Ảnh: TL.
Top 50 2019: Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát là doanh nghiệp hiếm hoi liên tục 8 năm nằm trong Top 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam của Nhịp Cầu Đầu Tư. Năm 2019, dù đối mặt với nhiều thách thức, nhưng Hòa Phát đã đạt 63.658,19 tỉ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 14% so với năm 2018; lợi nhuận sau thuế giảm 12%, còn 7.578,24 tỉ đồng.
Năm qua, lĩnh vực thép vẫn đóng vai trò chủ lực, chiếm 80% tổng doanh thu. Năm 2019, tổng sản lượng các loại thép tiêu thụ là 3.618.000 tấn, tăng 14%. Thép xây dựng và ống thép Hòa Phát tiếp tục duy trì thị phần số 1 trên thị trường lần lượt là 26,2% và 31,5%. Lĩnh vực nông nghiệp của Tập đoàn bắt đầu bước vào giai đoạn “hái quả”, tăng trưởng doanh thu đạt 72%. Các lĩnh vực công nghiệp khác hoàn thành vượt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế so với kế hoạch được giao.
Trong quý I/2020, Hòa Phát đạt 19.233 tỉ đồng doanh thu hợp nhất, đã thực hiện được 22,4% kế hoạch doanh thu vừa thông qua. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2.300 tỉ đồng, hoàn thành 25,6% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho năm 2020.
Mới đây, Hòa Phát đã thông qua phương án điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư vào giai đoạn 1 và giai đoạn 2 dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất.
Tổng mức đầu tư khoảng 60.000 tỉ đồng, trong đó 30.000 tỉ đồng là vốn điều lệ do các cổ đông đã góp đủ, còn 30.000 tỉ đồng là vốn vay cam kết bởi các tổ chức tín dụng (25.000 tỉ đồng) và vay nội bộ các thành viên trong Tập đoàn (5.000 tỉ đồng).
Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn mở rộng có quy mô 5 triệu tấn thép, gồm 3 triệu tấn thép cuộn HRC, 1 triệu tấn thép hình cỡ trung, 0,5 triệu tấn thép dây cuộn chất lượng cao và 0,5 triệu tấn thép tròn cơ khí chế tạo. Dự án có diện tích mặt đất sử dụng 166 ha. Bên cạnh đó, tiến độ xây dựng Cảng Hòa Phát Dung Quất đã đạt trên 95%. Cảng Hòa Phát Dung Quất có tổng cộng 11 bến, có thể đón tàu lớn nhất 200.000 tấn. Như vậy, Hòa Phát có thể mua quặng thẳng từ Brazil, Nam Phi, Úc... mà không cần qua các cảng trung chuyển, qua đó chi phí sẽ rẻ hơn. Cảng là lợi thế tuyệt đối của Hòa Phát, khi nhập than, quặng về bằng tàu lớn, rồi chia về cho Dung Quất hay công ty ở Hải Dương đều hiệu quả.
Năm 2021, khi 4 lò cao của Khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động ổn định, sản lượng thép thô của Hòa Phát sẽ đạt 8 triệu tấn thép thô/năm. Khi đó, Tập đoàn sẽ cần nhập khoảng 12-13 triệu tấn quặng. Với lợi thế cảng biển, Hòa Phát sẽ tiết kiệm chi phí, tăng sức cạnh tranh.