11 nhân vật tạo nên tương lai của châu Á
Dưới đây, CNBC liệt kê những nhân vật chủ chốt chi phối các yếu tố chính trị, kinh tế, công nghệ, khoa học và văn hóa.Có thể nói đây là những nhân vật sẽ định hình tương lai của châu Á.
Bài viết nằm trong series “Asia tomorrow” (tạm dịch: Tương lai của châu Á) được thực hiện bởi CNBC mà chúng tôi xin lược dịch và gửi tới bạn đọc.
1. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Tạp chí Time xếp Thủ tướng Nhật Bản vào danh sách 100 nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới.Ông cũng đứng ở vị trí 57 trong danh sách của Forbes liệt kê những người quyền lực nhất.
Shinzo Abe đang định hình tương lai của Nhật Bản như thế nào?
Nhận được sự ủng hộ của cả Thượng viện và Hạ viện – điều mà không người tiền nhiệm nào có được kể từ năm 2006, ông Abe đang hạ quyết tâm thay đổi nền kinh tế Nhật Bản sau nhiều năm giảm phát và tăng trưởng kinh tế yếu ớt, Chính phủ Nhật đã thực hiện một loạt chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ.
Tháng 4 vừa qua, lần đầu tiên trong vòng 18 năm có một Tổng thống Mỹ tới thăm chính thức Nhật Bản. Năm ngoái, Nhật cũng giành quyền đăng cai thế vận hội Olympic 2020.
Những người chỉ trích ông Abe thì nói rằng ông vẫn chưa thể đưa ra những biện pháp cải cách dài hạn, đặc biệt là hiệp định TPP chưa được giải quyết.Ông cũng bị chỉ trích vì đã tới thăm đền Yasukuni.
Tuy nhiên, dù ông Abe thất bại hay thành công, có thể chắc chắn rằng ông sẽ để lại dấu ấn rõ nét.
2. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Sinh ra ở Bắc Kinh năm 1953, ông Tập là con trai của một đảng viên kỳ cựu.Sau khi tốt nghiệp trường ĐH Thanh Hoa danh tiếng năm 1979, ông có con đường công danh khá thuận lợi và cuối cùng trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông chính thức trở thành Chủ tịch nước từ tháng 3/2013 và cũng là Chủ tịch Quân ủy Trung ương.Năm ngoái, tạp chí Forbes bình chọn ông là người quyền lực thứ ba thế giới, chỉ đứng sau Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama.
Kể từ khi nhậm chức, ông đã nhấn mạnh kỳ vọng thay đổi với “Giấc mộng Trung Hoa” và nỗ lực chiến đấu với tham nhũng. Chuyến thăm tới Thâm Quyến năm 2012 – cái nôi của các cuộc cải cách mà Đặng Tiểu Bình đã thực hiện năm 1992 – càng củng cố hình ảnh một lãnh đạo sẽ thực hiện nhiều cải cách.
Tại Hội nghị TW 3 năm 2013, ông cũng cam kết sẽ xóa bỏ và nới lỏng nhiều chính sách gây tranh cãi đã tồn tại trong nhiều thập kỷ (điển hình như chính sách một con).
Ông Tập đang lãnh đạo Trung Quốc đúng vào thời điểm có nhiều sự thay đổi, từ quá trình chuyển đổi của nền kinh tế đến những căng thẳng địa chính trị ở bên ngoài lãnh thổ. Quy mô và tầm quan trọng của kinh tế Trung Quốc đối với kinh tế thế giới khiến từng bước đi của ông được cả thế giới theo dõi.
3. Narendra Modi, Thủ tướng Ấn Độ
Thủ tướng mới nhậm chức của Ấn Độ có lý do để tin rằng ông sẽ thay đổi tương lai của nền kinh tế lớn thứ ba châu Á. Chiến thắng vang dội vừa qua cho phép ông đẩy nhanh các chương trình kinh tế và hi vọng rằng các chính sách này sẽ hồi sinh đà tăng trưởng của nền kinh tế (vốn đang ở mức dưới 5%).
TTCK Ấn Độ đã tăng cao kỷ lục sau chiến thắng của ông Modi. Đây chính là thời điểm để ông Modi tái tạo lại tương lai của Ấn Độ.
4. Tổng thống Indonesia Joko Widodo
Joko Widodo vừa dành chiến thắng trong cuộc bầu cử của Indonesia. Được biết đến nhiều hơn với tên gọi "Jokowi", cựu Thị trưởng Jakarta trở thành hình ảnh thân thuộc với các cử tri – những người nhận định rằng ông là “làn gió mới” trên chính trường Indonesia.
Đại sứ Mỹ tại Indonesia từ năm 2007 đến 2010 Cameron Hume đã nói rằng ông Widodo đại diện cho hy vọng của người dân Indonesia rằng sẽ có thay đổi trong hệ thống chính trị cũng như nền kinh tế Indonesia.
5. Thống đốc NHTW Ấn Độ Raghuram Rajan
Dù mới nhậm chức cách đây chưa đầy 1 năm, người đứng đầu NHTW Ấn Độ đã để lại dấu ấn rõ rệt.Rajan trở thành Thống đốc ngay sau khi đồng rupee rơi xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD.Ông được nhiều người tín nhiệm vì đã lấy lại sự ổn định cho thị trường tài chính Ấn Độ cũng như khá thành công trong cuộc chiến chống lạm phát.
