Thứ Tư | 18/09/2013 08:09

14 điều cần biết về Fed (Phần 2)

Fed đặt ra và thực hiện cái gọi là “chính sách tiền tệ” nhằm thúc đẩy sức khỏe của nền kinh tế.
8. Fed đang làm những gì?

Fed đặt ra và thực hiện cái gọi là “chính sách tiền tệ” nhằm thúc đẩy sức khỏe của nền kinh tế. Chính sách tiền tệ tác động đến lãi suất – và lãi suất thì có tác động rõ rệt lên nền kinh tế. Thông qua chính sách tiền tệ, Fed có thể can thiệp vào nền kinh tế thông qua vài con đường:

1. Lãi suất chiết khấu: lãi suất chiết khấu là lãi suất các khoản vay mà Fed tính cho các NHTM cũng như các tổ chức nhận tiền gửi khác khi các tổ c hức này đi vay từ công cụ cho vay của ngân hàng dự trữ liên bang địa phương.

2. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc: quy định các ngân hàng phải nắm giữ lượng tiền dự trữ bao nhiêu trong kho của mình. Fed sử dụng công cụ này để kiểm soát khả năng cho vay của các ngân hàng.

3. Nghiệp vụ thị trường mở OMO: Đây là nghiệp vụ quan trọng của chính sách tiền tệ. Có thể bạn đã nghe đâu đó rằng Fed đang mua các loại tài sản tài chính trong chương trình Nới lỏng định lượng (QE) (sẽ được đề cập dưới đây). Nghiệp vụ thị trường mở tương tự như vậy và từ lâu là chương trình để Fed thực hiện chính sách tiền tệ của mình. Thông qua OMO, Fed sẽ mua trái phiếu chính phủ trên thị trường mở và điều này có tác dụng điều chỉnh tỷ lệ lãi suất liên bang trong phạm vi mục tiêu của Fed. Tỷ lệ lãi suất liên bang là thước đo điều chỉnh các khoản cho vay liên ngân hàng.

Khi Fed giảm lãi suất liên bang (thông qua OMO) – điều mà Fed đã làm kể từ cuộc khủng hoảng, nó sẽ có tác dụng khuyến khích các ngân hàng đi vay trên thị trường liên ngân hàng, khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn và theo lý thuyết sẽ làm tăng tốc nền kinh tế. Ngược lại, khi Fed tăng lãi suất liên bang nghĩa là Fed cho rằng hệ thống đang quá lỏng lẻo và có khả năng tạo ra bong bóng.

Với việc kinh tế Mỹ vẫn trong giai đoạn phục hồi, việc Fed muốn làm hiển nhiên là giữ lãi suất liên bang càng thấp càng tốt. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là lãi suất này đã ở mức 0% từ năm 2009.
Trên thực tế là Fed đang thực hiện chính sách lãi suất bằng 0 – điều này có thể hiểu đơn giản là lãi suất danh nghĩa đang ở mức thấp nhất có thể. Chúng ta đã đạt đến mức giới hạn của chính sách tiền tệ truyền thống.

9. Vậy Fed có thể áp dụng biện pháp nào nếu như lãi suất đang ở mức 0%?Bây giờ chúng ta sẽ nói về chính sách nới lỏng định lượng (QE). QE vốn được hiểu là “chính sách tiền tệ phi truyền thống” – hàm ý nói rằng “Chúng tôi sẽ thử biện pháp này ngay.”

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và với việc lãi suất gần bằng 0, Fed đã liên tục áp dụng các chính sách tiền tệ mới. Nổi bật nhất là chính sách nới lỏng định lượng – theo đó Fed sẽ mua tài sản nhằm làm tăng lượng cung tiền trong nền kinh tế. Kể từ năm 2008, Fed đã mua vào hàng tỷ USD trái phiếu có tài sản cầm cố (nguyên nhân gây ra khủng hoảng tài chính) và hàng tỷ USD trái phiếu Bộ tài chính. Kể từ đó, Fed đã thực hiện thêm 2 lượt QE nữa.

