Bệnh viện TWG – Sản Nhi Long An sử dụng robot thông minh để hướng dẫn người bệnh.
Y tế tư nhân tái khởi động thị trường bằng những dự án tầm cỡ
Mảnh đất “hút” nhà đầu tư
Khi nền kinh tế phát triển sẽ khiến mức sống tăng cao, kéo theo đó, nhu cầu chăm sóc sức khỏe cũng đòi hỏi ngày càng toàn diện hơn. Vì lẽ đó, trong những năm gần đây, không ít người Việt đã tìm ra nước ngoài khám chữa bệnh, tiêu tốn nguồn ngoại tệ ước tính khoảng 2,5 tỉ USD/năm. Mặc dù chất lượng dịch vụ y tế trong nước dần được cải thiện, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, sự quan tâm dành cho sức khỏe càng khiến hệ thống y tế công thêm quá tải.
Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đã chỉ rõ: Tổng mức chi tiêu cho y tế tại thị trường nội địa chiếm khoảng 5,8% GDP. Chỉ số này được xem là cao nhất trong khu vực và dự kiến sẽ duy trì ổn định đến năm 2035.
Nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng phục vụ của ngành y tế, Chính phủ đã ban hành chính sách xã hội hóa khuyến khích tư nhân tham gia vào lĩnh vực này, chung tay phát triển hạ tầng cơ sở phục vụ cho việc khám chữa bệnh của người dân từ năm 2015. Hưởng ứng lời kêu gọi, chỉ sau 4 năm đã có 206 bệnh viện tư nhân với hơn 15.470 giường bệnh và trên 35.000 phòng khám tư nhân khắp cả nước. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế của một đất nước hơn 90 triệu dân và tỉ lệ dân số già ngày một gia tăng, thì đó vẫn là những con số còn khá khiêm tốn.
Vì lẽ đó, các nhà đầu tư tư nhân - những tập đoàn đa ngành có khả năng xây dựng, khai thác và vận hành một dự án bệnh viện hoàn chỉnh, đã nhận định đây là một mảnh đất màu mỡ để có thể phát huy thế mạnh của mình.
Bệnh viện TWG - Sản Nhi Long An, một công trình xã hội hóa y tế tiêu biểu, chuẩn bị đi vào hoạt động. |
Ngày càng nhiều dự án bệnh viện tư nhân ứng dụng công nghệ 4.0
Trong khoảng 2 năm gần đây, hàng loạt công trình bệnh viện quy mô do tư nhân đầu tư như: Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, Bệnh viện Phương Châu Sóc Trăng... đã được xây dựng tại khu vực phía Nam. Đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước đã bắt đầu tái khởi động bằng dòng vốn “khủng”, với tổng vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Đó là các dự án Bệnh viện Vạn Phúc - Sài Gòn (Q.Thủ Đức), Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Phía Tây (Q.Tân Phú) với công suất thiết kế 350 giường đã khởi công vào cuối tháng 5.2020. Đặc biệt, Bệnh viện TWG - Sản Nhi Long An quy mô 500 giường bệnh, mô hình xã hội hóa y tế tiêu biểu, đã chính thức được trao quyền khai thác vận hành cho Tập đoàn Thế Giới Kỹ Thuật (TWG) từ tháng 2.2020.
Máy chụp cộng hưởng từ MR Ambition S 1.5T thế hệ mới của hãng Philips không sử dụng tia X, rất an toàn cho bệnh Nhi và Sản phụ đã được trang bị tại Bệnh viện TWG - Sản Nhi Long An. |
Ngoài chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, trang bị các thiết bị hiện đại, chuẩn hóa các tiêu chí quản lý chất lượng khám chữa bệnh theo quy định của Cục khám Chữa bệnh - Bộ Y tế (83 Tiêu chí Quản lý chất lượng bệnh viện), một số bệnh viện tư nhân còn hướng đến đạt chất lượng ISO, tiêu chí trong quản lý vận hành theo các chuẩn quốc tế như: JCI (Mỹ), AP-HP (Pháp)...
