Ngân hàng UOB hai năm liên tiếp (2023-2024) đạt giải Top 50 Doanh nghiệp Phát triển bền vững tại Việt Nam.

 
Hoàng Kim Thứ Bảy | 14/09/2024 08:00

UOB có cơ chế tài trợ toàn diện để hỗ trợ các dự án xanh và cơ sở hạ tầng bền vững

Đó là chia sẻ của ông Jason Yang, Giám đốc Cấp cao Lĩnh vực Chuyển đổi và Phát triển bền vững, Ngân hàng UOB Việt Nam.

Hiện nay, phát triển bền vững không còn là một khái niệm mà đã được nhiều doanh nghiệp coi đó là con đường tất yếu, tuy nhiên, việc triển khai thực hành bền vững vẫn còn gặp nhiều khó khăn, là một chuyên gia về phát triển bền vững, ông có thể chia sẻ những thách thức nào mà theo ông các doanh nghiệp tại Việt Nam phải đối mặt khi áp dụng các hoạt động xanh không?

Để hiểu được những thách thức mà các doanh nghiệp tại Việt Nam phải đối mặt khi áp dụng các hoạt động xanh, trong nghiên cứu “Triển vọng doanh nghiệp năm 2024” của UOB vừa qua, chúng tôi đã đặt ra một số câu hỏi khảo sát để hiểu hơn về mức độ hiểu biết và áp dụng tình bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam. Kết quả khảo sát cho thấy, trong khi 94% số doanh nghiệp được hỏi đánh giá cao tầm quan trọng của phát triển bền vững, thì chỉ có 45% đã áp dụng các hoạt động bền vững trong năm 2023. 

Rào cản chính đối với các doanh nghiệp này khi áp dụng tính bền vững là những lo ngại về tính kinh tế và thiếu kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực này. Cụ thể, các doanh nghiệp lo ngại về việc triển khai hoạt động bền vững sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng của doanh nghiệp cũng như không chắc chắn về cách áp dụng các công nghệ và giải pháp khác nhau.

Để thúc đẩy việc thương mại hóa các giải pháp công nghệ xanh, điều quan trọng là yếu tố kinh tế, đặc biệt là khi lợi nhuận là điều tối quan trọng đối với các doanh nghiệp. Ví dụ, xét về góc độ hiệu quả năng lượng, giá điện thương mại của Việt Nam là khoảng 10 cents Singapore cho mỗi kilowatt-giờ. So sánh với Singapore, nơi giá điện cao hơn khoảng 3 lần. Sự khác biệt về tính kinh tế làm giảm động lực để các công ty Việt Nam áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Do đó, các chính sách, khoản tài trợ và giá phát thải carbon phù hợp là rất quan trọng để khuyến khích các doanh nghiệp cải thiện hồ sơ năng lượng của mình và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. 

Sau đó, các tổ chức tài chính đóng vai trò quản trị quan trọng bằng cách tận dụng các tiêu chuẩn quốc gia và các chương trình ưu đãi để tài trợ cho các dự án và đảm bảo việc đáp ứng các tiêu chí bền vững trong suốt vòng đời của khoản vay.

Ông có nói về vai trò của các tổ chức tài chính không chỉ là bên tài trợ vốn và đóng vai trò quản trị việc thực hiện các dự án xanh, ông có thể giải thích thêm về điều này?

Vai trò của tài chính xanh là luân chuyển vốn vào các dự án và doanh nghiệp có tác động tích cực đến môi trường và xã hội. Nói cách khác, các ngân hàng không chỉ là bên cho vay mà còn đóng vai trò quản lý để đảm bảo rằng các khoản vay xanh mà chúng tôi bảo lãnh sẽ thực sự giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu về khí hậu. Tại UOB, chúng tôi liên tục phát triển các khuôn khổ về tài chính bền vững của mình, phản ánh những lĩnh vực và hoạt động phù hợp để tài trợ vốn xanh. Cho dù bạn là doanh nghiệp xanh thuần túy chẳng hạn như nhà sản xuất sản phẩm tuần hoàn hay các công ty đang bắt đầu hành trình chuyển đổi để cải thiện lượng khí thải các - bon của doanh nghiệp, sứ mệnh của chúng tôi là đảm bảo rằng bên vay đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của ngân hàng không chỉ tại thời điểm nộp đơn đề nghị vay vốn mà còn trong toàn bộ vòng đời của khoản vay. Chính những cam kết dài hạn này của cả bên vay và UOB, cùng với các quy trình chặt chẽ của chúng tôi sẽ đảm bảo việc đạt được các mục tiêu và lộ trình phát triển bền vững.

