Đối với giới đầu tư toàn cầu, cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) bắt đầu hôm qua 16/9 và kết thúc vào hôm nay 17/9 là sự kiện đáng chú ý nhất. Như mọi lần, các nhà phân tích cũng như nhà đầu tư sẽ dõi theo những thông tin về chính sách sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Và dưới đây là ba điểm quan trọng nhất cần theo dõi kỹ càng.
Tiếp tục cắt giảm kích thích kinh tế
Sẽ là không bất ngờ nếu hôm nay, Fed ra quyết định giảm thêm 10 tỷ USD trong gói nới lỏng định lượng (QE3) xuống còn 15 tỷ USD hàng tháng. Bởi kể từ tháng 12 năm ngoái, sau mỗi lần họp của FOMC, QE3 đều được cắt giảm đều đặn 10 tỷ USD.
QE3 được Fed bắt đầu thi hành từ tháng 12/2012 với quy mô mua tài sản hàng tháng lên tới 85 tỷ USD. Tuy nhiên, thời điểm bắt đầu giảm dần kích thích kinh tế là điểm gây tranh cãi. Ông Ben Bernanke - người tiền nhiệm của Chủ tịch Fed hiện tại Janet Yellen đã "bóng gió" đánh tiếng về thời điểm bắt đầu cắt giảm QE3 hồi tháng 6 năm ngoái nhưng không thực hiện ngay. Điều này đã khiến cho thị trường mới nổi rơi vào cơn hoảng loạn kể từ đó cho đến nay, một số quốc gia như Brazil hay Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn cảm nhận về hậu quả của dòng vốn tháo chạy, đồng tiền mất giá và mất đi lượng lớn quỹ dự trữ ngoại hối.
Nhưng kể từ đó, Fed đã cẩn trọng hơn trong các tuyên bố của mình và đảm bảo với thị trường rằng thời điểm kết thúc hoàn toàn QE3 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10 năm nay.
Nâng lãi suất điều hành
Một số nhà phân tích kỳ vọng rằng Fed sẽ thay đổi cách truyền thông chính sách để làm tốt hơn công việc hướng dẫn thị trường.
Kể từ tháng 3 đến nay, mọi cuộc họp của FOMC đều kết thúc với một luận điệu duy nhất về lãi suất, đó là lãi suất điều hành sẽ ở mức rất thấp "trong một khoảng thời gian phù hợp" sau khi chương trình QE3 kết thúc.
Chưa có một tuyên bố rõ ràng hơn, nhưng đã xuất hiện hai ý kiến về vấn đề lãi suất tại Mỹ.
Một là, Fed nên nâng lãi suất sớm nhất có thể để tránh tình trạng bong bóng tài chính và đầu cơ thái quá vào một số tài sản tài chính.
Hai là, Fed không nên nâng lãi suất nhanh chóng mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 6,1% trong tháng 8 bởi hành động quá nhanh sẽ gây cản trở ngược lại cho sự phục hồi tăng trưởng.
Tương ứng với hai ý kiến trên, Fed có hai chiến lược về quá trình nâng lãi suất.
Thứ nhất, Fed có thể sớm bắt đầu tăng lãi suất điều hành, chẳng hạn ngay sau tháng 2/2015 với một nhịp độ tăng rất nhẹ.
Thứ hai, Fed có thể đợi đến giữa năm 2015 mới tăng lãi suất nhưng thực hiện với nhịp độ nhanh hơn.
Tuy nhiên, dù trường hợp nào xảy ra thì có thể Fed sẽ không đưa ra thời điểm tăng lãi suất ngay sau cuộc họp tháng lần này, nhằm tránh tạo ra một làn sóng hoảng loạn hoặc gây ra những phản ứng thái quá của nhà đầu tư trên thị trường.
Chuyên gia phân tích tại Aurel BGC nhận định: "Bà Janet Yellen cần phải rất cân bằng (trong phát biểu của mình)".
Dự báo kinh tế mới
Fed cũng sẽ công bố những dự báo mới về tăng trưởng kinh tế, lãi suất, lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đến năm 2017. Những dự báo này sẽ được giới phân tích nghiên cứu kỹ, nhất là xung quanh vấn đề lãi suất.
Chuyên gia kinh tế của Credit Agricole nhận định: "Những tài liệu này sẽ được các thành viên trong FOMC dùng làm căn cứ để nâng lãi suất vào năm 2015".
Về tăng trưởng kinh tế, những dự báo mới có thể khẳng định thêm khoảng cách tăng trưởng giữa Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Bên cạnh đó, thị trường lao động là mối quan tâm chính đối với bà Yellen khi tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tại Mỹ vẫn thấp hơn giai đoạn trước khủng hoảng.
Nguồn Theo DVO/ Le Monde