Quyết định không cắt giảm sản lượng dầu thô của OPEC đã kéo giảm mạnh giá dầu cũng như áp lực lạm phát tại khu vực đồng euro. Trong khi đó, kỳ vọng lạm phát của thị trường cũng đang có xu hướng giảm dần.
Lạm phát và kỳ vọng lạm phát vốn là 2 yếu tố quan trọng đối với ECB trong quyết định có nên tăng cường kích thích kinh tế hay không.
Nguồn DVO/ Bloomberg