TPBank công bố kết quả kinh doanh 2020, vượt các chỉ tiêu đề ra
Cuối năm việc đóng sổ với hàng núi số liệu phải xử lý là một nỗi cực nhọc cho các bộ phận tài chính và IT của ngân hàng, nhưng với ngân hàng đi đầu chuyển đổi số như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) thì việc này đã trở thành đơn giản và dễ dàng hơn bao giờ hết.
TPBank vừa là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh 2020. Theo đó, hoạt động kinh doanh của Ngân hàng tiếp tục được duy trì ổn định, vượt mục tiêu đề ra ở hầu hết các chỉ số quan trọng.
Kết quả này củng cố thêm vị thế vững chắc của TPBank trên thị trường, đồng thời giúp Ngân hàng nâng cao khả năng hỗ trợ khách hàng và chia sẻ trách nhiệm với xã hội trong thời gian tới, khi dịch bệnh COVID-19 vẫn gây tác động tới mọi mặt của cuộc sống.
Kết thúc năm 2020, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 206.316 tỉ đồng, tăng 24,47% so với năm 2019 và vượt hơn 14% kế hoạch năm. Tổng huy động đạt 184.953 tỉ đồng, tăng 25,15% so với năm trước, trong khi dư nợ cũng có mức tăng trưởng tốt, khá cao so với toàn ngành. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank trong năm 2020 được ghi nhận ở mức 10.368 tỉ đồng, tăng 22,4% so với năm 2019.
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh bị xấu đi bởi dịch COVID-19, tốc độ doanh thu của TPBank vẫn tăng mạnh cho thấy vai trò cực kỳ quan trọng của chiến lược Ngân hàng số và Sáng tạo số tại TPBank, giúp Ngân hàng có thể duy trì hoạt động gần như bình thường trong thời kỳ dịch bệnh, đồng thời cũng là giải pháp cứu cánh cho ngành ngân hàng trong giai đoạn đầy thách thức này.
Số lượng tài khoản và thẻ mở mới qua hệ thống LiveBank trong năm 2020 đã tăng gấp 4 lần năm 2019, CASA tăng gấp 5 lần, và các máy LiveBank xử lý hơn 7 triệu giao dịch, tăng 130%. Số lượng khách hàng mới tăng đáng kể trong năm qua, nâng tổng số khách của TPBank lên 3,6 triệu.
Trong năm 2020, không chỉ nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức để duy trì đà tăng trưởng, TPBank còn tiên phong sẻ chia khó khăn với người dân, với cộng đồng doanh nghiệp bằng việc miễn giảm lãi cho trên 10.000 khách hàng với số tiền là 213 tỉ đồng. Tổng dư nợ được giảm lãi là hơn 40.000 tỉ đồng, nhưng Ngân hàng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trên 11% nhờ tiết kiệm, cắt giảm chi phí. Cũng trong năm 2020, ngân hàng này cùng với Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI cũng đã có nhiều hoạt động chung tay cùng Chính phủ, ngành y tế và các địa phương chống COVID-19, ủng hộ nhân dân các tỉnh miền Trung trong thiên tai, bão lũ với tổng số tiền ủng hộ lên tới gần 30 tỉ đồng.
Mặc dù biên lợi nhuận từ hoạt động tín dụng giảm đáng kể do Ngân hàng đã chủ động giảm lãi vay cho khách hàng hiện hữu và hạ lãi suất cho vay mới, nhưng nhờ dư nợ tín dụng vẫn tăng trưởng tích cực và thu nhập ngoài lãi, đặc biệt là thu từ dịch vụ và bảo hiểm tăng cao, đã giúp cho tổng doanh thu vẫn tăng trưởng. Mặt khác, nhờ sở hữu một nền tảng ngân hàng số hiện đại và tích cực chuyển đổi số, giúp Ngân hàng tiết kiệm nhân lực và tối ưu hóa chi phí hoạt động, nên lợi nhuận trước thuế trong năm 2020 của TPBank vẫn tăng 11% so với năm trước và vượt gần 8% so với kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông đề ra. Ngân hàng tiếp tục duy trì hiệu quả kinh doanh ở mức cao, thể hiện qua các chỉ số ROA và ROE tương ứng là 1,89% và 29,5%. Chỉ số chi phí trên thu nhập hoạt động thuần (CIR) cũng được giảm đáng kể, xuống mức 39,69%, mặc dù trong vài năm qua TPBank đã rất bỏ rất nhiều tiền đầu tư cho ngân hàng số và công nghệ mới. Năng suất lao động bình quân của một nhân viên đã tăng gấp 5 lần so với năm 2016, đến nay, đã đạt gần 800 triệu lợi nhuận/nhân viên.
Về quản trị rủi ro, bên cạnh việc là một trong các ngân hàng dẫn đầu về hoàn thành sớm cả 3 trụ cột theo chuẩn Basel II, TPBank còn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động quản trị rủi ro vận hành và rủi ro thị trường, cũng như quản trị tốt rủi ro tín dụng. Chất lượng tín dụng vẫn được TPBank kiểm soát tốt, mặc dù có những lo ngại về lo ngại về nợ xấu của ngành ngân hàng khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, nhưng kết thúc năm 2020, tỉ lệ nợ xấu của TPBank chỉ ở mức 1,14%, thấp hơn năm 2019, trong khi TPBank đã phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo đúng quy định. Hệ số an toàn vốn (CAR) tính đến cuối năm 2020 ở mức 12,8%, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu 8% theo chuẩn Basel II.
“Có thể nói những quả ngọt trong hoạt động kinh doanh chúng tôi có được trong năm nay đã được vun trồng từ nhiều năm trước, bằng một chiến lược chuyển đổi số toàn diện và hiệu quả. COVID-19 vô hình trung như một “cú huých” trăm năm thúc đẩy người Việt cùng nhau bước lên không gian số. Nhờ đi đầu trong ứng dụng số hóa, chúng tôi đã “đón đầu” làn sóng di dân đó, đáp ứng được mọi nhu cầu, thói quen tiêu dùng tài chính mới của khách hàng và hoàn thành mục tiêu đề ra,” ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, chia sẻ.
Ông cũng khẳng định kết quả đạt được trong năm 2020 sẽ cho phép Ngân hàng nâng cao khả năng hỗ trợ các khách hàng, và đóng góp nhiều hơn và chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế của xã hội.