11 biểu đồ giải thích khác biệt giữa Đức và Hy Lạp
Nói về tình hình khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp hiện nay, không thể không nói về những cuộc đàm phán kéo co giữa Hy Lạp với đầu tàu kinh tế khối euro là nước Đức. Loạt biểu đồ dưới đây sẽ cho thấy tại sao giữa 2 nước này lại tồn tại một khoảng cách quá lớn về mặt quan điểm, cũng như giải thích một phần nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng ngày hôm nay.
1. So sánh GDP đầu người
Điều đầu tiên không thể không nói tới là chênh lệch rất lớn về GDP đầu người giữa 2 nước. Trong khi GDP đầu người của Đức vẫn giữ được đà gia tăng từ đầu những năm 2000 tới nay để đạt gần 48.000 USD thì GDP đầu người của Hy Lạp đã tụt dốc không phanh kể từ đợt khủng hoảng 2008, xuống còn gần 22.000 USD. Qua biểu đồ trên, có thể thấy Hy Lạp đã tăng trưởng không bền vững trong giai đoạn 2000-2008 bằng cách dựa quá nhiều vào vốn vay. Vì vậy, một khi rơi vào khó khăn là nền kinh tế Hy Lạp lập tức đi xuống chứ không thể giữ được sự ổn định như của nước Đức.
2. Lãi suất trái phiếu chính phủ
Trước khi gia nhập khối eurozone vào năm 2001, lãi suất trái phiếu chính phủ của Hy Lạp vẫn còn ở mức khá cao là gần 10%. Tuy nhiên một khi đã vào được eurozone (một phần là nhờ cố tình chỉnh sửa lại thống kê thâm hụt ngân sách) thì lãi suất trái phiếu của Hy Lạp đã giảm mạnh và ngang bằng nước Đức. Điều này cho phép chính phủ Hy Lạp đi vay vô tội vạ và dẫn tới tăng trưởng không bền vững.
Một khi khủng hoảng 2008 xảy ra cũng là lúc lãi suất trái phiếu của Hy Lạp tăng vọt, có lúc lên tới đỉnh điểm là 35% trước khi hạ xuống mức "vừa phải" là 18% như hiện nay. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu của Đức lại liên tục giảm đều đặn xuống còn vỏn vẹn 0.8%. Mức lãi suất thấp này là nguyên nhân khiến cho mới đây nhà kinh tế học nổi tiếng người Pháp Thomas Piketty lên tiếng chỉ trích nước Đức là đang kiếm lời từ các khoản vay cho Hy Lạp.
3. Mức tăng giảm chi tiêu công hàng năm
Việc được vay tiền với lãi suất thấp đã dẫn tới gia tăng chi tiêu công vô tội vạ ở Hy Lạp như biểu đồ trên chỉ ra, với mức gia tăng chi tiêu công hàng năm lên tới hơn 10% trong giai đoạn trước khủng hoảng. Chỉ riêng Olympics 2004 đã ngốn mất 9 tỷ euro của Hy Lạp, với di sản để lại là một loạt sân vận động và trung tâm thi đấu bị bỏ hoang phế.
Nhưng một khi khủng hoảng xảy ra, chính phủ Hy Lạp cũng đã nhanh chóng cắt giảm chi tiêu theo yêu cầu của các chủ nợ. Tuy vậy, việc cắt giảm mạnh tay này vẫn chưa giải quyết được khủng hoảng, và vẫn chưa làm nước Đức hài lòng. Chính điều này đã làm cho nhiều người dân Hy Lạp cảm thấy họ đang bị các chủ nợ dồn đến chân tường, dẫn đến phản ứng là sự chiến thắng của đảng Syriza, cũng như kết quả "Không" trong cuộc trưng cầu dân ý mới đây về việc tiếp tục cắt giảm ngân sách.
4 & 5. Khác biệt về cơ cấu GDP
Hy Lạp lẽ ra đã có thể tìm được lối ra cho cuộc khủng hoảng nếu như nước này có một cơ cấu kinh tế tương tự như nước Đức. Trong khi việc xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đang chiếm tới 46% GDP của nước Đức thì ở Hy Lạp con số này chỉ là 33%, cho thấy sức cạnh tranh quốc tế kém hơn của các doanh nghiệp Hy Lạp. Và quan trọng hơn, trong khi ngành du lịch chỉ chiếm 3% cơ cấu xuất khẩu của Đức thì ở Hy Lạp con số này lại thường nằm ở mức 20-26%. Điều này có nghĩa là khi khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra thì kinh tế Hy Lạp chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc sụt giảm lượng khách du lịch.
