Chủ Nhật | 04/11/2012 17:58

10 nước có dân số già nhất thế giới

Tình trạng lão hóa dân số diễn ra nhanh chóng khiến lực lượng lao động thiếu hụt là vấn đề lớn mà nhiều nước đang phải đối mặt.
Theo tổ chức y tế thế giới, khoảng 2 tỷ người sẽ đạt đến tuổi 60 hoặc già hơn vào năm 2050, gấp 3 lần so với năm 2000. Xu hướng thay đổi nhân khẩu học này có tác động to lớn đối với kinh tế toàn cầu đồng thời cũng là mối đe dọa nguồn nhân lực ở nhiều nước trên thế giới.

Các nước hiện đang phải đối mặt với tình trạng chi phí chăm sóc sức khỏe tăng, lực lượng lao động thu hẹp, chi phí lương hưu và tỷ lệ sinh giảm. Nhiều nước cũng đã bắt đầu thích ứng với tình trạng già hóa dân số bằng cách nâng tuổi nghỉ hưu, giảm phúc lợi hưu trí hay chi phí chăm sóc người cao tuổi.

Dưới đây là danh sách 10 nước có tỷ lệ dân số già/trẻ lớn nhất thế giới được liệt kê dựa trên số liệu của CIA World Factbook, Ngân hàng thế giới (WB), Liên Hiệp Quốc (UN), và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF):

10. Latvia
1

Tỷ lệ dân số già/trẻ: 1,251:1

Công dân 65 tuổi trở lên chiếm: 16.9%

Trẻ em từ 0-14 tuổi chiếm: 13.5%

Là một trong những nước có dân số già nhất thế giới, Latvia có thể sẽ mất 10% trong tổng số 2,3 triệu dân trong giai đoạn từ năm 2000 tới năm 2025, Ngân hàng thế giới cho biết.

Latvia cũng là nước duy nhất trong 10 quốc gia trong danh sách có số lượng nữ giới (252.000 người) gấp đôi số lượng nam giới (122.000 người). Trong thực tế, phụ nữ ở Latvia sống lâu hơn nam giới 10 năm và quốc gia Baltic này là nước có khoảng cách giới tính cao nhất trong số các nước của Liên minh châu Âu (EU), Liên Hợp Quốc cho biết.

Người nghỉ hưu hiện chiếm 25% dân số của Latvia trong khi lực lượng lao động chỉ chiếm 43%, cựu bộ trưởng tài chính Martins Bicevskis cho biết.

Dân số nước này mỗi năm giảm 0,5% trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2010, trong khi tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đã tăng lên đều đặn.

Không chỉ phải đối mặt với tình trạng dân số già đi nhanh chóng, Latvia còn bị ảnh hưởng mạnh bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khiến nền kinh tế nước này suy thoái sâu nhất trong khu vực EU (giảm 18%).

Chính phủ Latvia đã cắt giảm mạnh ngân sách để nhận được khoản vay 10,2 tỷ USD từ IMF và EU. Các biện pháp thắt lưng buộc bụng, bao gồm cắt giảm 10% trợ cấp hưu trí, giảm 70% lương hưu cho những người hiện vẫn đang làm việc đã gây ra phản ứng dữ dội, dẫn đến các cuộc biểu tình của người dân.

9. Slovenia

12

Tỷ lệ dân số già/trẻ: 1,253:1

Công dân 65 tuổi trở lên chiếm: 16.8%

Trẻ em từ 0-14 tuổi chiếm: 13.4%

Từng được coi là mô hình thành công cho quá tình chuyển đổi hậu Cộng sản nhưng hiện nay Slovenia đang phải đối mặt với việc liên tục bị hạ xếp hạng tín dụng trong năm qua do nền kinh tế phải đấu tranh với thâm hụt ngân sách cao, bất ổn chính trị và hệ thống lương hưu tốn kém.

Tuổi nghỉ hưu của Slovenia hiện đang ở mức thấp nhất trong EU với 57 ở phụ nữ và 58 đối với nam giới.

Chính phủ đã cải cách tăng tuổi nghỉ hưu của Slovenia lên nhằm kiểm soát khoản nợ công đang ngày càng tăng nhưng động thái này đã vấp phải sự phản đối của người dân trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào tháng 6 năm ngoái.

Tuy nhiên, chính phủ Slovenia vẫn tiếp tục lên kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu vào đầu năm tới. WB dự đoán độ tuổi trung bình của Slovenia vào năm 2025 là 47,5.

