Trong 2 phiên thảo luận tại hội thảo, các diễn giả và đại biểu đã trao đổi nhằm xác định những điểm mạnh, yếu trong xuất khẩu hiện nay
Xuất khẩu vào các thị trường FTA - Giải bài toán phát triển bền vững
Tham dự hội thảo có Lãnh đạo Cục Công tác phía Nam, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Bộ Công Thương; lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố ở phía Nam; đại diện EuroCham; đại diện các Hiệp hội, ngành hàng cùng hơn 300 doanh nghiệp xuất khẩu thuộc nhiều lĩnh vực, ngành hàng phía Nam.
Hội thảo bao gồm 2 phiên thảo luận với sự tham dự của các diễn giả là chuyên gia, doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín trong các ngành thủy sản, nông sản thực phẩm, gỗ, cà phê… Phiên I có chủ đề: “Việt Nam sau 3 năm thực thi CPTPP - Góc nhìn từ doanh nghiệp”. Phiên II: “Xuất khẩu bền vững - Chìa khóa thành công cho doanh nghiệp”.
Đặc biệt, phiên thảo luận còn có sự tham dự của ông Jean Jacque Bouflet – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam(EUROCHAM), chuyên gia về các chính sách cho thị trường EU sẽ cập nhật các thông tin mới cùng những định hướng cho các doanh nghiệp muốn gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.
Ông Jean Jacque Bouflet – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM) |
Theo Bộ Công Thương, tính đến nay Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do, trong đó 3 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) có phạm vi rộng lớn hơn, ngoài các cam kết về thương mại, dịch vụ và đầu tư, còn bao gồm cả các thể chế, pháp lý. Các FTA thực thi đã và đang tác động mạnh mẽ tới phát triển kinh tế cũng như xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ đánh giá : “nhìn chung xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực; không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, cửa ngõ EU như Đức, Hà Lan, Pháp… mà xuất khẩu đang dần được đẩy mạnh sang các thị trường nhỏ hơn, thị trường ngách như tại Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu. Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa khi không chỉ các mặt hàng chủ lực đạt tốc độ tăng ấn tượng như: máy móc - thiết bị (43%), giày dép (54%), dệt may (44%), mà kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản cũng đang tăng ở mức rất cao, đáng kể như: cà phê (43,4%), thủy sản (31,6%), rau quả (23,5%), gạo (12,2%)…
Bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu - Châu Mỹ |
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, dù đã thu về những kết quả ấn tượng, nhưng những cam kết và quy định tại các FTA, nhất là FTA thế hệ mới tương đối mới và phức tạp nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn lúng túng, chưa tận dụng tối ưu được các ưu đãi. Đặc biệt, năm 2022, sau gần 2 năm chống chọi với đại dịch, khi các nền kinh tế và hoạt động thương mại giữa các nước trên thế giới bình thường hóa trở lại, nhiều nước bắt đầu đưa ra những tiêu chuẩn cao hơn với hàng nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước cũng như sức khỏe của người tiêu dùng.
Chính vì vậy, trong 2 phiên thảo luận tại hội thảo, các diễn giả và đại biểu đã trao đổi nhằm xác định những điểm mạnh, yếu trong xuất khẩu hiện nay, từ đó đưa ra các giải pháp và chính sách để hỗ trợ phát triển xuất khẩu bền vững cho doanh nghiệp vào các thị trường FTA trong thời gian tới.
Cụ thể, với ngành thủy sản, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã chia sẻ những kết quả mà thủy sản đã đạt được sau 3 năm CPTPP có hiệu lực, đồng thời nêu những khó khăn mà doanh nghiệp thủy sản sẽ phải đối diện trong thời gian tới và đề xuất những giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua.
Với ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM đã đánh giá về tác động của các FTA đặc biệt là các FTA thế hệ mới với ngành gỗ; chỉ ra thách thức về các qui định phi thuế quan liên quan đến phát triển bền vững cho ngành này. Đặc biệt, ông Phương khuyến nghị cho doanh nghiệp giải pháp cần thực hiện trước hàng loạt các qui định như: VPA/FLEGT, CITES và hướng tới là ESG, CO2… từ các thị trường nhập khẩu nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng, tạo sự đột phá cho xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam trong thời gian tới.
Với ngành cà phê, ông Lý Trung Kiên, Trưởng bộ phận Logistic toàn quốc, Công ty Nestle Việt Nam đã chia sẻ về chiến lược mà Việt Nam cần phải làm để có thể trở thành trung tâm sản xuất cà phê của thế giới…