1792: Những nền móng tài chính hiện đại
Alexander Hamilton - nhà kiến thiết nền tài chính hiện đại
Nếu có một ai đó xứng đáng được vinh danh trong nền tài chính hiện đại trên cả hai khía cạnh: xuất chúng và đáng sợ thì đó phải là Alexander Hamilton - Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Mỹ. Trong buổi đầu, nền tài chính tại một quốc gia non trẻ như Mỹ thời bấy giờ chỉ như một tấm vải trắng trơn. Năm 1790 - tức 14 năm sau khi tuyên bố độc lập, nước Mỹ mới chỉ có 5 ngân hàng và một vài công ty bảo hiểm.
Hamilton muốn xây dựng một nhà nước của nền tài chính được thiết lập một cách nghệ thuật giống như ở Anh hay Hà Lan. Điều đó có nghĩa là một khoản nợ liên bang sẽ kéo theo nhiều loại chứng từ vay nợ (IOU - I Owe You) của nhiều bang trên khắp nước Mỹ. Những trái phiếu mới phát hành của Mỹ sẽ được giao dịch thông qua thị trường mở và cho phép Chính phủ có thể vay mượn với chi phí rẻ. Và Mỹ cũng sẽ cần có một Ngân hàng Trung ương, do vậy Ngân hàng Đầu tiên của Mỹ - The First Bank of the United States (BUS) ra đời, dưới hình thức sở hữu của công chúng.
Một ngân hàng mới cũng mang đến một cơ hội đầu tư hấp dẫn. 8 triệu USD trong tổng số 10 triệu USD cổ phần tại BUS được phát hành ra công chúng. Buổi đấu giá đầu tiên vào tháng 7/1791 đã diễn ra tốt đẹp và số lượng đăng ký mua vượt mức chỉ trong vòng một giờ đồng hồ. Đó là tin tốt đối với Hamilton bởi hai cột trụ trong hệ thống mới xây dựng - ngân hàng và nợ - đều đã được thiết kế để hỗ trợ lẫn nhau.
Chứng chỉ cổ phiếu (scrip) là bắt buộc để nhà đầu tư mua cổ phần tại BUS. |
Khủng hoảng tài chính năm 1792
Tuy nhiên, có hai việc khiến cho kế hoạch của Hamilton rơi vào rủi ro.
Rủi ro đầu tiên đến từ William Duer - một người bạn cũ bỗng trở nên xấu tính. Duer là người Anh đầu tiên chỉ trích cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ nhưng chắc chắn sẽ không phải là người cuối cùng. Duer và những đồng sự của ông đã biết trước rằng, các nhà đầu tư cần trái phiếu liên bang để mua cổ phần của BUS vì vậy họ đã cố gắng mua hết số trái phiếu liên bang trên thị trường để đầu cơ. Để tài trợ cho việc đầu cơ này, Duer đã vay mượn từ những người bạn giàu có bằng cách phát hành những chứng từ vay nợ cá nhân ra công chúng. Duer cũng biển thủ số tiền từ các công ty mà ông đang điều hành.
Và rồi sự hốt hoảng bắt đầu vào tháng 3/1792. BUS bắt đầu chậm lại trong việc tạo ra một tiền tệ mạnh để hỗ trợ cho tiền giấy của mình. NHTW của Mỹ lúc này đẫ tiến hành cắt giảm cung tín dụng nhanh gần như ngang bằng với khi đã mở rộng trước kia. Kéo theo đó, các khoản vay theo đó giảm 25% trong khoảng thời gian từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 3. Do tín dụng bị thắt chặt, Duer và nhóm đầu cơ bắt đầu gặp khó khăn, nên thường xuyên dùng những khoản nợ mới để trả nợ cũ.
Tin đồn về những rắc rối của Duer và sự thắt chặt tín dụng từ BUS đã khiến cho thị trường Mỹ đột ngột lao dốc. Giá trái phiếu chính phủ, cổ phiếu của BUS và chứng khoán đang nằm trọn trong tay những công ty giao dịch khác giảm gần 25% trong vòng hai tuần. Kết cục là Duer đã phải ngồi tù vào ngày 23/3/1792.
Tuy nhiên, điều đó đã không thể ngăn chặn được sự đổ vỡ lây lan khi mà các công ty bắt đầu sụp đổ. Hậu quả đau đớn khiến cho mọi người tức giận. Một đám đông những nhà đầu tư đang giận dữ đã đập phá nhà tù New York - nơi giam giữ Duer.
Lật ngược tình thế
"Bằng cách cứu trợ hệ thống tài chính, Hamilton đã tạo ra một tiền lệ, để cho những cuộc khủng hoảng về sau do hệ thống tài chính gây ra, có thể lệ thuộc nhiều hơn vào sự giúp đỡ của chính phủ." |
Hamilton đã tấn công trên nhiều phương diện: ông dùng tiền công quỹ để mua trái phiếu liên bang và thúc đẩy trái phiếu chính phủ lên giá, bảo vệ ngân hàng và các nhà đầu cơ đã mua vào với giá cao trước đó. Ông tiếp thêm tín dụng bằng tiền mặt cho những người cho vay (người mua cổ phần tại BUS) đang gặp khó khăn. Đồng thời Hamilton còn đảm bảo rằng các ngân hàng có tài sản đảm bảo có thể vay nhiều như họ muốn, với tỷ lệ lãi suất 7% (sau đó trở thành trần lãi suất cho vay nặng lãi).
Gói cứu trợ của Hamilton đã hoạt động cực kỳ hiệu quả. Cùng với niềm tin được phục hồi, nền tài chính lại bước vào thời kỳ rực rỡ mới. Trong vòng nửa thế kỷ, New York đã trở thành một siêu cường trong nền tài chính, với số lượng các ngân hàng và thị trường tăng lên theo GDP. Tuy nhiên, việc giải cứu cũng đã tạo nên một điều gì đó khác. Bằng cách cứu trợ hệ thống tài chính, Hamilton đã tạo ra một tiền lệ, để cho những cuộc khủng hoảng về sau do hệ thống tài chính gây ra có thể lệ thuộc nhiều hơn vào sự giúp đỡ của Chính phủ.
Nguồn Gafin/The Economist
The First Bank of the United States (BUS) - NHTW đầu tiên của Mỹ.