3 thách thức lớn đối với thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc
Thế hệ lãnh đạo tiếp theo sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách lớn trong 10 năm sắp tới. Nổi bật trong số đó là 3 vấn đề mấu chốt nhất sẽ quyết định tương lai của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới: điều chỉnh lại tương quan giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân; giảm sự lệ thuộc vào hệ thống tài chính ngân hàng. Cuối cùng, Trung Quốc sẽ phải cho phép cơ chế thị trường tác động nhiều hơn nữa đến quá trình đô thị hóa.
Trung Quốc đã thành công khi đưa ra được nhiều quyết định đúng đắn trong thời kỳ trước. Nước này đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bởi khu vực tư nhân giữ vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế. Trung Quốc cũng khéo léo sử dụng các định chế tài chính trong việc tạo nên các nguồn lực hỗ trợ quá trình tái thiết các công trình cơ sở hạ tầng cơ bản. Thêm vào đó, tăng cường tính kết nối và linh hoạt của thị trường lao động cũng cho phép Trung Quốc hưởng lợi từ việc nền kinh tế được mở rộng sau quá trình đô thị hóa.
Tuy nhiên, tác động của các chính sách hợp lý đã phai nhạt dần trong 1 vài năm trở lại đây. Nguyên nhân là do lợi ích cá nhân đang trở thành hiện tượng phổ biến trong cả hệ thống.
Có lẽ vấn đề nhạy cảm nhất mà thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc sẽ phải đối mặt chính là vai trò của khu vực nhà nước. Cách đây 1 thập kỷ, giảm bớt sự thống trị của khu vực nhà nước gặp phải những khó khăn về tư tưởng. Tuy nhiên, hiện nay, vận mệnh của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đang gắn chặt với lợi ích của hệ thống ngân hàng thương mại trực thuộc nhà nước và cả 1 số cá nhân. Nhiều nhà cải cách đã từ bỏ hy vọng mối liên kết này sẽ bị phá vỡ.
Trung Quốc cần thành lập các cơ quan trung gian để có thể tách biệt quyền sở hữu với trách nhiệm hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, Trung Quốc cũng nên mở cửa các lĩnh vực vốn thuộc độc quyền của nhà nước để từ đó thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.
Khu vực tài chính vốn là chất keo gắn kết nhiều nhóm lợi ích với nhau. Trung Quốc đã phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng để hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển, bất chấp rất nhiều dự án trong số đó đáng lẽ ra phải được hỗ trợ qua kênh tài khóa.
Những điểm yếu của phương pháp này ngày càng lộ rõ. Cơ hội để khu vực tư nhân cải cách mạnh mẽ với nhiều sáng kiến không có nhiều. Trong khi đó, ngân sách phát triển không hợp lý bởi phải phục vụ nhu cầu ngày càng tăng lên của các cấp địa phương.
Để có thể giảm lệ thuộc vào hệ thống ngân hàng, Trung Quốc buộc phải vượt qua được các nhóm lợi ích. Cải cách 1 nhóm các ngân hàng trực thuộc nhà nước sẽ dễ dàng hơn nhiều so với cải cách ngân sách các địa phương, mặc dù hệ thống tài khóa mới sẽ khiến mọi thứ minh bạch hơn.
Kiểm soát tăng trưởng của các thành phố, trong đó có tạo lập nguồn thu ngân sách ổn định hơn, cũng là 1 thử thách khác. Rất nhiều người Trung Quốc coi đô thị hóa là hiện tượng mang lại cả những hiệu ứng tích cực và tiêu cực. Mặc dù đô thị hóa giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế, quá trình này cũng gây ra tắc nghẽn giao thông hay ô nhiễm môi trường.
Năm nay, tỷ lệ dân số sống ở thành thị đã tăng lên con số 50%. Tuy nhiên, tỷ lệ đô thị hóa vẫn ở mức quá thấp. Lượng lớn người dân vẫn làm việc ở các khu vực nông thôn với lợi nhuận thấp. Chuyển sang các hoạt động sản xuất mang lại năng suất cao chính là cách dễ nhất để đảm bảo cho tỷ lệ tăng trưởng ở mức trên 8% trong thập kỷ tới.
Rào cản lớn nhất đối với quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc chính là chế độ cấp hộ khẩu – điều khiến 250 triệu người dân nhập cư gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định cuộc sống và hưởng các dịch vụ mà thành phố lớn mang lại.
Tự do hóa hệ thống quản lý dân cư sẽ giúp giảm bớt áp lực đang đè nặng lên xã hội đồng thời thúc đẩy các ngành dịch vụ tăng trưởng. Đây chính là chìa khóa để khai thác tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của Trung Quốc. Tuy nhiên, lãnh đạo các địa phương chần chừ trong việc gỡ bỏ các qui định về hộ khẩu bởi họ lo sợ cơ hội việc làm bị giảm xuống và ngân sách địa phương cũng sẽ phải chịu nhiều áp lực.
Với mỗi thế hệ lãnh đạo mới lên nắm quyền, hy vọng cho rằng các biện pháp cải cách lớn vốn được mong đợi bấy lâu nay sẽ trở thành hiện thực. Mặc dù vậy, những người cẩn trọng hơn lại cho rằng với hệ thống lãnh đạo như hiện nay, Trung Quốc khó có thể có được chuyển biến lớn. Hơn nữa, những bài học từ lịch sử cho thấy các sáng kiến sẽ được áp dụng thử nghiệm ở địa phương trước tiên.
Tuy nhiên, lợi ích cá nhân đang là bức tường khổng lồ ngăn cản Trung Quốc thay đổi. Chỉ cần thế hệ lãnh đạo mới đưa ra một vài dấu hiệu thay đổi phương hướng chính sách mạnh mẽ, bức tường ấy sẽ bị phá vỡ.
Nguồn CafeF