Ảnh: Quý Hòa.

 
Bảo Trung Thứ Hai | 06/12/2021 11:47

Top 50 2021 Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động: “Thánh gióng” ngành bán lẻ

"Vua bán lẻ" bước ra khỏi ngành bán lẻ điện thoại, điện máy, lấn sân các sản phẩm khác...

Giá cổ phiếu đóng cửa ngày 4.5.2021 của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) là 139.400 đồng, đạt vốn hóa thị trường 66.281 tỉ đồng, một con số cao hơn rất nhiều so với số vốn đầu tư ban đầu 2 tỉ đồng. Hai thành viên sáng lập là ông Nguyễn Đức Tài và Trần Lê Quân nằm trong nhóm 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Để có được thành quả này, Công ty đã trải qua nhiều năm tăng trưởng ròng rã, bất chấp những khó khăn như đại dịch COVID-19.

Tăng trưởng thần tốc

 

Chỉ 4 năm sau khi được thành lập vào tháng 3.2004, giá trị của Công ty đã tăng lên hàng ngàn lần, trở thành dự án đầu tư thành công nhất của Mekong Capital. Tính đến cuối quý I/2021, Công ty đã xây dựng được mạng lưới gồm 4.229 cửa hàng, trong đó có 909 cửa hàng Thế Giới Di Động, 1.553 cửa hàng Điện Máy Xanh và 1.767 cửa hàng Bách Hóa Xanh. 

Khi mới thành lập, nhà bán lẻ này mở cửa hàng chuyên bán điện thoại di động và laptop trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM. Công ty bắt đầu nhận vốn đầu tư của Mekong Capital năm 2007 và chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động.

Bắt đầu từ năm 2010, Công ty mới bước vào giai đoạn tăng trưởng thần tốc. Tháng 12.2010, hãng bán lẻ điện thoại di động ra mắt chuỗi bán lẻ ngành hàng điện máy với tên gọi ban đầu là dienmay.com. Đến tháng 3.2012, Công ty đã phủ sóng tất cả tỉnh, thành với hơn 220 siêu thị, chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam về điện thoại di động.

 

Trước ngày lên sàn, 5 thành viên sáng lập gồm ông Nguyễn Đức Tài, Trần Lê Quân, Điêu Chính Hải Triều, Trần Huy Thanh Tùng, Đinh Anh Huân nắm giữ tới 45,8% và đã chuyển phần lớn sang công ty riêng. 2 quỹ đầu tư nước ngoài là Mekong Capital và CDH Electric Bee Ltd nắm giữ 30,1%; 24,1% được cho là của các nhà đầu tư khác, người lao động nắm giữ khoảng 10% cổ phiếu.

Ngày 14.7.2014, 10 năm sau khi thành lập, Công ty chính thức lên sàn chứng khoán với mã MWG. Giá trị doanh nghiệp trước khi lên sàn được định theo mức giá 85.000 đồng/cổ phiếu (5.300 tỉ đồng) nhưng mức giá đã được điều chỉnh giảm vào thời điểm sát ngày lên sàn, còn 68.000 đồng/cổ phiếu. 5 năm sau khi lên sàn, giá trị vốn hóa của Công ty tăng gấp 10 lần, trở thành cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng vốn hóa nhanh nhất ngành bán lẻ. Nếu tính từ con số 2 tỉ đồng vốn đầu tư từ năm 2004 cho đến nay, giá trị vốn hóa của Thế Giới Di Động đã tăng hàng chục ngàn lần.

Năm 2015, chuỗi dienmay.com được đổi nhận diện thương hiệu và logo mới, ra mắt Điện Máy Xanh, đồng thời đánh dấu thời điểm Công ty trở thành một nhà bán lẻ đa ngành, lấn sân sang ngành hàng thực phẩm tiêu dùng cùng cửa hàng Bách Hóa Xanh đầu tiên. Chuỗi Điện Máy Xanh nhanh chóng phủ sóng toàn lãnh thổ Việt Nam.

Xuất ngoại

Cuối tháng 6.2017, Thế Giới Di Động ra mắt chuỗi BigPhone tại Campuchia. Đến năm 2020 chuỗi này đạt mốc 20 cửa hàng. Tiếp đó, Công ty đổi tên chuỗi thành cửa hàng điện máy Bluetronics. Số lượng cửa hàng điện máy tính đến tháng 1.2021 là 50 cửa hàng, gần như đã thống lĩnh thị trường nước bạn. Mục tiêu kế tiếp của Công ty là các thị trường Philippines, Thái Lan, Indonesia...

Cũng trong năm 2017, Công ty mua lại và sáp nhập hệ thống bán lẻ điện máy Trần Anh. Tiếp đó, cuối năm 2017 hãng này tiếp tục thể hiện quyết tâm trở thành công ty bán lẻ đa ngành khi mua lại chuỗi dược phẩm Phúc An Khang, bước đầu tiên thâm nhập vào ngành dược phẩm.

Không ngừng đổi mới

Từ khi thành lập, việc kinh doanh của Thế Giới Di Động gặp một số khó khăn nhất định nhưng nhìn chung, con đường kinh doanh của Công ty khá bằng phẳng. Nhưng đằng sau sự bằng phẳng đó là những bước đi đầy sáng tạo, thậm chí liên tục đưa ra những mô hình kinh doanh mới khi tăng trưởng chững lại.

Ảnh: TL.
Ảnh: TL.

Tháng 8.2019, chuỗi điện thoại siêu rẻ ra đời và nhanh chóng chết yểu nhưng nhà bán lẻ điện thoại không có vẻ chùn bước mà gần đây lại cho ra đời chuỗi Điện Máy Xanh Supermini với chi phí vận hành thấp, dễ tăng thị phần nhờ cạnh tranh với các cửa hàng nhỏ lẻ ở vùng nông thôn, từ đó hướng tới biên lợi nhuận cao hơn. Hướng đi này được giới phân tích đánh giá khả quan hơn chuỗi điện thoại siêu rẻ.

Theo báo cáo Top 100 nhà bán lẻ châu Á của Euromonitor, MWG hiện xếp thứ 10 trong số các nhà bán lẻ lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho hay, Công ty đang có dự định ra mắt nhiều chuỗi khác, bước ra khỏi ngành điện máy – điện thoại. Mục tiêu lớn sắp tới là trở thành chuỗi bán lẻ số 1 Đông Nam Á.

Thế Giới Di Động không những là động lực thúc đẩy cho cả nền kinh tế Việt Nam trước thiên tai, dịch bệnh mà còn là minh chứng về việc không có khó khăn nào không thể vượt qua bằng nỗ lực, đổi mới và sáng tạo.