Chi tiết về cuộc giải cứu vẫn đang được thảo luận thêm và sẽ sớm được công bố bởi các ngân hàng và các cơ quan liên bang. Ảnh: Getty Images.
11 ngân hàng Mỹ bơm 30 tỉ USD cứu First Republic Bank
Các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ sắp đi đến thỏa thuận ký gửi khoảng 30 tỉ USD vào ngân hàng First Republic, trong một nỗ lực gây dựng lại niềm tin vào hệ thống ngân hàng, do chính phủ Mỹ dẫn đầu, theo Bloomberg.
Các ngân hàng kể trên bao gồm JPMorgan Chase, Citigroup, Bank of America, Wells Fargo, Goldman Sachs, Morgan Stanley, US Bancorp, Truist Financial, PNC Financial Services Group, State Street và Ban of New York Mello.
Những ngân hàng lớn nhất, bao gồm JPMorgan, Bank of America và Citigroup, mỗi ngân hàng sẽ đóng góp 5 tỉ USD tiền gửi, với các ngân hàng nhỏ hơn sẽ đóng góp số tiền nhỏ hơn. Chi tiết về cuộc giải cứu vẫn đang được thảo luận thêm và sẽ sớm được công bố bởi các ngân hàng và các cơ quan liên bang.
“Hành động này của các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ phản ánh niềm tin của họ đối với First Republic và các ngân hàng thuộc mọi quy mô, đồng thời thể hiện cam kết chung trong việc giúp các ngân hàng phục vụ khách hàng và cộng đồng” nhóm 11 ngân hàng kể trên công bố.
Theo First Republic, các khoản tiền gửi phải ở lại ngân hàng trong ít nhất 120 ngày. Cổ phiếu các ngân hàng khu vực của Mỹ lúc đầu giảm trong phiên ngày 16/3, nhưng sau đó đảo chiều khi thông tin về cuộc giải cứu được hé lộ.
Việc nhóm ngân hàng bơm tiền để vực dậy First Republic diễn ra sau khi cổ phiếu ngân hàng này bị bán tháo trong những ngày gần đây, khi giới đầu tư lo ngại vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và của Signature Bank vào cuối tuần trước có thể kéo First Republic sập theo và gây đổ vỡ trong cả hệ thống.
Cả SVB và Signature Bank đều có một lượng lớn tiền gửi không được bảo hiểm, tương tự như ở First Republic. Điều này dẫn tới lo ngại, khách hàng của First Republic sẽ ồ ạt rút tiền. Số tiền 30 tỉ USD mà nhóm ngân hàng quyết định gửi vào First Republic cũng không nằm trong diện được bảo hiểm.
Cổ phiếu của First Republic, đóng cửa ở mức 115 USD/cổ phiếu vào ngày 8/3, được giao dịch dưới 20 USD vào một thời điểm vào 16/3. Cổ phiếu này liên tục bị chững lại trong phiên và tăng gần 10% trong ngày, đóng cửa ở mức 34,27 USD/cổ phiếu.
Chủ tịch điều hành của First Republic, ông Jim Herbert, và Giám đốc điều hành Mike Roffler cho biết họ đánh giá cao sự trợ giúp của nhóm ngân hàng khác.
Đồng thời cho biết thêm, ngân hiện hiện đã có hơn 70 tỉ USD thanh khoản khả dụng, không tính các khoản tiền bổ sung mà họ có thể huy động được từ Chương trình cấp vốn có kỳ hạn của Ngân hàng Dự trữ Liên bang, nhưng điều đó không đủ để ngăn các nhà đầu tư bán phá giá cổ phiếu.
Hôm 16/3, ngân hàng cho biết họ có khoảng 34 tỉ USD tiền mặt tính đến ngày 15/3, chưa tính 30 tỉ USD tiền gửi mới. First Republic đã vay hàng chục tỉ USD từ FED và Ngân hàng Cho vay mua nhà Liên bang trong vòng 1 tuần trở lại đây. First Republic cho biết dòng tiền chảy khỏi ngân hàng này do khách hàng rút tiền đã “chậm lại đáng kể”.
Trong một tuyên bố chung, FED, Bộ Tài chính Mỹ, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC), và Văn phòng Kiểm soát tiền tệ nói rằng việc 11 ngân hàng vào cuộc cứu First Republic “cho thấy sự vững vàng của hệ thống ngân hàng”.
Trong cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 2008, một số ngân hàng đang gặp khó khăn đã được các công ty lớn mua lại với giá rẻ trong nỗ lực giúp xoa dịu hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, những khoản thua lỗ chưa được hiện thực hóa trong danh mục đầu tư trái phiếu của First Republic do lãi suất tăng mạnh trong 1 năm qua khiến cho việc mua lại nhà băng này trở nên kém hấp dẫn. Được biết, số thua lỗ đó có thể tạo ra một lỗ hổng 25 tỉ USD trong bảng cân đối kế toán của First Republic.
First Republic thường phục vụ cho các khách hàng và công ty cao cấp, và hoạt động kinh doanh của ngân hàng này bao gồm quản lý tài sản và cho vay bất động sản nhà ở. First Republic có hơn 212 tỉ USD tài sản vào thời điểm cuối tháng 12 năm ngoái và lãi ròng hơn 1,5 tỉ USD trong năm 2023.
Có thể bạn quan tâm:
Hàng loạt ngân hàng sụp đổ, Bitcoin rục rịch trở lại đường đua?
Nguồn CNBC