6. Tình trạng thất thu thuế
Vốn đã có sức cạnh tranh kém hơn cũng như chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ biến động kinh tế toàn cầu, Hy Lạp còn gặp phải vấn đề nữa là năng lực hành chính công quá kém. Trong khi tỷ lệ thuế thất thu ở nước Đức trong năm 2010 chỉ là 2,3% thì ở Hy Lạp con số này lại là 89,5%. Điều này có nghĩa là Hy Lạp không thể nào bù đắp nổi chi tiêu công để giải quyết thâm hụt ngân sách, và từ đó lún sâu hơn vào vòng xoáy khủng hoảng.
7. Tỷ lệ tử vong vì an toàn giao thông
Một biểu hiện khác của năng lực hành chính còn yếu ở Hy Lạp chính là ở số lượng tai nạn an toàn giao thông. Trong khi nước Đức có nhiều đường cao tốc và mật độ sử dụng xe hơi cao hơn, thì số người tử vong vì tai nạn giao thông ở Hy Lạp lại nhiều hơn Đức tới 2,5 lần.
8. Tỷ lệ người sử dụng mạng 3G
Trong khi việc đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và và các doanh nghiệp startup đang được xem là động cơ tăng trưởng mới thì ở Hy Lạp, việc này lại đang trở nên khó khăn hơn. Trước đây, Hy Lạp từng có tỷ lệ người sử dụng mạng 3G ngang bằng và có lúc cao hơn cả nước Đức. Nhưng sang năm 2014 thì tỷ lệ người Hy Lạp được truy cập 3G lại giảm mạnh xuống còn 38%, trong khi nước Đức lại tăng vọt lên 63%. Điều này có nghĩa là bất cứ ai muốn đầu tư khởi nghiệp công nghệ ở Hy Lạp cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn so với đầu tư vào Đức.
9. Số giờ làm việc hàng tuần
Có một kiểu giải thích đơn giản về khác biệt giữa Đức và Hy Lạp là người Đức thì siêng năng, còn người Hy Lạp thì lười biếng. Nhưng thực ra, số giờ làm việc bình quân hàng tuần của người Hy Lạp là lại thuộc hàng cao nhất châu Âu: 39-40 giờ, trong khi số giờ làm việc của người Đức chỉ bằng 2/3 số đó.
Nếu đặt biểu đồ này cạnh biểu đồ về GDP đầu người, có thể thấy ngay vấn đề là năng suất một giờ lao động của người Hy Lạp còn quá thấp, hay nói cách khác là chất xám của người Hy Lạp chưa được phát huy đúng mức. Đây thực sự là một điều đáng tiếc vì...
10. Tỷ lệ thanh niên tốt nghiệp đại học
... tỷ lệ thanh niên Hy Lạp (độ tuổi 25-34) có bằng đại học luôn cao hơn thanh niên Đức! Trong khi con số này ở Hy Lạp là 37% thì ở Đức chỉ là 30%. Tuy nhiên, điều này có thể được lý giải ở chỗ nền giáo dục Đức được xây dựng theo hướng thực dụng hơn, cho phép thanh niên Đức theo học các chương trình đào tạo nghề chất lượng cao ngay từ lúc 16-17 tuổi. Điều này giúp cho họ có thể dễ dàng tìm được những công việc lương cao và ổn định trong các ngành sản xuất rất mạnh của Đức mà không cần phải có bằng đại học.
11. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ và toàn xã hội
Cuộc khủng hoảng ngày hôm nay chắc chắn sẽ để lại di chứng lâu dài lên cả kinh tế lẫn xã hội Hy Lạp. Thế hệ thanh niên Hy Lạp ngày hôm nay đang trở thành một "thế hệ đã mất", khi phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp lên tới gần 60%. Trong khi đó, những người đồng trang lứa với họ ở Đức có tỷ lệ thất nghiệp chưa tới 7%. Điều này đang tạo ra tình trạng chảy máu chất xám cực kỳ khủng khiếp tại Hy Lạp: trong giai đoạn 2010-2013, có tới hơn 350.000 người Hy Lạp đã di cư sang các nước khác. Trong đó, có tới gần 270.000 người là thuộc độ tuổi 20-39.
Và dĩ nhiên, hơn một nửa trong số người Hy Lạp di cư đó đã chọn điểm đến là nước Đức.
Tuấn Minh
Nguồn Washington Post