2016: Năm sóng gió của thị trường mới nổi
Các tổ chức quốc tế liên tục hạ dự báo tăng trưởng các thị trường mới nổi, đặc biệt là đối với Brazil, Nga và Trung Quốc. Lực lượng lao động suy giảm trong khi nợ tăng nhanh đáng báo động.
Trong bối cảnh đó, một số nước vẫn tiếp tục vay thêm. Số nợ mà các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực tài chính Trung Quốc vay mượn đã tăng gần 7 điểm phần trăm GDP trong giai đoạn cuối năm 2014 và giữa năm 2015. Đáng ngại là họ vay mượn với kỳ vọng rằng tăng trưởng sẽ cao hơn. Nhưng với triển vọng tăng trưởng ngày càng mờ mịt, chi phí vay mượn tăng lên và đồng USD mạnh hơn, mức nợ cao đang tạo ra một loạt vấn đề.
Các chuyên gia kinh tế dự báo sẽ có nhiều đợt vỡ nợ doanh nghiệp mà có thể tác động đến khu vực tài chính, gây sức ép lên bảng cân đối kế toán của các quốc gia và làm què quặt hệ thống cho vay, vốn là xương sống của nền kinh tế.
Bức tranh tăng trưởng ảm đạm
1. Các chuyên gia kinh tế tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới đều đã giảm mạnh dự báo tăng trưởng của các thị trường mới nổi trong nhiều năm qua.
IMF đã liên tục hạ dự báo tăng trưởng giai đoạn 5 năm của các nền kinh tế mới nổi |
2. Chính phủ các thị trường mới nổi đã không tận dụng được thời kỳ ăn nên làm ra và chi phí vay giá rẻ để cải tổ nền kinh tế nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh. Một bằng chứng là tỉ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào nền kinh tế đang giảm.
Tỉ trọng đóng góp của TFP cho tăng trưởng đang suy giảm |
3. Lực lượng lao động tăng không đủ nhanh tại các thị trường mới nổi. Trong trường hợp của Trung Quốc, lực lượng lao động đang suy giảm do chính sách 1 con của nước này. Các thị trường mới nổi khác thì chứng kiến dân số đang già đi nhanh chóng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng trong dài hạn.
Tỷ trọng lao động ở độ tuổi đi làm |
4. Một trong những vấn đề lớn nhất của các thị trường mới nổi là nợ đang phình to. Các thị trường mới nổi đã đi gom nợ giá rẻ trong giai đoạn đồng tiền dễ dãi và giờ đang phải đối mặt với hậu quả. Nợ các thị trường mới nổi hiện xấp xỉ tương đương 200% GDP. Đây là gánh nặng đối với tăng trưởng.
Nợ thị trường mới nổi xét theo tỉ trọng GDP từng khu vực |
5. Các thị trường mới nổi chiếm một tỉ trọng lớn nhiều trong nền kinh tế toàn cầu so với trước đây. Chỉ riêng các nước đang phát triển lớn gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (còn gọi là khối BRICS) hiện chiếm gần 25% GDP toàn cầu. Đó là lý do Ngân hàng Thế giới ước tính cứ mỗi 1 điểm phần trăm sụt giảm trong tăng trưởng BRICS có thể lấy đi 0,8 điểm phần trăm tăng trưởng của các thị trường mới nổi khác và 0,4 điểm phần trăm tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.
Tác động của 1 điểm phần trăm sụt giảm trong tăng trưởng của khối BRICS đối với tăng trưởng toàn cầu và các thị trường mới nổi khác |
Đàm Hoa