Tốc độ tăng giá tiêu dùng ở Mỹ hiện vẫn ở mức hơn 6% mỗi năm.

 
Nguyên Hồ Thứ Ba | 31/01/2023 10:34

3 câu hỏi lớn của giới đầu tư Mỹ khi bước sang năm 2023

Dù có thể không cắt giảm lãi suất trong năm nay, Fed có khả năng sẽ tăng lãi suất chậm lại, hoặc thậm chí tạm dừng việc tăng lãi suất.

Thị trường đang “vô ưu”, thả lỏng trước khoảnh khắc năm cũ bước sang năm mới, thậm chí là lạc quan. Tuy nhiên vẫn có câu hỏi lớn đè nặng lên tâm trí giới đầu tư là liệu Mỹ có bước vào thời kỳ suy thoái trong năm nay hay không?. Và có ba câu hỏi nhỏ hơn sẽ giải đáp điều trên: Sức mạnh của thị trường lao động, người tiêu dùng Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang.

Thị trường lao động sẽ hạ nhiệt?

Việc làm là từ được chú ý trong tuần khi nhà đầu tư đón nhận loạt dữ liệu cho thấy thị trường việc làm nhìn chung vẫn đang ổn định, đi ngược lại với những nỗ lực của Fed nhằm hạ nhiệt nền kinh tế, thông qua việc tăng lãi suất liên tục.

Thị trường lao động Mỹ luôn khan hiếm với tỷ lệ thất nghiệp tính đến tháng 11 chỉ ở mức 3,7% và khoảng 1,7 việc làm có sẵn cho mỗi người tìm việc. Nếu số lượng việc làm mới của tháng 12 là đúng với dự báo, năm 2022 sẽ là năm chứng kiến mức tăng trưởng việc làm tốt thứ nhì trong lịch sử ở Mỹ. 

Tất cả điều này xảy ra khi Fed tích cực hạ nhiệt thị trường lao động. Các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng việc tăng lương liên tục trong một thị trường lao động chặt chẽ sẽ khiến mức lạm phát vốn đã ngất ngưởng tiếp tục tăng cao.

 

Tốc độ tăng giá tiêu dùng ở Mỹ hiện vẫn ở mức hơn 6% mỗi năm, cao gấp 3 lần so với mục tiêu lạm phát mà Fed đề ra là 2%.

Để Fed đạt được mục tiêu lạm phát 2%, số lượng việc làm mới cần sụt giảm và tỷ lệ thất nghiệp cần tăng lên mức khoảng 4,6% trong năm 2023 - theo dự báo mà Fed đưa ra hồi tháng 12. Vì vậy, Fed dự kiến sẽ tiếp tục gây sức ép lên nền kinh tế bằng cách duy trì việc nâng lãi suất trong năm nay.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Financial Times vào tuần trước, bà Gita Gopinath - Phó Tổng giám đốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - kêu gọi Fed tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023, và cơ sở cho lời kêu gọi này chính là việc thị trường việc làm ở Mỹ vẫn thắt chặt.

Vậy còn mức lương năm nay thì sao? Các nhà phân tích tại Goldman Sachs dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng và tăng trưởng tiền lương sẽ chậm lại từ mức trên 5% vào năm 2022 xuống còn khoảng 4% vào cuối năm nay.

Họ viết: “Mức tăng trưởng như vậy vẫn còn quá nóng, nhưng bất kỳ một sự sụt giảm lớn nào cũng sẽ mang lại cho các quan chức Fed một bằng chứng rằng thị trường việc làm đang dần cân bằng trở lại, qua đó tiền lương sẽ tăng chậm lại và rốt cục sẽ gây áp lực làm suy yếu giá cả mà nền kinh tế không cần phải rơi vào một cuộc suy thoái”.

Nếu năm 2022 mang đến cho các nhà đầu tư một bài học thì đó là Fed không thể bị đánh bại. Vì vậy, những thông tin kinh tế xấu sẽ tiếp tục là tin tốt. Nếu báo cáo việc làm công bố trong tuần này là một báo cáo khả quan, đó sẽ là một tin xấu đối với các nhà đầu tư.

Người Mỹ sẽ tiếp tục chi tiêu?

Người tiêu dùng Mỹ đã làm trụ cột cho nền kinh tế trong năm 2022. Khi lãi suất tăng cao và tăng trưởng kinh tế suy yếu, họ vẫn tiếp tục mua sắm.

Giám đốc Điều hành của Bank of America, ông Brian Moynihan cho biết sức mạnh của người tiêu dùng Mỹ trong những dịp lễ gần như là nhân tố duy nhất giữ cho nền kinh tế không rơi vào suy thoái trong năm 2022.

Nhưng doanh số bán lẻ tháng 11 yếu hơn dự kiến ​​đã làm suy yếu tâm lý thị trường vào tháng 12, khiến giới đầu tư lo lắng rằng việc Fed nâng lãi suất sẽ khiến kinh tế Mỹ sớm muộn gì cũng suy thoái.

 

Doanh số bán lẻ của Mỹ đã giảm 0,6% trong tháng 11, hiệu suất yếu nhất trong gần một năm. Các nhà phân tích cho biết doanh số bán hàng yếu có thể sẽ tiếp tục và nếu có, thu nhập của các nhà bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng.

Thu nhập khả dụng đã giảm từ mùa xuân năm 2021 đến mùa hè năm 2022 do lạm phát vượt quá tốc độ tăng lương và tiền tiết kiệm cạn kiệt do đại dịch. Dù vẫn còn khá nhiều tiền trong tài khoản, người tiêu dùng Mỹ đang vay mượn nhiều hơn để chi tiêu. Quý III/2022, nợ thẻ tín dụng tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất kể từ khi Fed chi nhánh New York bắt đầu theo dõi dữ liệu này vào năm 2004.

Fed sẽ xoay trục?

Đây là câu hỏi chính trong đầu mọi nhà đầu tư và câu trả lời sẽ không chỉ giúp xác định điều gì sẽ xảy ra với thị trường trong năm nay mà còn giúp xác định liệu nền kinh tế có rơi vào suy thoái hay không.

Trong biên bản cuộc họp tháng 12 của Fed, các quan chức Ngân hàng Trung ương đã giải thích rõ ràng cho các bên quan tâm: Không có nhà hoạch định chính sách nào dự đoán rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ phù hợp vào năm 2023. Biên bản cảnh báo rằng “việc nới lỏng các điều kiện tài chính một cách không chính đáng… sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực của Ủy ban nhằm khôi phục sự ổn định về giá.”

Và dù bày tỏ quan điểm lạc quan khi chứng kiến lạm phát xuống thang trong những tháng gần đây, giới chức Fed nhấn mạnh rằng cần có thêm những bằng chứng rõ ràng về sự suy yếu của giá cả. Họ cũng nói lạm phát hiện nay “vẫn còn rất cao”.

Bởi vậy, dù có thể không cắt giảm lãi suất trong năm nay, Fed có khả năng sẽ tăng lãi suất chậm lại, hoặc thậm chí tạm dừng việc tăng lãi suất. Như vậy cũng sẽ là một sự giải toả lớn đối với nhà đầu tư sau 7 đợt nâng lãi suất liên tiếp của Fed trong năm 2022.

Có thể bạn quan tâm: 

Đông Nam Á "giành" chỗ đứng mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Nguồn CNN