5 bài học đáng nhớ trên thị trường tuần này
Thắt chặt tiền tệ không phải chuyện dễ dàng
Việc các ngân hàng trung ương đồng loạt bơm tiền vào nền kinh tế trong thời kì khủng hoảng tài chính đã phát huy tác dụng. Kể từ đó tới nay, bảng cân đối của các ngân hàng trung ương ở châu Âu, Trung Quốc và Mỹ đã tăng lên mức tổng cộng 13 nghìn tỷ USD, gấp đôi quy mô của năm 2008.
Phần lớn việc bơm tiền này được thực hiện thông qua việc mua trái phiếu chính phủ, thậm chí cả nợ và cổ phần trong các công ty. Bây giờ các nhà phân tích và thị trường đang cân nhắc kỹ lưỡng điều gì sẽ xảy ra nếu và khi các nhà làm chính sách hút tiền về lại. Điều mà họ không muốn là lặp lại hiện tượng lợi suất trái phiếu tăng phi mã (taper tantrum), vốn từng xảy ra vào năm 2013, ngay sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) khi đó là Ben Bernanke nói về việc giảm bớt quy mô của chương trình mua trái phiếu.
Kỳ này, thị trường sẽ phải tìm cách để bình ổn lại sau các động thái như vậy, nhất là việc làm sao để hấp thụ lượng trái phiểu mà các ngân hàng trung ương không mua nữa. Ông Stephen Jen, giám đốc điều hành quỹ đầu tư Eurizon SLJ Capital, bình luận rằng việc xuống núi (rút lại chương trình mua trái phiếu) luôn nguy hiểm hơn khi lên núi (tung ra chương trình mua trái phiếu).
Apple cuối cùng đã chịu thay đổi
Là công ty có giá trị vốn hóa nhất lớn thế giới, Apple đã đưa ra hàng loạt sản phẩm làm thay đổi cuộc sống trong những năm qua. Nhưng thời gian gần đây, công ty này có vẻ đã rơi vào trạng thái ngủ mê. Lần cuối cùng Apple có thay đổi lớn là vào tháng 9 năm 2014, khi họ ra mắt iPhone 6 và 6 Plus. Hồi năm ngoái, iPhone 7 chỉ đưa ra được vài cải tiến nhỏ, trong đó nổi bật nhất có lẽ là việc bỏ lỗ cắm tai nghe (headphone jack). Năm 2017 này, đúng 10 năm sau khi ra mắt thế hệ iPhone đầu tiên, Apple đang chuẩn bị trình làng ba mẫu điện thoại cùng lúc, trong đó có một mẫu sẽ có nhiều thay đổi lớn về thiết kế. Được biết, Apple đang thử nghiệm việc sử dụng màn hình thủy tinh cong với kích thước lớn hơn, cũng như hệ thốnng camera hiện đại hơn.
Doanh thu của các dòng iPhone qua các năm. Ảnh Bloomberg |
Bong bóng công nghệ có vẻ đã đi quá đà
Bạn có cần một chiếc máy ép nước trái cây trị giá 400USD?
Sự kiện công nghệ đáng chú ý nhất của thung lũng Silicon tuần này là Juicero, một máy ép trái cây trị giá 400 USD chuyên dùng để ép một túi trái cây với giá 5 USD (được sản xuất độc quyền). Trên mỗi túi trái cây này có một mã QR, và bên trong Juicero có một thiết bị camera để quét mã này, sau đó máy sẽ kết nối internet và để đối chiếu với dữ liệu trên mạng, nhằm biết được rau quả trong túi đó còn tươi hay không.
Điều đáng nói ở đây là Juicero đã nhận tới 120 triệu USD vốn đầu tư để làm ra một chiếc máy ép trái cây chỉ hiệu quả hơn chưa tới 10% so với ép bằng tay không, theo thử nghiệm của Bloomberg.
Cuộc khủng hoảng kế tiếp có thể sẽ bắt đầu từ Florida
Biến đổi khí hậu đã mang lại nhiều hậu quả khó lường, giống như sự biến mất của một con sông 300 năm tuổi tại Canada chỉ trong bốn ngày. Ảnh hưởng của nó đang hiển hiện ở phía Nam bang Florida của Mỹ, nơi mà mực nước biển đã tăng hơn 10cm kể từ năm 1992. Phóng viên Christopher Flavelle của Bloomberg báo cáo rằng:
Triều cường bây giờ có thể làm ngập úng một con đường trong đất liền, ngay cả khi trời đang nắng chói chang, do nền đá vôi xốp của vùng này. Nước mặn đang xâm nhập vào các nguồn cung cấp nước uống của dân cư trong vùng. Khi nước biển dâng lên, các công ty cấp thoát nước đã phải sử dụng những chiếc máy bơm khổng lồ để hút nước ngược lại ra biển.
Mức độ lũ lụt và rủi ro tại Florida đã khiến một số người mới mua nhà tại đây bị bất ngờ. Nhiều người đang cố gắng bán tháo nhà cửa ở đây trước khi thị trường sụp đổ. Một số người Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng việc giảm giá mạnh bất động sản ven biển có thể tạo tác động lan rộng tới các ngân hàng và công ty bảo hiểm trên khắp nước Mỹ.
Các ngân hàng tại London đang chuyển trụ sở đi đâu?
Làn sóng chuyển dịch nhân sự khỏi nước Anh của các ngân hàng lớn. Ảnh: Bloomberg |
Nhiều ngân hàng đã cảnh báo họ sẽ phải di dời khỏi London nếu Vương quốc Anh bỏ phiếu để rời khỏi Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit). Bây giờ, họ đang làm điều đó như đã hứa, dù có lẽ còn phải 2 năm nữa thì nước Anh mới chính thức chấm dứt mối quan hệ với EU. Điều này sẽ có tác động rất lớn, vì lĩnh vực ngân hàng chiếm tới 12% GDP của nước Anh. Cho đến nay, 2.500 việc làm ngành ngân hàng tại London sẽ được chuyển sang Frankfurt, 1.000 đến Paris và 150 đến Dublin. Nhóm vận động hành lang TheCityUK ước tính tổng cộng 70.000 việc làm tại Anh đang có nguy cơ bị mất đi do Brexit.
Bá Ước
Nguồn Bloomberg