3 sự kiện tâm điểm của tuần này
Đầu tiên ngày 25/11, Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố báo cáo GDP chính thức của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo kết quả khảo sát của Bloomberg, kinh tế Mỹ có thể đã tăng trưởng chậm hơn ước tính ban đầu 3,5%.
Tuy nhiên theo nhận định của giới chuyên gia, kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV dù các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã chấm dứt hoàn toàn gói nới lỏng định lượng 3 hồi tháng 10.
Một số báo cáo kinh tế gần đây cũng cho thấy những dấu hiệu khả quan của kinh tế Mỹ trong thời điểm cuối năm. Theo đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ghi tuần thứ 10 liên tiếp ở dưới ngưỡng 300.000 đơn, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ tăng lên cao nhất 6 năm trong tuần kết thúc vào ngày 16/11. Đồng thời, doanh số bán nhà cũ tại Mỹ cũng bất ngờ tăng lên cao nhất 1 năm trong tháng 10 trong khi áp lực lạm phát cũng có dấu hiệu tăng nhẹ.
Tâm điểm tiếp theo của thị trường tuần này là Nhật Bản với loạt số liệu kinh tế tháng 10, như lạm phát, chi tiêu hộ gia đình, số liệu việc làm, doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp, sau khi bất ngờ rơi vào suy thoái trong quý III. Giới chuyên gia cho rằng, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong tháng 10 ngay sau khi rơi vào suy thoái trong 3 tháng trước đó.
Theo dự báo của Moody's, tháng 10, lạm phát tiêu dùng tại Nhật Bản sẽ chậm lại, dấy lên nguy cơ về giảm phát cũng như gây áp lực lớn lên ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) nhằm đạt mục tiêu lạm phát 2% trong năm tới. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp có thể giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chi tiêu hộ gia đình dự báo giảm 2% sau khi đã giảm 5,6% trong tháng 9.
Thị trường cũng có thể sẽ quan tâm tới biên bản cuộc họp chính sách ngày 31/10 của BOJ khi các nhà hoạch định chính sách khiến cả thị trường toàn cầu bất ngờ với quyết định tăng cường kích thích.
Cũng trong tuần này, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ họp tại Vienna ngày 27/11 trong bối cảnh giá dầu liên tục trượt dốc trong thời gian gần đây. Các chuyên gia phân tích cho rằng, rất có thể OPEC sẽ không cắt giảm sản lượng dầu thô. Giá dầu toàn cầu đã giảm 1/3 từ 115 USD/thùng, mức đỉnh hồi tháng 6, xuống 79 USD/thùng, thấp nhất 4 năm qua trong phiên giao dịch 21/11.
Theo Cơ quan năng lượng quốc tế, 3 lý do chính khiến giá dầu lao dốc là nhu cầu suy yếu, USD tăng mạnh và sản lượng dầu của Mỹ tăng mạnh.
Ngoài ra, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) sẽ công bố báo cáo Triển vọng kinh tế trong ngày 25/11 tại Paris, đưa ra những cập nhật mới nhất về dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Nguồn DVO/CNBC