Tình trạng dân số đang già đi nhanh chóng là gánh nặng lớn đối với ngân sách của Slovenia. Trong giai đoạn từ năm 2003-2009, chi tiêu cho y tế trung bình mỗi năm của Slovenia là 7,1% trong khi tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong cùng thời kỳ chỉ đạt 5,9%, số liệu của chính phủ cho biết.

Chỉ riêng trong năm 2009, chi tiêu y tế danh nghĩa của Slovenia đã tăng 7,1% trong khi GDP giảm 5,3%. Dù mức chăm sóc sức khỏe khởi sắc, Slovenia vẫn bị xếp vào nhóm nước phát triển trung bình của Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD), ít hơn mức chi 9,5% của các nước thuộc OECD tính riêng năm 2009.
8. Thụy Điển

12

Tỷ lệ dân số già/trẻ: 1,27:1

Công dân 65 tuổi trở lên chiếm: 19.7%

Trẻ em từ 0-14 tuổi chiếm: 15.4%

Thụy Điển là quốc gia duy nhất ở Scandinavia có mặt trong danh sách 10 nước có dân số già nhất trên thế giới.

Dân số già của Thụy Điển đã tăng đều đặn từ 17% trong năm 2006 lên 18% vào năm 2010. Trong khi đó, tỷ lệ trẻ em ở độ tuổi dưới 14 vẫn ở mức 14% từ năm 2005, WB cho biết.

Nhóm người ở độ tuổi cao niên sẽ chiếm 30% dân số Thụy Điển vào năm 2040, theo chỉ số lão hóa toàn cầu (GAP). Tuy nhiên, theo nghiên cứu của công ty quản lý tài sản Allianz Global Investors, dù phải đối mặt với xu hướng già hóa dân số nhưng Thụy Điển vẫn là nước có hệ thống lương hưu mạnh thứ 2 trong số 44 nền kinh tế lớn của thế giới nhờ hệ thống quỹ tư nhân phát triển mạnh làm giảm gánh nặng về tài chính công. Mỗi năm, người dân Thụy Điển đóng góp 18,5% thu nhập vào hệ thống lương hưu quốc gia.

Tháng 12 năm ngoái, chính phủ Thụy Điển đã cam kết dành 617 triệu USD trong vài năm tới để cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi sau một loạt các vụ bê bối liên quan đến vấn đề này. Nghiên cứu của IMF công bố vào tháng 6/2011 đã xếp hạng Thụy Sĩ ở vị trí thứ 7 trong số 20 nền kinh tế lớn của thế giới có tiêu chuẩn sống tốt nhất cho người già.

7. Áo

1

Tỷ lệ dân số già/trẻ: 1,3:1

Công dân 65 tuổi trở lên chiếm: 18,2%

Trẻ em từ 0-14 tuổi chiếm: 14%

Theo WB, cùng với Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Latvia và Bulgaria, Áo là nước xếp thứ 5 trên thế giới về tỷ lệ công dân có độ tuổi từ 65 trở lên.

Nhóm cao niên từ 65 tuổi trở lên của Áo đã tăng từ 16% trong năm 2006 lên 18% trong năm 2010 trong khi trẻ em từ 14 tuổi trở xuống giảm từ 16% xuống còn 15%. Tiêu dùng dành cho lương hưu của Áo chiếm 12,3% GDP vào năm 2008, gấp 5 lần mức trung bình của các nước OECD.

Hiện tại, bình quân cứ một người già trên 65 tuổi tại quốc gia này nghỉ hưu thì chỉ có 3,5 người trong độ tuổi lao động trong khi mức trung bình của OECD là 4,2 người.

Hiện tại nam giới ở Áo nghỉ hưu ở tuổi 62 trong khi phụ nữ là 57. Số phụ nữ từ 65 tuổi trở lên nhiều hơn 245.000 người so với nam giới, CIA Factbook cho biết.

Trong năm ngoái, OECD cảnh báo Áo có thể cần cắt giảm nợ chính phủ bằng cách hạn chế nghỉ sớm và loại bỏ các trợ cấp hưu trí sớm.

6. Bulgaria

1

Tỷ lệ dân số già/trẻ: 1,31:1

Công dân 65 tuổi trở lên chiếm: 18,2%

Trẻ em từ 0-14 tuổi chiếm: 13,9%

Bulgaria là một trong ba quốc gia Đông Âu có mặt trong danh sách 10 nước có dân số già nhất thế giới. Bên cạnh đó, Bulgaria còn là một trong số 16 nước có dân số giảm hơn 5.000 người trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2005, WB cho biết.