QE có tác dụng giữ lãi suất ở mức thấp mặc dù một số cho rằng cách làm này là “giả tạo” và “phi kinh tế”. Dù sao thì tác dụng tích cực của nó là làm thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu có đợt phục hồi ấn tượng.

Hiện nay các ý kiến chỉ trích chương trình QE này (vốn gọi QE là QE vô hạn do thời lượng thực hiện chương trình quá dài) đã lên tiếng cảnh báo rằng chương trình mua lại tài sản kiểu này sẽ dẫn đến lạm phát cao. Nếu điều này xảy ra thì kiểm soát lạm phát sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Fed.

Tính đến thời điểm này thì QE vẫn chưa gây ra lạm phát và chuyên gia Paul Krugman đã trở nên nổi tiếng khi cho rằng những chỉ trích QE “luôn luôn sai lầm”. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là QE là một chính sách hoàn hảo. Bảng cân đối tài sản của Fed đã phình to lên mức 3,6 nghìn tỷ USD.
10. Liệu gói QE có kết thúc hay không?

Vào tháng 6, Fed đã gây hỗn loạn thị trường bằng tuyên bố rằng sẽ giảm dần gói QE. Mặc dù điều này không có nghĩa là Fed sẽ chấm dứt gói QE mà chỉ giảm tốc độ mua lại tài sản, thị trường vẫn rơi vào tình trạng hỗn loạn và lãi suất tăng cao.

Kể cả khi Fed giảm quy mô thì nhiều khả năng gói QE sẽ được kéo dài thêm. Và ngay cả khi QE chấm dứt, người ta không hiểu liệu Fed sẽ xử lý đống tài sản trị giá 3,6 nghìn tỷ USD như thế nào?

11. Vậy liệu các tuyên bố hoặc hành động của Fed có thực sự ảnh hưởng đến thị trường không?

Fed lâu nay vẫn cố gắng đưa ra các thông điệp rõ ràng bằng cách cung cấp cái gọi là “chỉ báo” – những thông điệp rõ ràng về lãi suất trong tương lai. Với việc đã sử dụng hết các công cụ của chính sách tiền tệ, Fed tuyên bố sẽ gắn các thay đổi trong chính sách với các chỉ số kinh tế. Thông điệp rõ ràng sẽ giúp thành viên thị trường tính toán được các thay đổi trong chính sách kinh tế.

Thử tưởng tượng Fed sẽ nói: “Chúng tôi sẽ giữ lãi suất thấp trong thời gian dài”. Thông thường, Fed chỉ kiểm soát lãi suất ngắn hạn nhưng bằng việc thông báo với các ngân hàng rằng họ có thể vay tiền với lãi suất thấp trong thời gian dài, các ngân hàng sẽ sẵn sàng cho người dân vay với lãi suất thấp.

Các NHTW thường hoạt động trong bí mật nhưng chủ tịch sắp mãn nhiệm của Fed Ben Bernanke lại muốn xóa bỏ truyền thống đó. Các thống đốc NHTW khác như tân thống đốc của NHTW Anh Mark Carney cũng đã theo bước ông Ben Bernanke.

Fed tuyên bố rằng họ sẽ giữ lãi suất liên bang không đổi cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp giảm về mức 6-6,5%. Hiện nay tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 7,3% và mọi thứ có vẻ rõ ràng nhưng thị trường vẫn trở nên hỗn loạn mỗi khi Fed đưa ra tuyên bố nào đó hoặc người ta nghĩ rằng Fed sẽ làm như vậy. Các NHTW luôn tạo ra sóng gió trên các thị trường bởi lẽ những gì họ nói hoặc làm có tác động trực tiếp đến tương lai của nền kinh tế. Dự đoán tương lai của nền kinh tế vẫn là cách mà các nhà đầu tư kiếm tiền. Bạn có thể tưởng tượng được họ tức giận thế nào khi họ cho rằng Fed không đưa ra các thông điệp rõ ràng về chính sách của mình.

