Thứ Ba | 15/04/2014 15:32

1825: Cuộc khủng hoảng đầu tiên của thị trường mới nổi

Cuộc khủng hoảng đầu tiên của thị trường mới nổi diễn ra ở Nam Mỹ năm 1825, nhưng từ chính cuộc khủng hoảng đó, Anh đã vươn lên trở thành cường quốc tài chính số một thế giới.
Nếu như các cuộc khủng hoảng tại thị trường mới nổi vẫn luôn là một nỗi sợ tiềm tàng cho đến thời điểm hiện tại, thì cuộc khủng hoảng đầu tiên năm 1825 đã xảy ra thực sự như một cơn ác mộng. Từ những trò lừa do thông tin bất đối xứng, cho đến sự lột xác để trở thành trung tâm tài chính lớn nhất thế giới của Anh đều xuất phát từ chính cuộc khủng hoảng ấy.

Phần 3 của báo cáo mang tên "Lịch sử tài chính qua 5 cuộc khủng hoảng" được giới thiệu dưới đây sẽ cho độc giả biết về cuộc khủng hoảng thứ hai trong nền tài chính hiện đại diễn ra tại Nam Mỹ năm 1825.

gafin

Những cuộc khủng hoảng luôn bắt đầu với một hy vọng mới. Trong những năm 1820, niềm phấn khích dâng trào sau khi các quốc gia Nam Mỹ mới giành được độc lập từ tay Tây Ban Nha. Tại Anh, các nhà đầu tư đặc biệt nhanh nhạy ở nơi mà thị trường cũng đang bùng nổ vào thời điểm đó, với giá trị xuất khẩu tăng ấn tượng. Còn xứ Wales lại là nguồn nguyên liệu thô với sản lượng khai thác 3 triệu tấn than mỗi năm và là điểm nguồn vận chuyển gang đúc đi khắp nơi trên toàn cầu. Và Manchester đã trở thành thành phố công nghiệp lớn nhất thế giới nhờ việc chế biến nguyên liệu thô đầu vào để làm thành những thứ có giá trị cao hơn như hóa chất và máy móc. Sản xuất công nghiệp tại Anh đã tăng 34% trong khoảng thời gian 1820-1825.

gafin
Hệ quả tất yếu của tất cả những hy vọng mới đã đến khi những người Anh có nhiều tiền mặt muốn một nơi nào đó để đầu tư từ số tiền không nhỏ của họ. Trái phiếu chính phủ từng là nguồn cung cấp tài chính cho nước Anh trong các cuộc chiến của Napoleon. Nhưng khi sự thù địch qua đi, rủi ro cũng giảm xuống và Bộ Tài chính Anh đã có thể cắt giảm lãi suất trái phiếu chính phủ. Tỷ lệ lãi suất trái phiếu chính phủ Anh đã giảm từ 5% năm 1822 xuống còn 3,3% năm 1824. Với lạm phát quanh mốc 1% trong giai đoạn 1829-1825, phần lãi suất thực chỉ còn lại vô cùng khiêm tốn. Như vậy, khi các cuộc chiến kết thúc, trái phiếu chính phủ được đánh giá là an toàn và cũng vì thế mà trở nên nhàm chán đối với giới đầu tư.

Nhưng may mắn là họ lại có một cơ hội đầu tư khác. Trong những năm 1820, Anh đã vươn lên thay thế Amsterdam để trở thành trung tâm tài chính lớn nhất châu Âu và nhanh chóng trở thành nơi mà các chính phủ nước ngoài đến để tìm kiếm nguồn vốn. Theo đó, Anh - thị trường trái phiếu mới của toàn cầu đã tăng trưởng vô cùng ấn tượng. Nếu như năm 1820, mới chỉ có duy nhất một trái phiếu nước ngoài được giao dịch trên thị trường London thì đến năm 1826, con số đó đã là 23. Trái phiếu nợ phát hành bởi các nước Nga, Phổ và Đan Mạch đã được hoàn trả đầy đủ và đúng hạn, trái ngược với những khoản đầu tư được xem là thực sự thú vị trong một thế giới mới.

