Xạ trị toàn thân: vũ khí mới trong điều trị ung thư
Ngày 21 và 22/10/2022 vừa qua, bác sĩ Basma M’Barek cũng đã có bài báo cáo chia sẻ về trường hợp của Minh Bảo tại Hội nghị Truyền máu - Ghép Tủy xương và Tế bào gốc Tạo máu Việt-Pháp lần 6, được tổ chức ở Quy Nhơn (Bình Định). Hội nghị có sự tham gia của hơn 400 đại biểu là các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng đầu ngành… đến từ các bệnh viện trên toàn quốc, cùng hơn 30 báo cáo viên là giáo sư, tiến sĩ và các chuyên gia về ghép tế bào gốc uy tín trên thế giới. Các chuyên gia đã đánh giá cao sự đóng góp của Bệnh viện FV vào thành công của ca ghép tủy này, đặc biệt nhấn mạnh việc hầu như không có tác dụng phụ trong quá trình thực hiện xạ trị bằng kỹ thuật TBI.
Bác sĩ Basma M’Barek (giữa) tham gia báo cáo tại Hội nghị Truyền máu - Ghép Tủy xương và Tế bào gốc Tạo máu Việt-Pháp lần 6 |
Tại hội nghị, bác sĩ Basma cũng chỉ ra những thách thức khi thực hiện kỹ thuật TBI ở Việt Nam. Đây là một kỹ thuật cao, còn khá mới trong nước, muốn thực hiện tốt thì cần một đội ngũ bác sĩ ung bướu chuyên về xạ trị, kỹ thuật viên, điều dưỡng, kỹ sư vật lý... được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực này. Ở châu Âu và một số quốc gia khác hiện nay đang tập trung kỹ thuật xạ trị TBI tại một số ít trung tâm, do đặc điểm điều trị tốn nhiều thời gian và cần đội ngũ chuyên môn sâu. Đây cũng là hướng đi rất đáng cân nhắc tại Việt Nam. “Bệnh viện sẵn sàng hợp tác với các ekip ghép tủy, các bác sĩ chuyên khoa huyết học, để thu hẹp khoảng cách về công nghệ và mang đến cho bệnh nhân Việt Nam những phương thức điều trị tốt nhất", bác sĩ Basma chia sẻ tại hội nghị.