Ảnh: TL.
Top 50 2021 - Công ty Cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam: Mục tiêu thận trọng
Được thành lập năm 1985 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Công ty Cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam (Viconship, mã VSC) hiện là một trong những nhà khai thác cảng biển và cung cấp các dịch vụ trong chuỗi cung ứng - logistics chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam. Viconship khai thác 2 cảng tại Hải Phòng là cảng Green Port và cảng VIP Green. Tập đoàn này cũng có 278.550 m2 kho bãi tại Hải Phòng, Đà Nẵng và TP.HCM.
2020 là năm có nhiều khó khăn nhưng Viconship vẫn tiếp tục duy trì được nhịp độ tăng trưởng và đạt được kết quả khả quan. Theo đó, doanh thu năm 2020 đạt 1.688,9 tỉ đồng, chỉ giảm nhẹ 5,8% so với cùng kỳ do ảnh hưởng bởi dịch và hiện tượng thiếu vỏ container, đặc biệt trong nửa cuối năm đã tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu và sản lượng hàng hóa tại cảng.
Lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ 2,5% so với năm trước. Kết quả khích lệ này là nhờ biên lợi nhuận cải thiện, chi phí tài chính giảm mạnh do đã trả hết nợ vay, đi cùng gia tăng hiệu quả điều động tàu cập cảng.
Bước sang năm 2021, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, có một số lý do để lạc quan về triển vọng của ngành cảng biển và logistics như sự khởi sắc của nền kinh tế thế giới do các biện pháp giãn cách xã hội đã giảm bớt và vaccine ngừa COVID-19 trở nên phổ biến; ngành xuất khẩu Việt Nam có thể hưởng lợi từ tiêu dùng toàn cầu phục hồi; nhu cầu cao đối với các cơ sở logistics từ những dự án sản xuất mới...
Tuy nhiên, Viconship vẫn đặt mục tiêu kinh doanh thận trọng cho năm 2021 với doanh thu 1.700 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 335 tỉ đồng, gần như không tăng trưởng so với năm 2020. Điều này khác biệt với các năm trước, khi thường đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 10%. Theo Viconship, những thách thức lớn đối với Tập đoàn xuất phát từ tình trạng thiếu container gây áp lực không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu và hoạt động của các doanh nghiệp cảng. Bên cạnh đó là tác động từ dịch COVID-19 và những biến động về chính sách thương mại tại các thị trường xuất nhập khẩu lớn.
Ảnh: TL. |
Nhằm phục vụ mục tiêu tăng trưởng trong dài hạn, ở giai đoạn tới, trọng tâm hoạt động đầu tư của Viconship sẽ nằm tại 2 dự án cảng nước sâu ở Cát Hải (Hải Phòng) và Liên Chiểu (Đà Nẵng). Mức đầu tư mỗi dự án dự kiến từ 4.500-5.000 tỉ đồng và Viconship sẽ giữ tỉ lệ sở hữu ít nhất là 36% tại các dự án trọng điểm này.
Đối với dự án cảng nước sâu tại đảo Cát Hải (gồm khu bến cảng container và hạ tầng logistics), Viconship sẽ cần thêm thời gian để hoàn thiện thủ tục pháp lý và được chấp thuận chính thức bởi Cục Hàng Hải do dự án trên về cơ bản không thuộc định hướng quy hoạch ban đầu của khu cảng Lạch Huyện. Còn đối với dự án Liên Chiểu, Viconship dự kiến sẽ xây dựng 2 bến cảng container đầu tiên tại khu vực cảng nước sâu Liên Chiểu. Công ty dự kiến có thể bắt đầu triển khai dự án ngay trong năm nay và kỳ vọng sẽ đưa khu cảng vào hoạt động trước năm 2024. Sau khi hoàn thành, khu cảng trên sẽ trở thành trung tâm trung chuyển quan trọng tại khu vực miền Trung.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), kết quả kinh doanh của Viconship được dự báo sẽ không tăng trưởng đột biến trong 1-2 năm tới do giới hạn về công suất và các dự án cảng nước sâu chưa được hoàn thiện. Trong năm 2021, VCBS dự phóng Viconship đạt doanh thu 1.801 tỉ đồng, tăng nhẹ 6,6% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 321,5 tỉ đồng, tăng 8,5%, tương ứng với EPS (thu nhập mỗi cổ phiếu) chưa pha loãng là 5.832 đồng/cổ phiếu. Công ty chứng khoán này đưa ra khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu VSC với mức định giá hợp lý là 57.737 đồng/cổ phiếu.
Nhìn chung, với ưu thế là sở hữu hạ tầng bãi container - vận tải - cảng biển có hiệu quả hoạt động cao, sự gia tăng hợp tác và tham gia vào quản trị của các doanh nghiệp dịch vụ logistics như SAFI (đại lý vận tải), Sao Á (vận hành bãi depot) và kế hoạch phát triển cảng biển nước sâu, Viconship đang củng cố vị thế là một đơn vị vận hành chuỗi logistics khép kín với quy mô lớn. Điều này hứa hẹn sẽ gia tăng mạnh mẽ lợi thế cạnh tranh và vị thế đàm phán của Công ty trong các năm tới.