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn những tiêu chí nào quyết định việc phê duyệt các khoản vay xanh?

Có nhiều quan niệm sai lầm khá phổ biến rằng các khoản vay xanh có bản chất là ưu đãi với các tiêu chuẩn cho vay được nới lỏng và biên độ lãi suất thấp hơn. Trên thực tế, uy tín tín dụng của người vay, bên mua và cấu trúc tổ chức của dự án phải bền vững cả về mặt pháp lý và tài chính. Sau đó, chúng tôi đánh giá bản chất của khoản vay, hoạt động kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và chuỗi cung ứng của họ để đảm bảo chúng đáp ứng các tiêu chuẩn trong khuôn khổ tài chính xanh của chúng tôi và không gây hại cho môi trường và cộng đồng. 

Mặc dù các tiêu chuẩn này có thể cao, nhưng chúng tôi đã nhìn thấy sự ​​thành công to lớn hơn đối với các công ty có chiến lược phát triển bền vững tích hợp trên toàn bộ hoạt động kinh doanh, sản phẩm và dịch vụ của họ. UOB kiên định với các cam kết của mình hướng tới quá trình chuyển đổi để đạt phát thải ròng bằng 0 tại các thị trường mà chúng tôi hoạt động và đã giải ngân hơn 44 tỉ đô la Singapore cho các khoản vay xanh tính đến thời điểm hiện tại.

UOB cung cấp những cơ chế tài chính nào để hỗ trợ các dự án xanh và phát triển cơ sở hạ tầng bền vững?

UOB đã xây dựng một cơ chế tài trợ toàn diện để hỗ trợ các dự án xanh và cơ sở hạ tầng bền vững. Chúng tôi tài trợ cho các công trình xanh, cho dù là công trình xây dựng mới hay cải tạo công trình hiện có, và các sáng kiến ​​thành phố thông minh. Điều này không chỉ giới hạn ở chủ sở hữu tài sản mà còn bao gồm các nhà phát triển dự án, đơn vị sản xuất, thiết kế và các đơn vị tổng thầu EPC (Thiết kế, Mua sắm và Xây dựng).

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng làm việc với các đối tác đã được công nhận trong hệ sinh thái của mình để đảm bảo rằng mọi khía cạnh của dự án đều đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững cao. Các đối tác này bao gồm các nhà cung cấp về công nghệ, cố vấn và các bên liên quan khác đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của dự án.

Chúng tôi cũng cung cấp các khoản vay liên kết bền vững. Đây là các khoản vay thông thường với mức lãi suất thay đổi gắn liền với việc đạt được các mục tiêu bền vững cụ thể. Cơ chế này khuyến khích người vay đáp ứng các mục tiêu bền vững của họ bằng cách cung cấp các điều khoản vay tốt hơn khi họ đạt được từng mục tiêu bền vững nhất định.

Ông có đề xuất gì để phát triển thị trường tài chính xanh tại Việt Nam?

Để thị trường tài chính xanh phát triển tại Việt Nam, một số lĩnh vực chính sẽ cần được ưu tiên. 

Đầu tiên, tính kinh tế phải hợp lý với các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Để khuyến khích áp dụng các công nghệ xanh, các ưu đãi như giảm thuế, trợ cấp, tài trợ và chia sẻ rủi ro của các khoản vay xanh có thể được áp dụng.

Thứ hai, đặt ra các mục tiêu phát triển cấp quốc gia (ví dụ: số lượng công trình xanh được xây dựng, việc áp dụng năng lượng tái tạo của các doanh nghiệp), có các tiêu chuẩn rõ ràng dành riêng cho Việt Nam và đi kèm với các chính sách/chương trình hỗ trợ là rất quan trọng.

Thứ ba, khuôn khổ pháp lý phải phù hợp với thông lệ quốc tế và được thiết kế để hỗ trợ các trường hợp áp dụng cụ thể. Sự phối hợp giữa các nhà lãnh đạo trung ương và địa phương có thể được hài hòa hơn nữa thông qua các cuộc đối thoại thường xuyên hơn.

Cuối cùng, việc nâng cao nhận thức và kiến ​​thức trong nhiều lĩnh vực khác nhau là rất quan trọng. Điều này bao gồm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về lợi ích của công nghệ xanh, các tiêu chuẩn mới nhất và các ví dụ thành công điển hình. Việc đào tạo và cung cấp nguồn lực có thể giúp các doanh nghiệp hiểu cách triển khai và hưởng lợi từ các hoạt động bền vững.

Xin cám ơn ông!