Thứ Tư | 05/09/2012 15:16

46 triệu người Mỹ sống dựa vào trợ cấp lương thực

Trong tháng 6, số người Mỹ phải sống nhờ chương trình tem phiếu thực phẩm lên đến 45 triệu người, trong bối cảnh thất nghiệp gia tăng.
a

Chỉ vài ngày trước khi Bộ Lao động công bố báo cáo bảng lương phi nông nghiệp hàng tháng, chính phủ Mỹ cho biết số người phải sống nhờ Chương trình hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung (SNAP), hay còn gọi là tem phiếu thực phẩm, đã lên hơn 46 triệu người.

Theo các chuyên gia phân tích, hai số liệu trên đây của chính phủ và Bộ Lao động có quan hệ chặt chẽ với nhau trong bối cảnh kinh tế Mỹ vật lộn để tránh rơi vào suy thoái lần hai sau khủng hoảng tài chính năm 2009.

Kinh tế trưởng tại Rockwell Global Capital tại New York, ông Peter Cardillo cho biết: "Dữ liệu thất nghiệp không thể phản ánh chân thực có bao nhiêu người đang thất nghiệp". Theo ông, chương trình tem phiếu thực phẩm mới chính là chỉ số cho thấy thu nhập thực của lực lượng lao động đã mất việc, cũng như ngày càng nhiều người Mỹ phải nộp đơn xin tem phiếu".

Với 22,4 triệu hộ gia đình phải sử dụng tem phiếu, ước tính khoảng 15% dân số Mỹ đang sống nhờ chương trình hỗ trợ thực phẩm của chính phủ. Mặc dù trợ cấp trung bình mỗi người dân nhận được giảm còn gần 133 USD, song ước tính chính phủ Mỹ vẫn phải chi hơn 6 tỷ USD mỗi tháng cho chương trình hỗ trợ thực phẩm, mức cao nhất trong lịch sử.

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống dưới 10% và duy trì ở 8%, song số người dân đăng ký tham gia chương trình SNAP đã tăng vọt.

a
Tính đến tháng 11/2008, số người dân Mỹ tham gia chương trình tem phiếu thực phẩm vào khoảng 31 triệu người, nhưng kể từ khi tổng thống Obama tiếp quản Nhà Trắng, con số này tăng 44%.

Theo bình luận viên tự do Alan Colmes, sự gia tăng số người sử dụng tem phiếu thực phẩm chính là bức tranh sinh động nhất phản ánh thực trạng thiếu việc làm cũng như tiền lương trì trệ của Mỹ, đồng thời đó cũng là dấu hiệu cho thấy thời điểm khó khăn vẫn ở phía trước và số tiền dành cho chương trình cũng có thể bị cắt giảm trong tương lai.

Theo nhà kinh tế Steven C. Wieting tại Citigroup, có khoảng 3 triệu người Mỹ vẫn không tìm được việc làm hoặc bị mất việc sau khủng hoảng tài chính 2009. Mặc dù vậy, những người này lại không xin việc trong các ngành công nghiệp liên quan đến nhà ở, một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng. Chính vì lẽ đó, khả năng phục hồi kinh tế của nước Mỹ lại càng chậm chạp.

Ông Wieting cho biết kinh tế Mỹ phải mất 7 năm nữa mới có thể khôi phục lại thời điểm trước khi xảy ra suy thoái, đồng thời cảnh báo nước Mỹ đang tiến gần hơn tới bờ vực suy thoái.

Nguồn CNBC/Khampha


Sự kiện