25 tòa nhà có kiến trúc độc đáo nhất thế giới năm 2012
Trong khi đó tòa nhà số 1 đường Bligh, thành phố Sydney đứng đầu khu vực châu Á và châu Úc; tòa nhà Palazzo Lombardia ở Italia đứng đầu khu vực châu Âu và tòa nhà Doha/BurjQatar ở Doha đứng đầu khu vực Trung Đông và châu Phi.
1. Tháp Absolute World
Địa điểm: Mississauga, Canada
Nằm ở vùng ngoại ô phía tây nam Toronto, tại thành phố Mississauga (Canada), tháp Absolute World của kiến trúc sư Ma Yansong với hình dáng lượn sóng hoàn hảo đã làm lu mờ những tòa nhà hình hộp nhàm chán.
Công trình gồm 2 tòa tháp này còn có tên gọi “Marilyn Monroe” bởi hình dáng tròn trịa và gợi cảm giống như minh tinh huyền thoại người Mỹ. 2 tòa tháp có chiều cao lần lượt là 189,5m và 158m.
2. Tháp Al Bahar
Địa điểm: Abu Dhabi, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE)
Al Bahar được Hội đồng nhà cao tầng và môi trường sống đô thị đánh giá là tòa nhà có kiến trúc sáng tạo nhất thế giới. Công trình là sự kết hợp giữa phong cách hiện đại và văn hóa địa phương với hình lưới mắt cáo bằng gỗ được tìm thấy trong kiến trúc Hồi giáo
Tòa nhà gồm 29 tầng với cửa kính có thể mở ra và đóng lại theo chuyển động của ánh sáng mặt trời. Điều này giúp điều hòa năng lượng mặt trời vào tòa nhà một cách tiện lợi, tạo không gian sống thoải mái cho cư dân tại đây.
3. Tháp Al Hamra Firdous
Địa điểm: Kuwait
Là một trong những tòa nhà có thiết kế sáng tạo nhất năm 2011 do tờ báo Times của Mỹ bình chọn, tòa nhà Al Hamra Firdous Tower là cao ốc cao nhất ở quốc gia Trung Đông Kuwait.
Tọa lạc tại trung tâm thành phố Kuwait, Al Hamra Firdous đánh dấu bước ngoặt của hình thức nghệ thuật điêu khắc và là điểm nhấn của vịnh Arabian với kiểu kiến trúc điêu khắc tinh tế, làm cho khu vực này trở nên đẹp hơn và hiện đại hơn.
Cao ốc do Công ty Skidmore, Owings & Merrill (SOM) thiết kế bao gồm 74 tầng với chiều cao 412 m, có cấu trúc cuộn tròn độc đáo, được thiết kế nhằm tạo hiệu ứng làm tăng tối đa tầm nhìn và giảm thiểu sức nóng hấp thụ từ ánh sáng mặt trời. Tòa cao ốc này sẽ là khu phức hợp thương mại, bao gồm văn phòng làm việc, câu lạc bộ sức khỏe và trung tâm thương mại.
4. Trung tâm Barclays
Địa điểm: Brooklyn, New York, Mỹ
Khai trương vào tháng 9/2012, Trung tâm Barclays là địa điểm diễn ra các sự kiện thể thao mới nhất, nằm trong trung tâm thành phố Brooklyn, New York.
Trung tâm Barclays thực sự là một công trình kiến trúc ấn tượng, với vẻ bề ngoài hiện đại và mềm mại, nằm ngay khu trung tâm của dự án Brooklyn Yards, một dự án bất động sản lớn hàng đầu tại thành phố New York.
Không chỉ là nơi thi đấu bóng rổ, Trung tâm Barclays sẽ còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động giải trí khác, bao gồm cả các cuộc trình diễn nghệ thuật.
5. Trụ sở Quỹ Barnes
Địa điểm: Philadelphia, Pennsylvania, Mỹ
Trong tháng 5/2012, quỹ Barnes đã khai trương trụ sở mới rộng hơn 28.000 m2, trong đó có hơn 3.600 m2 không gian triển lãm nghệ thuật ở ngoại ô Philadelphia.
Các kiến trúc sư cho rằng "trụ sở mới này sẽ giúp cho bộ sưu tập thêm sống động đồng thời góp phần làm phong phú thêm giá trị văn hóa của Philadelphia".
