1% người giàu có nhất sẽ nắm 70% tài sản tại Mỹ
Khi các chỉ số chứng khoán Mỹ đang giao dịch gần mức cao kỷ lục, và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ xuống gần mức thấp nhất mọi thời đại, khoảng cách giữa tầng lớp giàu có nhất thế giới (18 triệu hộ gia đình với tài sản hơn 1 triệu USD) với những người còn lại đang ngày càng rộng ra.
Theo một nghiên cứu mới của Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) được công bố trên Bloomberg, các hộ gia đình này - với tổng số 70 triệu người, chiếm khoảng 1% dân số thế giới – nắm giữ 45% trong tổng tài sản toàn cầu là 166.500 tỷ USD. Đến năm 2021, họ sẽ kiểm soát hơn phân nửa. Trong khi sự phân hóa giàu nghèo ở các nước khác trên thế giới đang tăng tốc, thì ở Mỹ nó lại có tốc độ phi mã. Theo BCG thì hiện tại 63% tài sản cá nhân của nước Mỹ nằm trong tay những người giàu nhất, và đến năm 2021, con số này sẽ tăng lên khoảng 70%.
Phần trăm sở hữu tài sản cá nhân của các tỷ phú và triệu phú, chia theo khu vực. Ảnh: Bloomberg. |
"Tỷ trọng thu nhập của 1% người Mỹ giàu nhất đã tăng hơn gấp đôi trong 35 năm qua, sau khi giảm xuống trong những thập niên sau Thế chiến II (khi người giàu bị đánh thuế cao ở mức hai con số). Điều này đã thay đổi trong những năm 1980 dưới thời vị tổng thống thuộc đảng Cộng hòa là ông Ronald Reagan. Đây là thập niên mà chính phủ Mỹ theo đuổi chính sách “trickle down economics“ (kinh tế nhỏ giọt xuống), theo đó nếu giới nhà giàu trở nên giàu thêm thì sẽ có lợi cho xã hội. Điều này đã khiến mức thuế áp cho người giàu giảm xuống, và các chỉ số chứng khoán tăng vọt.
Trong báo cáo của mình, BCG đưa ra tỷ lệ gia tăng tài sản toàn cầu vào năm 2015 và 2016 ở mức 5,3%, mặc dù hãng này dự kiến nó sẽ tăng lên khoảng 6% mỗi năm trong 5 năm tới. Phần lớn số tài sản tạo ra sẽ về tay những người Mỹ giàu có nhất.
Tất nhiên, có một điều đáng quan tâm: Ở Mỹ, hầu hết những sự gia tăng này chỉ tồn tại trên giấy tờ. Hơn 70% của cải mới tại Mỹ bắt nguồn từ việc tăng giá các danh mục đầu tư của giới nhà giàu. Phần còn lại được BCG gọi là "sự sáng tạo của cải mới" (new wealth creation), nghĩa là số tiền thực mà các công nhân và doanh nhân thu về. Tính trên toàn cầu, tỷ trọng của cải tạo ra từ việc định giá tài sản là khoảng 50%, so với mức 70% tại Mỹ.
Theo BCG thì tại Mỹ, lượng của cải thực được tạo ra chỉ chiếm 28% lượng gia tăng tài sản trong năm ngoài. Con số này ở Nhật Bản còn thấp hơn, ở mức 21%. Tại các nước còn lại của khu vực Châu Á Thái Bình Dương, tỷ lệ này là khoảng 65%.
Những người Mỹ giàu nhất có thể được lợi thêm nếu Tổng thống Donald Trump có thể khiến Quốc hội thông qua chương trình tài khóa của ông: cắt giảm thuế, bãi bỏ quy định và chi hàng nghìn tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng mới. Tuy nhiên, vì chi tiết của các chính sách này vẫn chưa được công bố rộng rãi, sẽ rất khó để dự đoán tác động cụ thể của những chính sách này.
Tỷ lệ phần trăm đóng góp cho sự gia tăng tài sản, từ tăng giá tài sản hiện tại (màu đỏ) và tạo ra tài sản mới (màu xanh), theo từng khu vực. Ảnh: Bloomberg. |
Một lãnh đạo cao cấp của BCG là Bruce Holley cho biết: "Không ai biết được những thay đổi về thuế nào sẽ được thông qua. Tuy nhiên, điều này có thể củng cố cho dự đoán của chúng tôi."
Nước Mỹ vẫn là nơi tập trung đông đảo nhất của các triệu phú và tỷ phú trên thế giới, và hàng ngũ của họ đang tăng trưởng nhanh: Ngày nay, khoảng 7 triệu người Mỹ có tài sản giá trị hơn 1 triệu USD. BCG dự kiến con số này sẽ đạt 10,4 triệu người vào năm 2021 - đạt mức tăng trưởng hàng năm 8%, tương đương khoảng 670.000 triệu phú mới mỗi năm.
Trung Quốc có số triệu phú và tỷ phú nhiều thứ hai thế giới: 2,1 triệu người, mặc dù dân số của họ gấp 4 lần Mỹ.
Ở Mỹ, có sự khác biệt rõ rệt giữa các khu vực. Theo báo cáo của Fortune vào năm 2015, khoảng 2/3 triệu phú và tỷ phú Mỹ sống ở 12 khu vực đô thị, chủ yếu là các khu vực giàu có dọc bờ biển.
Trong khi đó, theo khảo sát mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) về tình hình kinh tế các hộ gia đình, có đến 1/4 số người Mỹ trưởng thành không thể chi trả tất cả các hóa đơn hàng tháng, và 44% dân số có chưa tới 400 USD dự trữ để dùng trong trường hợp khẩn cấp.
Mạnh Đức
Nguồn Zero Hedge