Dân số già của Bulgaria đã tăng từ 17% trong năm 2006 lên 18% trong năm 2010, trong khi dân số trẻ dưới 14 tuổi vẫn duy trở mức 14% trong tổng dân số kể từ năm 2003. Theo dự báo, đến năm 2050, hơn 25% dân số của Bulgaria sẽ có độ tuổi từ 65 trở lên, tăng so với 13% vào năm 1990.

Với xu hướng dân số già đi nhanh chóng, chính phủ Bulgaria đã tăng tuổi nghỉ hưu thêm 4 tháng mỗi năm bắt đầu từ năm nay cho đến khi tuổi nghỉ hưu ở phụ nữ là 63 và ở nam giới là 65.

Bulgaria hiện có 2,5 triệu lao động và 2,2 triệu người nghỉ hưu. Theo Eurostat, Bulgaria là thành viên nghèo nhất của EU, với GDP bình quân đầu người thấp nhất trong khu vực.
5. Hy Lạp

1

Tỷ lệ dân số già/trẻ: 1,38:1

Công dân 65 tuổi trở lên chiếm: 19,6%

Trẻ em từ 0-14 tuổi chiếm: 14,2%

Hy Lạp là nước có hệ thống lương hưu kém nhất thế giới do khoản nợ cao, tuổi nghỉ hưu thấp và tỷ lệ người nghỉ hưu so với người hiện vẫn đang làm việc cao, nghiên cứu của Tổ chức Allianz Global Investors cho biết.

Dân số có độ tuổi từ 65 trở lên của Hy Lạp đã tăng từ 18% trong năm 2006 lên 19% trong năm 2010, trong khi nhóm dân có độ tuổi từ 15 đến 64 vẫn duy trì ở mức 67% kể từ năm 2004, WB cho biết.

Với gần 20% trong tổng số 11 triệu dân trong độ tuổi nghỉ hưu, các khoản thanh toán trợ cấp là gánh nặng chính đối với nền kinh tế Hy Lạp.

Hy Lạp đã gây xôn xao vào năm ngoái về vấn đề gian lận phúc lợi khi chính phủ tiết lộ rằng hàng ngàn người đã chết vẫn nhận được lương hưu. Dữ liệu công bố vào tháng 6/2011 cho thấy 4.500 công chức đã chết vẫn nhận được các khoản thanh toán lương hưu, trong khi người dân phải nộp thuế 20,5 triệu USD mỗi năm.

Dưới sức ép của các nhà cho vay quốc tế, Hy Lạp đã buộc phải thực hiện cải cách sâu rộng hệ thống lương hưu của mình. Hiện tại chỉ gần 10% công dân Hy Lạp có thể nghỉ hưu trước 65 tuổi.

4. Italia

1

Tỷ lệ dân số già/trẻ: 1,47:1

Công dân 65 tuổi trở lên chiếm: 20,3%

Trẻ em từ 0-14 tuổi chiếm: 13,8%

Nhóm cao niên trên 60 tuổi sẽ chiếm khoảng 40% dân số của Italia vào năm 2040, gần gấp đôi so với tỷ lệ 25% vào năm 2007, chỉ số GAP cho thấy.

Italia hiện đang phải đối mặt với tình trạng dân số già duy trì ở mức 20% trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2010, trong khi dân số trẻ ở độ tuổi từ 0-14 vẫn ở mức 14% kể từ năm 1999.

Tỷ lệ lao động có việc làm tại Italia thấp nhất trong khu vực do nhân công nghỉ hưu trước độ tuổi bình quân châu Âu. Chỉ 37,4% người dân Italia ở độ tuổi từ 55 đến 64 vẫn tiếp tục làm việc, thấp hơn so với mức trung bình của EU là 47,5%.

Italia là nước có mức chi tiêu cho hưu trí cao nhất trong khu vực EU, chiếm hơn 16% GDP so với mức trung bình 11% của khu vực này. Tuy nhiên, chính phủ Italia hiện đang phải thực hiện chương trình thắt lưng buộc bụng để cải cách hệ thống phúc lợi bắt đầu vào tháng 12 năm ngoái.

Những cải cách mà chính phủ Italia vừa thực hiện sẽ nâng tuổi nghỉ hưu tối thiểu của cả nam và nữ giới lên 66 vào năm 2018 với những ưu đãi cần thiết để giữ công nhân cống hiến sức lao động cho đến độ tuổi 70.

3. Đức

1

Tỷ lệ dân số già/trẻ: 1,54:1

Công dân 65 tuổi trở lên chiếm: 20,6%

Trẻ em từ 0-14 tuổi chiếm: 13,3%

Đức - quốc gia đông dân nhất châu Âu đồng thời là nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực cũng nằm trong danh sách những nước có dân số già nhất thế giới.