6. Sân bay quốc tế Bodrum
Địa điểm: Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ
Sân bay quốc tế Bodrum bao gồm các dường dây thép, những bức tường kính và mái nhà phẳng bê tông được coi là biểu tượng cho những tòa nhà truyền thống ở Bodrum.
Sân bay vừa hoàn thành vào tháng 7/2012 đã giành được giải thưởng công trình giao thông của năm tại Liên hoan kiến trúc quốc tế (WAF) 2012.
7. Nhà kính trong Gardens by the Bay
Địa điểm: Singapore
Hai nhà kính với hơn 220.000 loài thực vật này nằm trong khu vườn sinh thái mang tên Gardens by the Bay (Những khu vườn bên vịnh) của Singapore. Hai nhà kính này đã đoạt giải thưởng Tòa nhà của năm tại Liên hoan kiến trúc quốc tế (WAF) 2012.
Công trình Gardens by the Bay khởi công cách đây khoảng 6 năm với chi phí xây dựng khoảng 1 tỷ USD được tài trợ bởi cả chính phủ Singapore và các khoản đóng góp của các công ty tư nhân. Gardens by the Bay là một phần của kế hoạch mở rộng ngành du lịch và giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu của Singapore.
8. Trụ sở chính DnB NOR
Địa điểm: Singapore
Trụ sở mới của ngân hàng Na Uy DnB NOR là một tòa nhà cao 17 tầng nằm trên bờ sông Bjørvika ở Oslo được thế kế trông giống một tảng đá.
"Các hốc đá tạo điều kiện cho sự phát triển của thực vật. Vị trí của các khối đá tạo thành các khu vườn treo hoặc không gian cho mỗi tầng", đơn vị thiết kế MVRDV cho biết.
Tòa nhà dự kiến sẽ được khai trương vào tháng 3 năm sau.
9. Trung tâm thương mại 1 thế giới (Tháp Tự do)
Địa điểm: New York, Mỹ
Trung tâm thương mại 1 thế giới, được biết đến với tên Tháp Tự do là tòa nhà chính tọa lạc trên nền Trung tâm thương mại thế giới cũ bị phá hủy trong vụ khủng bố 11/9/2001.
Trung tâm thương mại 1 thế giới là một tòa nhà hình tháp bút có độ cao hơn 541 m (1.776 feet) được bắt đầu xây dựng vào ngày 27/4/2006, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2013. Toàn bộ khuôn viên công trình này nằm trên khu đất có diện tích khoảng 6,5 hecta. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là tòa nhà cao nhất châu Mỹ.
Cụm công trình này bao gồm 4 tòa cao ốc, một khu bảo tàng và tưởng niệm, một nhà ga trung tâm và một trung tâm biểu diễn nghệ thuật. Để đề phòng trường hợp bị tấn công bằng xe bom, 20 tầng phía dưới cùng sẽ không có cửa sổ, xây bằng bê tông cốt sắt và bao quanh bằng kính. Những tầng phía dưới cùng của tòa nhà sẽ chỉ để chứa những hệ thống như máy phát điện hoặc điều hòa không khí.
10. Trung tâm văn hóa Heydar Aliyev
Địa điểm: thủ đô Baku, Azerbaijan
Hoàn thành vào tháng 5/2012, Trung tâm Văn hóa Heydar Aliyev là một công trình uốn lượn gồm thư viện, bảo tàng, nhà hát thính phòng và một số hội trường.
Công trình mới này đánh dấu mốc quan trọng trong việc quy hoạch lại thủ đô Baku của Azerbaijan.
11. Nhà nguyện Kamppi
Địa điểm: Helsinki, Phần Lan
Nằm ở phía Nam quảng trường Narinkka, trung tâm thành phố ồn ào, náo nhiệt Helsinki, Phần Lan là công trình nhà nguyện Kamppi vô cùng yên tĩnh. Nhà nguyện do kiến trúc sư Mikko Summanen và cộng sự thiết kế được đánh giá là một công trình kiến trúc sử dụng vật liệu gỗ hết sức sáng tạo.
Không gian nổi bật nhất của nhà nguyện là khối công trình bằng gỗ cao 11,5m, với những đường uốn cong mềm mại giống hình một chiếc bát khổng lồ. Công trình nhà nguyện có quy mô xây dựng rất khiêm tốn, khoảng 270 m2, bao gồm phòng thông tin và không gian cho những buổi lễ xưng tội.