Trong xu thế chuyển đổi số của kỷ nguyên 4.0, y tế đã không đứng ngoài cuộc khi xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số; ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám bệnh, vừa giúp điều trị bệnh hiệu quả, vừa góp phần cải cách hành chính, giảm tải giấy tờ cho khâu quản trị vận hành bệnh viện qua việc sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán viện phí, giúp nâng cao chất lượng tiện ích cho cả nhân viên y tế và người bệnh.
Theo Ông Lê Cao Minh, Tổng Giám đốc Tập đoàn TWG - tập đoàn đa ngành đang tham gia trong nhiều dự án xã hội hóa y tế: “Ngay từ khi bắt đầu thực hiện các dự án như Bệnh viện Sản Nhi Long An, Bệnh viện Hoàn Mỹ phía Tây cũng như nhiều dự án mảng y tế và chăm sóc sức khỏe, Tập đoàn luôn chú trọng hợp tác với các đối tác là tổ chức y tế quốc tế uy tín. Bắt tay với AP-HP (Pháp) - đơn vị chuyên tư vấn thiết kế, quản lý và vận hành bệnh viện, Oncocare (Singapore) - trung tâm điều trị ung thư, Metran (Nhật) - công ty chuyên sản xuất máy trợ thở của ông Trần Ngọc Phúc... giúp cho các bệnh viện tối ưu hệ thống trang thiết bị hiện đại trong chẩn đoán và điều trị các mặt bệnh chuyên sâu, đảm bảo chất lượng dịch vụ đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe chất lượng cho người dân một cách hiệu quả, toàn diện, với chi phí phù hợp”.
“Chúng tôi nỗ lực ứng dụng các công nghệ số tiên tiến, ứng dụng phần mềm trong quản trị vận hành, đặc biệt là sử dụng robot điều khiển để hướng dẫn người bệnh và hỗ trợ nhân viên y tế ở các khu vực lây nhiễm cao hay cánh tay robot tại giường giúp kết nối giữa bác sĩ điều trị theo dõi trong quá trình thăm khám người bệnh theo phác đồ điều trị dễ dàng hơn”, ông Minh cho biết thêm.
Một trong những dự án tiêu biểu trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại của Tập đoàn TWG chính là bệnh viện TWG - Sản Nhi Long An. Bệnh viện nỗ lực số hóa (Digitalized) hoạt động vận hành, khám chữa bệnh, quản trị nguồn lực bệnh viện thông qua việc đầu tư đồng bộ các hệ thống lõi như: HIS (Hospital Information System), EMR (Electric Medical Records - là toàn bộ kết quả khám chữa bệnh (KCB) của bệnh viện cho 1 người bệnh), LIS (Laboratory Information System), PACS (Picture Archiving and Communication System), HRIS liên thông toàn viện với sức mạnh xử lý của hệ DataCenter hơn 20 máy chủ đặt ngay tại viện.
Bên cạnh đó, với phương châm đem lại chất lượng khám chữa bệnh với thông tin rõ ràng, gia tăng trải nghiệm người bệnh chính là khách hàng, các bệnh viện do TWG đầu tư được đặt mục tiêu “Mỗi khách hàng sẽ luôn sẵn trên tay một ứng dụng Mobile Apps lưu trữ toàn bộ lịch sử khám chữa bệnh tại hệ thống bệnh viện TWG”. Ứng dụng này dự kiến triển khai đầu tiên cho Bệnh viện TWG - Sản Nhi Long An khi chính thức đi vào hoạt động từ cuối quý II/2020. Đây cũng là kênh liên lạc, kết nối khách hàng với bệnh viện như giúp đặt lịch thăm khám online và tương tác với bác sĩ từ xa, giúp tăng nhu cầu giá trị tiện ích đồng bộ cho khách hàng khi đến trải nghiệm trong hệ thống y tế của TWG mọi lúc mọi nơi.