Thứ Năm | 26/12/2013 22:36

14 dự báo "trật lất" nổi tiếng trong lịch sử (P1)

Có không ít dự báo đã trật lất và điều tồi tệ không xảy ra trên thực tế.
Kịch bản tăm tối thường xuyên được đưa ra và gây sự chú ý của dư luận với những bài viết trên các trang báo uy tín. Có không ít dự báo đã trật lất và điều tồi tệ không xảy ra trên thực tế.
Xuyên suốt lịch sử, các “thầy bói” – từ những chính trị gia như Winston Churchill cho đến các nhà kinh tế học như Irving Fisher – đã cố gắng tiên đoán về những sự kiện có thể gây chấn động thế giới. Những kịch bản tăm tối thường xuyên được đưa ra và gây sự chú ý của dư luận với những bài viết trên các trang báo uy tín.

May thay, có không ít dự báo đã trật lất và điều tồi tệ không xảy ra trên thực tế. Hãy nhớ lại những lo lắng về sự cố thiên niên kỷ Y2K hay lời dự báo về ngày tận thế 21/12/2012.
CNBC điểm lại 14 dự báo đã không trở thành sự thực.

Dự đoán về thị trường chứng khoán năm 1929

Dự đoán về thị trường chứng khoán năm 1929
Irving Fisher là một nhà kinh tế học gây được nhiều chú ý của thế kỷ 20. Milton Friedman đã gọi ông là “nhà kinh tế học vĩ đại nhất mà nước Mỹ từng có”. Ông đã đóng góp nhiều công trình cho bộ môn kinh tế học, ví dụ như công thức Fisher, giả thuyết Fisher và định lý tách Fisher...

Tuy nhiên, nhà kinh tế học lỗi lạc này đã từng đưa ra một dự báo sai vào năm 1929. Dự báo này cũng đã phá hủy phần nào uy tín của ông.
3 ngày trước khi phố Wall sụp đổ vào năm đó, Fisher đã đưa ra nhận định “TTCK đã chạm tới điểm cao nhất và ổn định nhất. 72 giờ sau, thực tế đã chứng minh những nhận định của ông là hoàn toàn sai lầm và từ đó danh tiếng cũng như tài sản của ông bị xói mòn.
Sự cố Y2K
Sự cố Y2K
Khi liệt kê những dự báo về thảm họa không xảy ra trên thực tế, Y2K là một trong những sự kiện gây chấn động nhất. Năm 2000 cận kề, các chuyên gia máy tính nhận ra một vấn đề: hầu hết các phần mềm máy tính đều hiển thị năm chỉ bằng hai chữ số cuối, ví dụ năm 1998 sẽ được viết đơn giản là 98.

Bởi vậy, khi năm 2000 đến, họ lo sợ rằng tất cả máy tính trên thế giới sẽ hoạt động theo kiểu năm đó chuyển từ 1999 sang 1900.

Trong khi đây là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đối với nành tài chính, một số người tin rằng tất cả dữ liệu cá nhân của họ sẽ biến mất, các số liệu nhiễu loạn gây nên tình trạng khan hiếm thực phẩm và các tên lửa hạt nhân sẽ tự khởi động. Edmund X. DeJesus – tổng biên tập của tạp chí BYTE – đã nhận định rằng Y2K là một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử loài người.

May mắn thay, ngày 1/1/2000 đã qua đi và không có điều tồi tệ nào xảy ra.

Nước Mỹ sụp đổ vào năm 2010

Nước Mỹ sụp đổ vào năm 2010
Năm 1998, tác giả chuyên viết về chính trị Igor Panarin cho rằng nước Mỹ đang bên bờ vực của một cuộc nội chiến dẫn đến kết quả là những bang giàu có hơn chiếm toàn bộ doanh thu thuế từ chính quyền liên bang và tách khỏi nước Mỹ. Sau sự kiện này, nước Mỹ chia thành 6 phần.