Ban đầu ý tưởng xây dựng một nhà nguyện nhỏ giữa trung tâm thành phố đến từ các thành viên công giáo giáo xứ Helsinki. Nhưng sau khi hoàn thành, với thiết kế kiến trúc sáng tạo, độc đáo và thân thiện, nhà nguyện Kamppi không chỉ phục vụ cho những nghi lễ hay hoạt động của giáo đoàn, mà nó còn được mở cửa phục vụ cho tất cả mọi người, trở thành không gian sinh hoạt cho cộng đồng dân cư trong khu vực.
12. Sân bóng chày Marlins Park
Địa điểm: Miami, Florida, Mỹ
Sân bóng chày Marlins Park có sức chứa 37.000 người được thiết kế với phần mái có thể thu vào hoặc mở ra trong vòng 13 phút. Sân vận động Marlins Park nằm ở Little Havana, cách Downtown 3,2 km về phía tây.
Khánh thành vào tháng 3 năm nay, Marlins Park được đánh giá là "sự kết hợp giữa vẻ đẹp và môn bóng chày".
13. Tháp Mercury City
Địa điểm: Matxcơva, Nga
Với chiều cao hơn 338 m tọa lạc tại Trung tâm kinh doanh quốc tế Moscow City của thủ đô Matxcơva, khi khánh thành tòa tháp Mercury City sẽ vượt "Shard" của London, chính thức trở thành tòa nhà cao nhất châu Âu.
Mercury City với gam màu hồng chủ đạo là tác phẩm của kiến trúc sư người Nga Mikhail Posokhin và kiến trúc sư người Mỹ Phranh Frank Williams, người đã qua đời năm 2010.
Tòa tháp Mercury City gồm 80 tầng với tổng diện tích sử dụng lên tới gần 174.000 m2, trong đó 5 tầng ngầm có diện tích 31.000 m2. Các văn phòng hạng A được bố trí từ tầng 4 đến tầng 40 và các căn hộ hạng sang được bố trí từ tầng 42 đến tầng 75 của tòa tháp.
14. Bảo tàng nghệ thuật đương đại Cleveland
Địa điểm: Cleveland, Ohio, Mỹ
Bảo tàng nghệ thuật đương đại Cleveland là một tòa nhà hình vuông do Farshid Moussavi tại London thiết kế. Bảo tàng, được làm bằng thép không gỉ màu đen là một trong những tòa nhà có kiến trúc độc đáo nhất trên thế giới.
"Mục đích của công trình nhằm tạo ra một môi trường lý tưởng cho các nghệ sĩ và du khách đồng thời thúc đẩy tính sáng tạo và đa dạng trong các chương trình triển lãm", Farshid Moussavi cho biết.
15. Số 1 đường Bligh
Địa điểm: Sydney, Australia
Được biết đến là tòa nhà cao nhất châu Á và châu Úc, tòa tháp hình elip cao 28 tầng ngự trị tại trung tâm Sydney, Australia này được ra đời dưới dạng cấu trúc hình hộp.
Điểm nổi bật của cao ốc Số 1 đường Bligh là kết cấu chủ đạo bằng nhôm và kính có chiều cao lên tới 135m được ví là cửa thông gió tự nhiên cao nhất của Australia. Ngoài việc có kết cấu tận dụng ánh sáng tự nhiên, tòa nhà cũng sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời và khí gas cho việc vận hành.
16. Palazzo Lombardia
Địa điểm: Milan, Italia
Kiến trúc sư: Pei Cobb Freed & Partners
Palazzo Lombardia nằm ở thành phố Milan, Italia được bình chọn là tòa nhà cao tầng đẹp nhất ở châu Âu. Tòa nhà 40 tầng này cũng là tòa nhà đầu tiên của Italia có tên trong danh sách nhà cao tầng đẹp nhất thế giới.
Tòa nhà do công ty Pei Cobb Freed & Partners thiết kế là hiện thân của sự bền vững và thân thiện với môi trường. “Không chỉ là một tòa tháp hiện đại, Palazzo Lombardia còn là sự kết hợp giữa công viên xanh và khu thương mại”, Antony Wood, Giám đốc của Hội đồng nhà cao tầng và môi trường sống đô thị cho biết.