Dân số từ độ tuổi 65 trở lên của Đức đã tăng từ 19% trong năm 2006 lên 20% trong năm 2010, trong khi trẻ em trong độ tuổi từ 0 đến 14 đã giảm từ 14% xuống còn 13%, WB cho biết.

Nhóm người có độ tuổi từ 15 đến 64 đã giảm xuống còn 66% vào năm 2010, thấp hơn so với tỷ lệ 69% cách đây 2 thập kỷ. Chính xu hướng này đã khiến Đức phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trong một số lĩnh vực. Eurostat dự báo tới năm 2040, cứ một người về hưu thì chỉ còn 2 người tiếp tục lao động tại Đức.

Đức hiện vẫn duy trì được sức mạnh về kinh tế nhưng những số liệu thống kê nhân khẩu học có thể sẽ khiến chi tiêu công và các khoản nợ của nước này tăng cao trong những năm tới.

Số phụ nữ từ 65 tuổi trở lên của Đức nhiều hơn gần 2,3 triệu người so với nam giới. Mặc dù phụ nữ sống lâu hơn những số tiền tiết kiệm của họ lúc nghỉ hưu ít hơn nam giới. Đức có gần 60% công dân trong độ tuổi từ 55 đến 64 hiện vẫn đang làm việc, nhiều hơn so với tỷ lệ 40,7% của Hy Lạp, số liệu thống kê của EU cho thấy.

2. Nhật Bản

1

Tỷ lệ dân số già/trẻ: 1,74:1

Công dân 65 tuổi trở lên chiếm: 22,9%

Trẻ em từ 0-14 tuổi chiếm: 13,1%

Nhật Bản là quốc gia duy nhất ngoài khu vực châu Âu nằm trong danh sách những nước có dân số già nhất thế giới.

Với tuổi thọ trung bình của người dân là 86, cao nhất thế giới, nhóm cao niên tuổi từ 60 trở lên chiếm hơn 43% dân số Nhật Bản vào năm 2040, theo chỉ số GAP. Hiện tại, khoảng 25% dân số Nhật Bản hơn 65 tuổi.

Nhóm người trong độ tuổi từ 15 đến 64 giảm 4% trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2010, trong khi đó, những người dưới 14 tuổi giảm 2%. Năm ngoái, Nhật Bản đã gây xôn xao khi dữ liệu chỉ ra rằng tốc độ tăng dân số trong 5 năm (từ năm 2005 đến năm 2010) ở mức thấp nhất kể từ năm 1920.

Chỉ riêng dân số già cũng đã là vấn đề khó khăn chính đối với xã hội Nhật Bản. Trong năm 2010, 4,6 triệu người già Nhật Bản sống một mình và số người già chết mà không có người chăm sóc tăng 61% trong giai đoạn năm 2003 và 2010.

Tốc độ tăng dân số chậm cho thấy Nhật Bản sẽ gặp khó khăn về gánh nặng nợ trong khi chi phí trợ cấp cho những người già ngày càng tăng. Nhật Bản là quốc gia công nghiệp nợ nhiều nhất với khoản nợ công lớn gấp đôi quy mô nền kinh tế trị giá 5 nghìn tỷ USD.

1. Monaco

1

Tỷ lệ dân số già/trẻ: 2,18:1

Công dân 65 tuổi trở lên chiếm: 26,9%

Trẻ em từ 0-14 tuổi chiếm: 2,18%

Monaco là nước có dân số già nhất thế giới đồng thời cũng là thiên đường thuế đối với giới giàu, đặc biệt là những người đã nghỉ hưu.

Nhóm người có độ tuổi từ 65 tuổi trở lên chiếm 26,9% tổng số dân của Monaco, cao hơn nhiều so với mức trung bình ở Tây Âu là 16,5%, nghiên cứu của công ty Euromonitor công bố năm ngoái cho thấy.

Dân số của Monaco ước tính vào khoảng 30.539 người và trong năm ngoái, quốc gia Tây Âu này đã phải đối mặt với tình trạng dân số giảm 0,12%. Độ tuổi trung bình của dân số Monaco là 49,4 và nước này dành 1,2% GDP để đầu tư vào lĩnh vực giáo dục.

Năm 2007, hoàng tử Albert của Monaco đã phát động dịch vụ lãnh sự mới ở Anh nhằm thu hút các chuyên gia trẻ và doanh nghiệp với mục đích thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế trong nước.

Nguồn CNBC/Khampha


Sự kiện