Sự sụp đổ của đế chế Tây Ban Nha đã trao trả sự tự do cho các quốc gia thuộc địa cũ để tiến tới thiết lập một chế độ độc lập. Giữa những năm 1822-1825, Colombia, Chile, Peru, Mexico và Guatemala đã bán ra thành công lượng trái phiếu trị giá 21 triệu bảng Anh (tương đương 2,8 tỷ USD ngày nay) tại London. Và còn có nhiều cách khác để huy động tiền mặt, chẳng hạn như từ cổ phiếu phát hành bởi các công ty khai khoáng của Anh đang có kế hoạch khám phá những miền đất mới trên thế giới ở Nam Mỹ. Giá cổ phiếu của một trong những công ty như vậy là Anglo Mexican đã tăng từ 33 bảng Anh lên 158 bảng Anh trong vòng một tháng.

Vấn đề lớn nhất của tất cả những việc này lại xuất phát từ một điều đơn giản, đó là khoảng cách. Trong trường hợp thuận lợi, để đi đến Nam Mỹ và trở về thì phải mất đến 6 tháng. Như vậy, những thỏa thuận đã được hình thành trên nền tảng của những thông tin hỗn tạp nhất. Ví dụ nổi bật nhất là trường hợp trái phiếu của một quốc gia có tên gọi là "Poyais" được bán ra bởi Gregor MacGregor - người đại diện do quốc gia mới thành lập trên, nhưng trên thực tế lại không hề tồn tại. Với khoảng cách quá xa, các nhà đầu tư cũng không kiểm chứng kỹ càng thông tin về Poyais và đã chịu cú lừa đau đơn của MacGregor.

gafin
Rất nhiều thông tin về những quốc gia mới đến từ những nhà báo được trả công để chuyên theo dõi. Nhưng ngay cả với những quốc gia thực sự tồn tại như Maxico và Colombia, hệ thống thuế chỉ rất sơ sài vì vậy họ ít có khả năng để tăng nguồn thu và tăng mức tiền lãi cho các khoản vay mới.

Trong khi đó, các nhà đầu tư bỗng trở nên kiêu ngạo một cách lạ lùng. Tất cả mọi người đều biết rằng sự cạnh tranh với Tây Ban Nha đồng nghĩa với việc chính phủ Anh sẽ ủng hộ các quốc gia Mỹ Latin mới độc lập. Nhưng những người cầm tiền lại tiến thêm một bước nữa. Bởi kẻ thù của Madrid là bạn của London, các quốc gia mới chắc chắn có thể dựa sự hỗ trợ tài chính từ nước Anh. Hơn nữa, mức lãi suất trái phiếu chính phủ Mexico và Colombia lên tới 6%, cao gấp đôi 3% trái phiếu chính phủ Anh. Do đó, quyết định mua được đưa ra vô cùng đơn giản.

Nhưng sự thật lại chẳng có người Anh nào hỗ trợ các quốc gia mới này. Vào mùa hè năm 1823, việc Tây Ban Nha đang đứng trên bờ vực vỡ nợ đã trở nên rõ ràng. Nghiên cứu của Marc Flandreau đến từ Geneva Graduate Institute and Juan Flores đến từ the University of Geneva đã cho thấy rằng, vào cuối năm 1825 trái phiếu chính phủ Peru đã giảm 40% giá trị danh nghĩa và nhiều quốc gia Nam Mỹ mới độc lập khác cũng đi theo vết xe đổ sau đó.

Đối với các ngân hàng Anh, vì đã mua những khoản nợ của những công ty khai khoáng với những bản kế hoạch viễn chinh đầy tham vọng tới Nam Mỹ cũng chịu ảnh hưởng. Người gửi tiền bắt đầu chuyển sang nắm giữ tiền mặt và tháng 12/1825, các ngân hàng bắt đầu tháo chạy. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã vào cuộc để cung cấp tín dụng cho những người cho vay đang gặp khó khăn, lẫn cung cấp cứu trợ trực tiếp cho các công ty sắp phá sản. Và Bagehot sau đó đã nhìn nhận đây chính là một hình mẫu của một NHTW đang lâm vào khủng hoảng. Bất chấp những nỗ lực của BOE, nhiều ngân hàng đã không thể đáp ứng nhu cầu rút tiền của người gửi tiền. Năm 1826, hơn 10% các ngân hàng tại Anh và xứ Wales phá sản. Tuy nhiên, sự đáp trả của người Anh trước sự đổ vỡ trên có thể thay đổi diện mạo căn bản của ngành ngân hàng.