17. Tháp Pearl River
Địa điểm: Quảng Châu, Trung Quốc
Tháp Pearl River cao 309m, có tổng diện tích 2,3 triệu m2 ở Quảng Châu, Trung Quốc được xem là công trình có nhiều ứng dụng công nghệ xanh nhất hiện nay. Pearl River cũng được coi là một trong những công trình chọc trời được thiết kế với kiến trúc, kết cấu độc đáo, sử dụng công nghệ bền vững và những kỹ thuật xây dựng mới nhất.
Tòa tháp gồm 71 tầng với các tấm năng lượng mặt trời, hệ thống trần chứa các đường ống dẫn nước lạnh để làm mát các căn phòng và hệ thống thoáng khí dưới sàn nhà. Nhờ đó mà Pearl River có thể tự tạo ra nguồn năng lượng từ các yếu tố môi trường xung quanh để đáp ứng cho các nhu cầu sinh hoạt và làm việc của con người bên trong tòa nhà.
Peal River - trụ sở chính của Công ty thuốc lá Quảng Đông CNTC còn được xem là xu thế tất yếu trong thiết kế kiến trúc bền vững ở thế kỷ XXI.
18. Trung tâm truyền thông quốc tế Phượng Hoàng
Địa điểm: Bắc Kinh, Trung Quốc
Trung tâm báo chí quốc tế Phượng Hoàng (Phoenix International Media Center), Bắc Kinh là một khối hộp bằng thép xoáy hình bánh rán có kiến trúc đa dạng về các chức năng truyền hình, dịch vụ văn phòng, thương mại và giải trí, nằm ở góc phía Tây Nam của công viên Triều Dương.
Toàn bộ công trình có tổng diện tích gần 65.000 m2 được khởi công xây dựng từ năm 2009 và hoàn thành vào năm 2012. Biểu tượng của công trình là một khối liên tục không có mở đầu và kết thúc, biểu hiện cho sự vĩnh cửu, trường tồn hay sự vận chuyển liên tục.
19. Sân bay quốc tế Queen Alia
Địa điểm: Amman, Jordan
Sân bay quốc tế Queen Alia là sân bay lớn nhất của Jordan nằm trong khu vực Zizya cách thành phố Amman 32 km (20 dặm) về phía nam. Sân bay được xây dựng vào năm 1983 gồm ba nhà ga: hai ga hành khách, một ga hàng. Mỗi năm, sân bay Queen Alia đón khoảng 9 triệu lượt khách.
Sân bay này được đặt tên theo hoàng hậu Alia (người vợ thứ ba của vua Jordan Hussein), người đã thiệt mạng trong một tai nạn máy bay trực thăng vào năm 1977.
20. Bệnh viện nhi hoàng gia
Địa điểm: Melbourne, Australia
Bệnh viện nhi hoàng gia ở Melbourne được thiết kế có nhiều khu vực vui chơi trong và ngoài trời với màu sắc sặc sỡ, mang phong cách thân thiện với trẻ em.
Bệnh viện được 2 bác sĩ John Singleton và William Smith thành lập vào năm 1870 nhằm giải quyết tình trạng tử vong cao ở trẻ sơ sinh tại thành phố Melbourne.
21. Tháp cầu London (The Shard)
Địa điểm: London, Anh
Kiến trúc sư: Renzo Piano Building Workshop
Tòa tháp "The Shard" bằng kính cao 309,6 m, thống trị đường chân trời của thành phố London chính thức được khánh thành vào ngày 5/7 sau hơn 1 thập kỷ sau khi phác thảo trên giấy.
Các kỹ sư cho biết đến lúc hoàn thiện, tòa tháp sẽ bao gồm 10 căn hộ cao cấp, khách sạn 5 sao, 3 nhà hàng và 600.000 m2 không gian văn phòng để tạo nên một "thành phố thẳng đứng".
Lần đầu tiên được phác thảo trên mặt sau tờ thực đơn của một nhà hàng ở Berlin vào năm 2000, mẫu thiết kế đã được phê duyệt vào năm 2003 nhưng quá trình xây dựng bị đình trệ trong thời gian khủng hoảng tín dụng. Công trình này có vốn khoảng 1,5 tỷ bảng Anh và mất 12 năm để hoàn thành sau khi Qatar đầu tư 95% vốn vào năm 2009.
Tên tháp "The Shard" có nguồn gốc từ kiến trúc sư Renzo Piano, người đã mô tả công trình này như một "mảnh vỡ của thủy tinh" trong suốt các giai đoạn lập kế hoạch xây dựng. Lấy cảm hứng từ bức họa sông Thames của Canaletto và cột buồm của những con tàu từng neo ở đây, các nhà thiết kế đã tạo một tòa tháp bằng kính để phản chiếu hình ảnh của thành phố.