Trong một bài báo được đăng tải trên tờ Wall Street Journal năm 2008, Panarin giải thích thêm rằng phần giáp biển phía Tây sẽ được kiểm soát bởi Trung Quốc, Hawaii và Nhật Bản, phần Đông Nam Mỹ trở thành một phần của Mexico, phía Tây Trung thuộc về Canada và vùng Đông Bắc nhập vào Liên minh châu Âu. Alaska thuộc về nước Nga. Chuyên gia này còn cho rằng có 45 đến 55% khả năng dự đoán trên sẽ xảy ra.

Dow Jones đạt 36.000 điểm

Dow Jones đạt 36.000 điểm
The New Strategy for Profiting From the Coming Rise in the Stock Market (tạm dịch: Chiến lược mới để kiếm lời từ đà tăng của thị trường chứng khoán) là cuốn sách được viết bởi James Glassman và Kevin Hassett. Cuốn sách này đươc xuất bản năm 1999, đúng vào thời điểm bong bóng dot-com lên tới đỉnh điểm. Các tác giả cho rằng chỉ số công nghiệp Dow Jones sẽ chạm mốc 36.000 điểm chỉ trong một vài năm tới và đưa ra những lời khuyên để tối đa hóa lợi nhuận nhân sự kiện này.
Cuốn sách viết: “Nếu bạn lo lắng về việc bỏ lỡ đà tăng mạnh mẽ của thị trường, bạn sẽ phát hiện ra rằng bây giờ chưa phải là quá muộn”. Đáng buồn là điều này đã không xảy ra. Thời điểm cuốn sách được xuất bản, chỉ số Dow Jones chỉ ở mức 16.336 điểm. Bản sao của cuốn sách hiện được bán trên Amazon với giá chỉ 1 cent.

Dự đoán về mua sắm trực tuyến

Dự đoán về mua sắm trực tuyến
Năm 1966, tạp chí TIME đưa ra dự đoán với cái tít “Mua sắm từ xa sẽ dần lụi tàn bởi phụ nữ thích ra khỏi nhà, xách những túi đầy hàng hóa và mua sắm trực tiếp tại quầy hàng cho phép họ thay đổi quyết định bất cứ lúc nào”.

Điều này vẫn đúng trong năm 2011, nhiều người vẫn thích ra khỏi nhà và tận mắt nhìn thấy sản phẩm. Tuy nhiên, mua sắm trực tuyến bùng nổ hơn bao giờ hết.

Tivi

Tivi
Một nghiên cứu được công bố năm 2010 bởi Nielsen cho thấy tầng lớp trung lưu của nước Mỹ trung bình xem tivi 5 tiếng mỗi ngày. Nhiều gia đình có nhiều hơn một chiếc tivi. Tuy nhiên, năm 1946, có lẽ Darryl F Zanuck không thể tưởng tượng rằng tivi sẽ trở nên phổ biến như vậy.

Ông dự báo tivi sẽ không thể giữ được thị phần sau 6 tháng đầu tiên. Trong khi đó, tờ New York Times cũng đăng tải một bài báo năm 1939, cho rằng “vấn đề của tivi là người ta không thể suốt ngày dán mắt vào màn hình, và tầng lớp trung lưu Mỹ sẽ không có thời gian cho việc này”.

Thư tên lửa

Thư tên lửa
Arthur Summerfield là Bộ trưởng Bộ Bưu chính dưới thời Tổng thống Dwight D. Eisenhower.

Có lẽ ông được biết đến nhiều nhất vì một dự báo đưa ra năm 1959. “Trước khi con người đặt chân lên mặt trăng, những lá thư của bạn sẽ mất vài giờ để đi từ New York tới Australia bằng các tên lửa dẫn đường. Chúng ta sẽ có “thư tên lửa”.

Cùng năm đó, Bưu chính Mỹ thử nghiệm “thư tên lửa” lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Một quả tên lửa được bắn đi từ tàu ngầm Barbero bên bờ biển Florida đến căn cứ quân sự hải quân ở Mayport. Toàn bộ chuyến bay mất 22 phút, và thư được giao thành công. Nhưng chương trình này không bao giờ được triển khai.

Nguồn CafeF


Sự kiện