Thứ Hai | 11/06/2012 19:10

100 tỷ euro có thể không cứu được Tây Ban Nha

Gói cứu trợ cho Tây Ban Nha có thể không hiệu quả khi Chính phủ và các ngân hàng làm chỗ dựa cho nhau.
Đây là nhận định của chuyên gia kinh tế đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz sau khi gói cứu trợ lên tới 100 tỷ euro (125 tỷ USD) dành cho Tây Ban Nha được các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu thông qua hôm 9/6.

Nếu Madrid yêu cầu toàn bộ số tiền cứu trợ kể trên, gói cứu trợ sẽ bổ sung thêm 10% vào tỷ lệ nợ/GDP của nước này, vốn đã được dự báo sẽ chạm gần ngưỡng 80% vào cuối năm nay, tăng từ 68,5% cuối năm 2011. Điều này có thể gây khó khăn và tăng chi phí phát hành trái phiếu của Tây Ban Nha cho các nhà đầu tư quốc tế.

Ông Stiglitz, nguyên cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, vốn từ lâu là người chỉ trích chính sách thắt lưng buộc bụng. Theo ông, “kế hoạch cứu trợ sẽ không có hiệu quả" và ông cho rằng châu Âu nên đẩy nhanh thảo luận về một hệ thống ngân hàng chung bởi “sẽ không có cách nào để một nền kinh tế suy thoái có thể thực thi các chính sách lấy lại tăng trưởng mà thiếu đi sự hình thành của một hệ thống toàn châu Âu.”

Ông nhận định những gì mà Liên minh châu Âu thực hiện tới nay vẫn còn ở mức tối thiểu và sai định hướng bởi các biện pháp thắt lưng buộc bụng chỉ làm giảm tăng trưởng và tăng nợ.

Những cải cách sâu rộng để khiến châu Âu trở thành một khối liên minh tài chính  là cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ, củng cố khu vực đồng tiền chung và cuối cùng giúp đỡ Đức, quốc gia giàu có nhất liên minh, phải gánh chịu chi phí cao nhất để đảm bảo phát hành trái phiếu nợ và cung cấp nhiều nguồn lực hơn nhằm thúc đẩy chi tiêu công.

Trong khi tăng trưởng kinh tế của Tây Ban Nha, Hy Lạp, Italia và Bồ Đào Nha đều giảm thì Đức tăng trưởng 0,5% trong quý I/2012. Sự khác biệt trong khu vực đồng euro này phản ánh chương trình thắt lưng buộc bụng để giải quyết vấn đề nợ và thâm hụt.

Đức được dự kiến sẽ đề xuất lộ trình thành lập liên minh tài khóa châu Âu vào cuối tháng 6 nhưng việc Berlin ủng hộ trái phiếu châu Âu chỉ là mục tiêu trung hạn. Một khi các quốc gia khác đã giải quyết được vấn đề nợ và thâm hụt ngân sách ở mức cao của mình thông qua các biện pháp thắt chặt, họ sẽ không dựa vào hầu bao của Đức nữa.

“Đức sẽ phải đối mặt với câu hỏi, liệu họ muốn trả cái giá của sự tan rã đồng tiền chung hay họ muốn trả cái giá để giữ đồng euro tồn tại? Tôi nghĩ cái giá nếu đồng euro bị tan rã sẽ lớn hơn cái giá để duy trì đồng euro. Tôi hy vọng họ sẽ nhận ra điều này, nhưng có thể là không.”

Nhiều nhà phê bình đã cho rằng tập trung vào cắt giảm chi phí là tình tiết tăng nặng khủng hoảng của châu Âu và gây nguy hiểm cho tương lai của khu vực đồng tiền chung. Cuộc bầu cử Hy Lạp vào tuần tới có thể khiến các nước EU và gói cứu trợ IMF gặp khó khăn, đồng thời làm tăng khả năng Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng euro.

Nguồn Reuters/DVT


Sự kiện