22. Sân bay vũ trụ Mỹ
Địa điểm: Las Cruces, New Mexico, Mỹ
Sân bay vũ trụ Mỹ - sân bay vũ trụ thương mại đầu tiên trên thế giới có chi phí xây dựng khoảng 198 triệu USD chính thức khai trương vào ngày 17/10/2011 tại sa mạc bang New Mexico, Mỹ, mở đường cho việc thực hiện các chuyến du lịch vũ trụ.
Không chỉ là những đường băng, sân bay vũ trụ Mỹ còn bao gồm khu khách sạn hạng sang để phục vụ du khách. Ngoài ra, sân bay vũ trụ thương mại này còn được đầu tư khá nhiều để trở thành địa điểm du lịch sang trọng, nhằm phục vụ những triệu phú muốn thử cảm giác bay vào khoảng không vũ trụ.
Các quan chức hàng không vũ trụ Mỹ ước tính, mỗi năm sẽ có 200.000 lượt khách đăng ký du lịch không gian khi loại hình này đi vào hoạt động. Chính vì lẽ đó, những công trình cấp thiết để phục vụ hành khách sử dụng loại hình du lịch này cũng đang được triển khai song song. Điều này hứa hẹn sẽ tạo ra những khoản lợi nhuận khổng lồ cho các nhà đầu tư và thúc đẩy nền kinh tế Mỹ phát triển.
23. Tháp truyền hình Tokyo Sky Tree
Địa điểm: Tokyo, Nhật Bản
Tokyo Sky Tree là tháp truyền hình mới nằm ở khu vực Sumida gần quận Asakusa của Tokyo. Với chiều cao 634 m, Tokyo Sky Tree là tháp truyền hình cao nhất Nhật Bản và đứng thứ hai trên thế giới tính đến thời điểm hoàn thành.
Kế hoạch xây dựng tháp truyền hình Tokyo Sky Tree được bắt đầu từ năm 2003, khi Nhật Bản bắt đầu đẩy mạnh việc thay thế dần truyền hình analog sang truyền hình digital.
Với chiều cao vượt bật Tokyo Sky Tree có thể phủ sóng khắp thành phố và hoạt động hiệu quả hơn so với tháp truyền hình Tokyo trước đó với chiều cao 333m.
Chi phí cho việc xây dựng tháp truyền hình là 40 tỷ yên (khoảng 500 triệu USD), còn chi phí tổng cộng cho việc giải tỏa, xây các công trình phụ xung quanh tháp, nhân công, trang trí… vào khoảng 65 tỷ yên (khoảng 820 triệu USD).
Tokyo Sky Tree là dự án hợp tác của hãng đường sắt Tobu và đài phát thanh truyền hình thành phố. Công trình xây dựng do Tập đoàn Nikken Sekkei (công ty con của tập đoàn Sumitomo) phụ trách việc thiết kế và giám sát.
24. Tòa nhà 23 Marina
Địa điểm: Dubai, Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE)
Tòa nhà 23 Marina gồm 90 tầng với chiều cao lên tới 380m hiện là tòa nhà chung cư cao nhất thế giới.
Tòa nhà này là một trong những dự án bất động sản nhà ở cao cấp mới tại Dubai. Tòa nhà gồm 289 căn hộ do Tập đoàn Hiranandani của Ấn Độ xây dựng.
25. Tháp Victoria
Địa điểm: Kista, Stockholm, Thụy Điển
Tọa lạc tại quận Kista, trung tâm thành phố Stockholm, tháp Victoria mang cấu trúc hình chữ T với chiều cao 117,6m. Toàn bộ công trình có tổng diện tích 23.000 m2 được thiết kế bao bọc bởi một lớp thủy tinh lấp lánh.
Chi phí xây dựng tòa tháp khoảng 55 triệu euro. Tổ hợp công trình bao gồm khu văn phòng, khu khách sạn 229 phòng, một trung tâm hội nghị, khu ẩm thực và khu vực dành cho công nghệ cao của thành phố.
Tháp Victoria có 34 tầng là một trong những tòa nhà cao nhất ở Stockholm, nội thất bên trong tòa nhà do hãng nội thất nổi tiếng Vitra thiết kế.
Nguồn Business Insider/Khampha