Điều đáng lưu ý nhất về cuộc khủng hoảng năm 1825 là sự chia rẽ sâu sắc các điểm nhìn sau khi mọi sự đã xảy ra. Một vài nhà đầu tư với tâm lý đổ lỗi thì cho rằng, họ đã đầu tư vào trái phiếu của những quốc gia mà họ không hề hay biết, hoặc vào cổ phiếu của những công ty khai khoáng thực hiện công việc thăm dò ở những quốc gia không hề chứa quặng. Một phản ứng tự nhiên đối với cuộc khủng hoảng thị trường mới nổi này có lẽ là việc yêu cầu các nhà đầu tư tiến hành kiểm tra một cách chính xác trước khi để tiền vào chỗ rủi ro.

Nhưng những tổ chức đứng đầu nền tài chính Anh bao gồm cả BOE, thay vào đó lại đổ lỗi cho các ngân hàng. Mối quan hệ đối tác tư nhân nhỏ giống như một ngôi nhà cổ phần tư nhân hiện đại, bị cáo buộc rằng đã làm tăng bong bóng đầu cơ bằng những khoản cho vay lỏng lẻo. Luật ngân hàng thời điểm đó xác định tối đa chỉ có 6 ngân hàng có thể tham gia phát hành chứng khoán, để bảo đảm rằng các nhân hàng tuy có số lượng nhiều nhưng hoạt động với quy mô nhỏ. Nếu các ngân hàng có quy mô lớn hơn, thì có thể đã sông sót sau cuộc khủng hoảng không thể tránh khỏi.

Trong quá trình cân nhắc cần phải làm gì, các ủy ban của Westminster và Phố Threadneedle nhìn về phía Bắc, nơi các ngân hàng ở Scotland hoạt động dưới hình thức liên doanh cổ phần của nhiều người cho vay khác nhau, cho phép có nhiều đối tác như họ muốn và phát hành trái phiếu cho bất kỳ ai muốn mua. Các nhà cho vay Scotland đã ở trong trạng thái tốt hơn nhiều trong suốt cuộc khủng hoảng. Quốc hội đã thông qua đạo luật ngân hàng mới vào năm 1826. Nước Anh đã thực sự trở thành trung tâm trái phiếu của toàn cầu. Với những rào cản hạn chế quyền sở hữu được dỡ bỏ, các ngân hàng như National Provincial, mà bây giờ là một bộ phận của Ngân hàng Hoàng gia Scorland (RBS), đã bắt đầu thắng thế so với các đối thủ và quá trình đó cứ thế tiếp tục kể từ thời điểm đó.

gafin

Sự chuyển đổi sang mô hình ngân hàng cổ phần là một thời điểm vui buồn lẫn lộn trong lịch sử nền tài chính Anh quốc. Mặt tích cực là hình thức sơ khai của một siêu ngân hàng kiểu mẫu đã được ra đời và nước Anh đã trở thành nơi dẫn đầu thế giới trên cả hai lĩnh vực ngân hàng cũng như trái phiếu. Tuy nhiên, một chuỗi dài các cuộc sáp nhập đã giải thích tại sao RBS trở thành ngân hàng lớn nhất thế giới và sau đó, vào năm 2009 lại là ngân hàng lớn nhất phá sản. Ngày nay, 4 ngân hàng lớn nhất của Anh nắm giữ khoảng 75% tiền gửi của đất nước và sự sụp đổ của bất kỳ ngân hàng nào trong số đó cũng sẽ gây ra rủi ro hệ thống đến toàn bộ nền kinh tế.

Nguồn Gafin/The Economist/NCDT


Sự kiện