12. Bàn về tỷ lệ thất nghiệp

Tỷ lệ thất nghiệp cũng là một mối lo của Fed (Fed là một NHTW đặc biệt vì có mục tiêu kép với 2 mối lo lớn là lạm phát và thất nghiệp. Thông thường, các NHTW chỉ có 1 mục tiêu là lạm phát hoặc thất nghiệp). Là một định chế tồn tại 100 năm, trách nhiệm của Fed đã được sửa đổi trong nhiều năm.

Đạo Luật Việc làm năm 1946 kêu gọi chính phủ theo đuổi mục tiêu toàn dụng lao động. Tiếp đó vào năm 1977, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luạt Cải cách Cục dự trữ liên bang. Theo đó, Fed sử dụng chính sách tiền tệ để thúc đẩy việc làm và kiểm soát lạm phát. Đạo luật này không phải ngẫu nhiên mà ra đời. Nên nhớ rằng cuối những năm 1970 là thời kỳ khủng khiếp cho việc làm và lạm phát.

13. Tại sao mọi người lại ghét Fed đến vậy?

Hiển nhiên tôi đang đề cập đến chiến dịch của hạ nghị sỹ Đảng Cộng hòa Ron Paul nhằm “chấm dứt sự tồn tại của Fed” hay đe dọa của thống đốc bang Texas Rick Perry về việc “ám sát” Chủ tịch Fed Ben Bernanke về tội “phản quốc”.

Hiện nay Fed được biết đến với tư cách là NHTW có “trách nhiệm kép” khi phải cùng lúc hoàn thành 2 mục tiêu là lạm phát và việc làm. Đây là một trong những lý do mà các ý kiến chỉ trích Fed thường viện ra.

Các ý kiến chỉ trích cho rằng mục tiêu đầu tiên của Fed là tránh khỏi các cuộc khủng hoảng và hỗn loạn trong ngân hàng. Nếu như Fed tập trung vào việc làm thì Fed có động cơ để giữ lãi suất thấp nhằm kích thích nền kinh tế. Nếu như Fed giữ lãi suất ở mức thấp đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế tốt, các bong bóng có thể xuất hiện. Vào năm 2001 là bong bóng chứng khoán. Sau đó đến năm 2007 là bong bóng tài sản (địa ốc). Các bong bóng kinh tế này sẽ dẫn đến khủng hoảng ngân hàng mà Fed vốn được tạo ra để ngăn chặn.

14. Vậy khả năng xảy ra khủng hoảng lần nữa là thế nào?

Nếu bạn có thể trả lời câu hỏi này thì bạn nên làm thống đốc NHTW. Đây là một câu hỏi khó. Fed và các thành viên của mình rõ ràng là đang cố gắng hết sức để đảm bảo sức khỏe và ổn định cho nền kinh tế Mỹ. Khi nhìn lại quá khứ, rất dễ để chỉ ra sai lầm của các NHTW. Trong nhiệm kỳ của mình, Cựu Chủ tịch Fed Alan Greenspan đã được ca ngợi là “thần tượng, huyền thoại” nhờ vào việc “sáng tạo và thực thi” chính sách tiền tệ. Phải đến khi thị trường địa ốc Mỹ sụp đổ thì người ta mới nhận ra rằng chính sách lãi suất siêu thấp mà ông áp dụng thực ra là một quả bom nổ chậm.

Chính sách tiền tệ có thể có tác động trong nhiều năm và thậm chí là nhiều thập kỷ sau đó. Do đó cách thức tốt nhất để đánh giá chính sách tiền tệ là phải chú ý nhiều hơn đến nó.

Nguồn BI/Dân Việt


Sự kiện