Ảnh: theepochtimes.com
2020: Một thế giới phân ly
Hàng thập niên qua, chính phủ các nước trên thế giới đã vận hành với suy nghĩ rằng toàn cầu hóa là một thế lực không thể nào ngăn cản nổi. Vì thế, cho dù có bất đồng về hệ tư tưởng, các quốc gia với nhiều sự khác biệt như Mỹ và Trung Quốc, Nga và Anh vẫn duy trì các chính sách tương tự, tạo điều kiện cho giao thương toàn cầu mở rộng và dòng tiền đầu tư chảy vào. Nhưng với sự đối đầu gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, có thể khơi mào cho một cuộc bùng nổ chiến tranh thương mại toàn cầu, đã đảo ngược lại quy trình này.
Xu hướng thời thượng hiện nay không còn là “toàn cầu hóa” (globalisation) mà là “phân ly” (decoupling), khi vì các lý do mang tính chiến lược và kinh tế, chính phủ các nước đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường nước ngoài và công nghệ. Xu hướng này đang được dẫn dắt bởi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mục tiêu thấy rõ của các biện pháp trừng phạt thương mại mà Mỹ áp lên Trung Quốc là nhằm khuyến khích một số hoạt động sản xuất công nghiệp và chuỗi cung ứng quay trở về cố thổ. Mỹ cũng thẳng tay với các hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu công nghệ mà được xem là mối đe dọa an ninh, khi cấm công ty viễn thông Trung Quốc Huawei mua chip và linh kiện từ Mỹ.
“Có thể thấy rõ mối quan hệ Mỹ - Trung đang trong một cuộc chuyển biến quan trọng, chứ không chỉ là một sự sa sút trong mối quan hệ giữa 2 nước”, James McGregor, Chủ tịch khu vực Trung Quốc đại lục tại APCO Worldwide, nhận định. Ông cho biết thêm: “Doanh nghiệp từng là hòn đá tảng quan trọng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Cả 2 nước đã bất đồng về nhiều vấn đề và các hệ thống cũng có nhiều điểm không tương thích, nhưng mối quan hệ kinh doanh và thương mại đã hàn gắn hai nước với nhau. Giờ mối quan hệ kinh doanh và thương mại lại chính là nguyên nhân dẫn đến xung đột khi cả 2 quốc gia đang tranh giành những công nghệ quan trọng nhất của tương lai”.
Xu hướng phân ly trên mặt trận chủ chốt công nghệ cũng ngày càng lan sang lĩnh vực nhân sự, khi các nhà nghiên cứu Trung Quốc gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm tại Mỹ. Người Mỹ thì cho rằng thực tế chính Trung Quốc đã khởi động quy trình phân ly này rất sớm, từ cách đây 1 thập niên khi nước này bắt đầu ngăn các công ty công nghệ Mỹ như Facebook và Google tiếp cận thị trường tiêu dùng Trung Quốc.
Nhưng các bước đi gần đây của Mỹ đã buộc Trung Quốc phải đi xa hơn trên con đường tự lực cánh sinh. Bằng chứng là Huawei và các công ty công nghiệp và công nghệ khác của Trung Quốc đang gia tăng tìm kiếm nguồn cung cấp chip và linh kiện ở ngay thị trường nội địa.
Quá trình phân ly sẽ rất đau đớn cho một số công ty hàng đầu thế giới. Có thể thấy, Trung Quốc hiện là thị trường lớn thứ 2 của Apple trong khi sản phẩm Apple phần lớn được sản xuất tại Trung Quốc. Còn Huawei, đối thủ Trung Quốc của Apple thì lại bành trướng rất nhanh tại các thị trường phương Tây. Huawei cũng đã sử dụng hệ điều hành Android của Google trong thiết bị di động của mình và giờ sẽ phải tìm cách phát triển các ứng dụng và hệ điều hành di động của riêng họ.
Đáng chú ý là thời gian gần đây, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), cơ quan chuyên trách săm soi các khoản đầu tư nước ngoài vào nước này, đã cực kỳ bận rộn. Vào tháng 3, CFIUS đã buộc các chủ sở hữu Trung Quốc phải chuyển giao quyền kiểm soát tại Grindr, một ứng dụng hẹn hò dành cho người đồng tính, do rủi ro an ninh.
Mỹ ngày càng lo ngại về hoạt động gián điệp và phá hoại, khi các chuyên gia an ninh chỉ ra rủi ro phần mềm độc hại (malware) có thể được cài trong các sản phẩm công nghệ nhập khẩu, có khả năng phá hoại hạ tầng quan trọng. Lấy cắp dữ liệu trên nền tảng đám mây cũng là một mối lo ngại khác, buộc nhà làm chính sách các nước để mắt nhiều hơn đến vị trí đặt những cơ sở, trung tâm lưu trữ dữ liệu. Trong khi đó, Trung Quốc, Nga và các nước khác cũng dè chừng, đặc biệt kể từ tiết lộ của Edward Snowden về khả năng Mỹ tiếp cận thông tin được lưu trữ bởi các tập đoàn công nghệ Mỹ.
Giống như tại Mỹ, các nước châu Âu ngày càng lo ngại về một số khoản đầu tư của Trung Quốc. Thậm chí, đã có nhiều đề xuất rằng châu Âu nên thành lập một cơ quan chuyên trách giống như CFIUS của Mỹ. Bước đầu, một bộ hướng dẫn sàng lọc các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Âu sẽ chính thức có hiệu lực vào năm 2020.
Trong bối cảnh xu hướng phân ly đang diễn ra, các cơ quan quốc tế lại gặp khó khăn trong việc giữ vững quyền lực để duy trì trật tự thế giới. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chẳng hạn, đang gặp rắc rối khi Mỹ ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới cho tòa phúc thẩm WTO. Một khi không thể trông cậy WTO giải quyết tranh chấp, các đối tác thương mại sẽ không còn cách nào khác ngoài việc đơn phương đáp trả.
Các chuyên gia lo ngại biện pháp ăn miếng trả miếng sẽ có thể kéo tất cả các nền kinh tế lớn của thế giới vào tình trạng suy thoái. Bằng chứng là Mỹ, Trung Quốc, một số nước châu Âu và nhiều nền kinh tế lớn của châu Á đã chứng kiến đà tăng trưởng yếu ớt nhất trong nhiều năm. Nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cũng bị vạ lây, vì Mỹ, Trung Quốc, EU đều là các thị trường quan trọng của họ.
Có thể nói, bức tranh kinh tế - chính trị thế giới đang phủ một sắc màu u ám ở thời điểm chuyển sang năm mới. Gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế khuyến cáo kinh tế thế giới đang trưởng với tốc độ yếu ớt nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
►Nhìn lại kinh tế thế giới 2019: Thương chiến và công nghệ
►Trung Quốc và hành trình để trở thành cường quốc kinh tế số 1 thế giới