19 ngân hàng lớn nhất Mỹ kiểm tra sức khỏe cho kịch bản suy thoái
Các bài kiểm tra này là một phần bắt buộc, quy định bởi Đạo luật Cải cách Tài chính Dodd-Frank thông qua năm 2010. Ngoài ra, các bài kiểm tra mặc dù phức tạp hơn so với năm 2011, song các kịch bản kinh tế được áp dụng có đôi chút lạc quan hơn, Fed cho biết. Trong số 3 kịch bản kinh tế mà Fed đưa ra, kịch bản tồi tệ nhất đó là kinh tế Mỹ suy thoái nghiêm trọng với tỷ lệ thất nghiệp là 12,1%, diễn ra trong quý II/2014. Hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp Mỹ là 7,9%.
Ngoài ra, Fed cũng cho công bố 2 kịch bản khác, đó là: một cuộc suy thoái vừa diễn ra vào cuối năm 2012 và kéo dài đến đầu 2014. Kịch bản thứ 2 - đây được coi là kịch bản phù hợp nhất dự báo của các nhà kinh tế - giả thuyết kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,75%/năm và tỷ lệ thất nghiệp giảm gần 6,8% vào cuối năm 2015.
Fed cho rằng những cuộc kiểm tra hàng năm như thế này là việc làm thực sự cần thiết nhằm thuyết phục các nhà đầu tư rằng các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ có thể tồn tại khi khủng hoảng tài chính nổ ra. Đây cũng là sự kiện hàng năm để xác định khả năng trả cổ tức hoặc mua lại cổ phần của các ngân hàng.
Giám đốc công ty tư vấn Deloitte & Touche, ông Sabeth Siddique - người từng tham gia chương trình kiểm tra các ngân hàng của Fed trong năm 2009 - cũng cho rằng các bài kiểm mới sẽ ít khó khăn hơn đối với các ngân hàng. "Hệ thống tài chính Mỹ đã trải qua vô số bài học kinh nghiêm. Những bài kiểm tra trong năm năm nay có thể sẽ ít khó khăn hơn đối với một số tổ chức so với năm ngoái".
Trong đợt kiểm tra hồi đầu năm 2012, được công bố hồi tháng 3, kịch bản tồi tệ nhất được đưa ra là tỷ lệ thất nghiệp leo thang 13%, giá cổ phiếu giảm 50% và giá nhà giảm 21%.
Tuy nhiên, một số ngân hàng lại cho rằng những kịch bản kinh tế Fed đưa ra không thực sự đáng lo ngại như thực tế.
Mô hình chung xuyên suốt các kịch bản kinh tế trong năm nay của Fed đó là sự chậm lại của kinh tế của Trung Quốc có hiệu ứng lan tỏa đáng kể đến phần còn lại đang phát triển của châu Á. Theo kịch bản xấu nhất, tăng trưởng kinh tế của các quốc gia châu Á đang phát triển sẽ giảm 0,3% trong quý hiện tại, trái ngược với dự báo tăng 7,4% trong thực tế.
Fed cũng nhấn mạnh, đây không phải là một dự báo chính thức mà chỉ là một "kịch bản giả định", được thiết kế nhằm đánh giá khả năng chống chịu của các ngân hàng trong một môi trường kinh tế đặc biệt khắc nghiệt.
Dự kiến các ngân hàng phải nộp kế hoạch vốn và kết quả kiểm tra vào ngày 7/1/2013, và kết quả cuối cùng sẽ do Fed công bố vào ngày 31/7.
Nguồn WSJ/Khampha