Từng là chuyên gia kinh tế trưởng và giám đốc nghiên cứu tại IMF, ông Rajan cũng nổi tiếng vì đã dự báo đúng về khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Năm 2003, Hiệp hội tài chính Mỹ trao cho ông Rajan giải thưởng Fischer Black Prize với vị trí nhà nghiên cứu tài chính dưới 40 tuổi xuất sắc nhất.
6. Jack Ma, người đồng sáng lập Alibaba Group
Bạn bè của Jack Ma cho rằng ông nên từ bỏ vì ông không biết gì về công nghệ. Tuy nhiên, điều này không thể ngăn Jack Ma – người từng là một giáo viên tiếng Anh – thành lập Alibaba cách đây 15 năm.
Ngày nay, Alibaba là nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới và đang được dự đoán sẽ làm nên lịch sử với vụ IPO được nhiều người chờ mong trên sàn chứng khoán New York.
Jack Ma đã định hình lại khái niệm bán lẻ trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.Alibaba cũng đang vươn ra những lĩnh vực khác như tài chính cá nhân, games và video.
Tháng 3, Alibaba nằm trong số 10 công ty được Bắc Kinh chọn ra để thành lập các ngân hàng vốn tư nhân đầu tiên kể từ năm 1949.
Ông có tài sản ước tính trị giá 8,5 tỷ USD. Hồi tháng 4, Ma cùng với Joe Tsai thành lập quỹ từ thiện trị giá khoảng 3 tỷ USD tập trung vào môi trường và y tế.
7. Pony Ma, CEO của Tencent
Pony Ma thường được mô tả là người không xuất hiện nhiều trên báo chí nhưng Tencent luôn là cái tên được giới truyền thông chú ý. Có tên đầy đủ là Ma Huateng, ông lọt vào danh sách những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất của tạp chí Time trong 2 năm 2007 và 2014. Ông cũng là một trong những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc với tài sản 13,2 tỷ USD.
Được thành lập năm 1998, Tencent hiện là công ty Internet lớn thứ tư thế giới.Sản phẩm nổi tiếng nhất của Tencent là ứng dụng nhắn tin QQ được giới trẻ Trung Quốc ưa chuộng.Hiện Tencent có giá trị thị trường 139 tỷ USD và gần 1 tỷ người dùng.
8. Cher Wang, CEO của HTC
Wang là một trong những phụ nữ quyền lực nhất trong làng công nghệ.Nhà sản xuất điện thoại đến từ Đài Loan HTC sản xuất 1 trong số 6 chiếc điện thoại thông minh được bán ra ở Mỹ.
CNBC xếp Wang ở vị trí số 22 trong số 25 nhân vật có ảnh hưởng sâu sắc đến giới kinh doanh và tài chính kể từ năm 1989.
9. Michelle Simmons, nhà vật lý nguyên tử người Úc
Simmons được bầu làm thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học nghệ thuật Hoa Kỳ hồi tháng 4 vừa qua, nối tiếp những cái tên như Stephen Hawkings, Albert Einstein và Alexander Graham Bell.
Các nghiên cứu của cô tập trung vào việc khai thác năng lượng nguyên tử để phát triển những thiết bị siêu nhanh và siêu nhỏ có thể xử lý lượng lớn dữ liệu.
Đội nghiên cứu của Simmon tại ĐH New South Wales đã phát triển chip bán dẫn nhỏ nhất thế giới – yếu tố cơ bản của máy tính nguyên tử trong tương lai.Công trình nghiên cứu được công bố năm 2012, sớm hơn 10 năm so với dự đoán của các nhà sản xuất chip trên thế giới.
Năm 2005, cô được trao Huy chương Pawsey của Viện hàn lâm khoa học Úc.Năm 2012, cô đạt danh hiệu “Nhà khoa học của năm” của ĐH New South Wales.
10. Nhóm nhạc rock Đài Loan Mayday
“Một ngày nào đó tôi muốn thế giới gọi chúng tôi là the Beatles.Kể cả có thất bại, chúng tôi cũng đã có một giấc mơ tuyệt vời”.
Kể từ chuyến lưu diễn đầu tiên ở Anh và Mỹ (trong năm nay), Mayday được báo chí phương Tây gọi là “Beatles phiên bản Trung Quốc”.Nổi tiếng với những ca khúc rock, đây là một trong những nghệ sĩ âm nhạc thành công nhất của Đài Loan.
Nhóm đã cho ra mắt 8 đĩa đơn và bán được hơn 8 triệu bản trên toàn thế giới.
Đây cũng là ban nhạc Đài Loan đầu tiên biểu diễn ở trụ sở của Youtube năm 2012.
11. Diễn viên hành động Jet Li của Trung Quốc
Nổi tiếng với các vai diễn trong những bộ phim Hollywood hay Trung Quốc như “Hoàng Phi Hồng” hay "Romeo phải chết", ngôi sao phim hành động Jet Li cũng là một nhà từ thiện nổi tiếng của Trung Quốc.
Ông thành lập One Foundation năm 2007 với mục đích tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ khi cần thiết. Quỹ này đã huy động được hơn 30 triệu USD và làm từ thiện khoảng 23 tỷ USD.Ông đã ủng hộ nhiều tiền để khắc phục hậu quả của động đất ở Tứ Xuyên và bão Morakat ở Đài Loan năm 2008.
Chính những hành động của ông đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động từ thiện ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nguồn Infonet