Ảnh: The Hill.
2 tháng trừng phạt chưa từng có, phương Tây vẫn không thể nhấn chìm nền kinh tế Nga
Các biện pháp trừng phạt chưa từng có của phương Tây được ví như vũ khí hủy diệt hàng loạt, sẽ phá hủy nền kinh tế Nga. Nhưng như một con dao hai lưỡi - chúng gây đau đớn cho Nga nhưng cũng mang lại cái giá khá đắt cho những bên áp đặt chúng.
Trên thực tế, phương Tây đã mắc vào một cái bẫy: Các lệnh trừng phạt và xung đột ngày càng sâu sắc, đã làm tăng giá hàng hóa và năng lượng toàn cầu, mang lại doanh thu cao hơn cho Nga mặc dù xuất khẩu của nước này giảm đáng kể. Còn giá cả quốc tế thì cao hơn do thúc đẩy lạm phát, kéo theo rắc rối chính trị đối với những bên đứng sau các lệnh trừng phạt.
Một nghịch lý khác là: Bất chấp việc Nga bị cắt đứt khỏi các hệ thống tài chính của thế giới, đồng rúp Nga đã phục hồi nhờ sự can thiệp của nhà nước. Tuy nhiên, đồng yên Nhật (đồng tiền được giao dịch nhiều thứ ba trên thế giới) đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm so với USD (tệ hơn đồng rúp), kém nhất trong số 41 loại tiền tệ được theo dõi.
Trong khi đó, lạm phát tăng nhanh và sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang đe dọa lợi nhuận của các công ty phương Tây, còn việc tăng lãi suất lại gây nhiều khó khăn hơn cho người tiêu dùng. Với những khó khăn kinh tế đang bùng phát, tháng 4 đã trở thành tháng tồi tệ nhất đối với Phố Wall kể từ đợt lao dốc do đại dịch gây ra vào năm 2020. Chỉ số S&P 500 đã giảm 8,8% trong tháng 4.
Trong hai tháng đầu tiên của cuộc chiến ở Ukraine, những bên áp đặt các lệnh trừng phạt trớ trêu đã giúp Nga tăng gần gấp đôi doanh thu của mình, lên khoảng 62 tỉ euro bằng việc bán nhiên liệu hóa thạch cho họ, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu về Năng lượng và Không khí Sạch. 18 nhà nhập khẩu hàng đầu, ngoại trừ Trung Quốc, là những nước áp đặt lệnh trừng phạt, trong đó riêng Liên minh châu Âu (EU) chiếm 71% lượng mua nhiên liệu của Nga trong giai đoạn này.
Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga, nhập khẩu khí đốt, dầu và than của EU từ Nga đạt tổng cộng khoảng 44 tỉ euro trong 2 tháng qua, so với khoảng 140 tỉ euro cho cả năm 2021.
Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã kéo sang ngày thứ 71. Ảnh: The Hill. |
Nga, ngay cả khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, đang cố gắng giữ giá năng lượng và hàng hóa quốc tế ở mức cao, bằng cách cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria. Nga có thể tăng giá hơn nữa thông qua các biện pháp đáp trả, đồng thời cố gắng cải thiện thu nhập từ xuất khẩu của mình.
Đáng buồn thay, kẻ thất bại thực sự trong cuộc xung đột Nga- NATO, lại là những nước nghèo đang gánh chịu sức nặng của sự suy thoái kinh tế. Từ Peru đến Sri Lanka, giá nhiên liệu, thực phẩm và phân bón tăng cao đã gây ra các cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố, mà ở một số nơi tình trạng hỗn loạn chính trị tiếp tục diễn ra. Nợ nần của nhiều quốc gia nghèo ngày càng sâu sắc.
Việc siết chặt một cường quốc, đặc biệt là cường quốc có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, bằng một loạt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt là đầy nguy hiểm. Phương Tây ngày càng “nhúng” sâu hơn và đầy tinh vi vào cuộc chiến Nga- Ukraine, với việc Mỹ cũng cung cấp thông tin tình báo chiến trường như dữ liệu nhắm mục tiêu.
Các biện pháp trừng phạt trong lịch sử đã phát huy tác dụng với các quốc gia nhỏ, dễ bị tổn thương, hơn là với các quốc gia lớn hoặc mạnh mẽ. Nhưng phương Tây có thể mất nhiều năm để gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga. Mặc dù đã sử dụng mọi công cụ kinh tế có thể để gây khó khăn cho Nga, Nhà Trắng không tin rằng chỉ riêng các biện pháp trừng phạt sẽ có tác dụng, nên đã chuyển sang cung cấp vũ khí, bao gồm việc yêu cầu Quốc hội cấp thêm 33 tỉ USD quỹ quân sự và kinh tế để thúc đẩy cuộc xung đột.
Nhưng các lệnh trừng phạt có khả năng làm suy yếu cấu trúc tài chính toàn cầu do phương Tây kiểm soát. Các biện pháp trừng phạt sâu rộng, bằng cách thúc đẩy vũ khí hóa tài chính đã khiến các quốc gia không phải phương Tây tìm cách thiết lập các thỏa thuận song song. Trung Quốc sẽ không chỉ dẫn đầu quá trình này mà còn có thể trở thành người chiến thắng thực sự trong cuộc xung đột NATO- Nga.
Khi xung đột kéo dài và "hiệu ứng boomerang" của các lệnh trừng phạt làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt, sự chia rẽ trong phe phương Tây sẽ ngày càng gia tăng.
Phương Tây sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài đàm phán với Tổng thống Putin để chấm dứt xung đột, theo dự đoán của ông Javier Solana, cựu lãnh đạo NATO, người cũng từng là ngoại trưởng Tây Ban Nha. Các cuộc đàm phán như vậy sẽ rất quan trọng để ngăn chặn sự tàn phá Ukraine và ngăn châu Âu phải trả giá.
Có thể bạn quan tâm:
Fed tăng lãi suất thêm 0.5%, mức tăng lớn nhất trong hai thập kỷ
Nguồn The Hill