
Tập đoàn PAN và Bộ Nông nghiệp và Môi trường ký biên bản hợp tác về ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, thủy sản.
Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN: “Doanh nghiệp khó đi xa nếu chỉ khát vọng mà thiếu công nghệ và đổi mới sáng tạo”
Ngày 10/5, trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Nghị quyết 57, Tập đoàn PAN và Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản giai đoạn 2025-2030.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, hai bên đã thống nhất hợp tác phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng cho người nông dân, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời góp phần thực hiện cam kết giảm phát thải của ngành nông nghiệp.
Trong đó, trọng tâm của hợp tác là ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại trong toàn bộ chuỗi sản xuất lúa gạo, bắt đầu từ công tác chọn tạo giống lúa có năng suất cao, chất lượng gạo tốt, kháng sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần định hình mô hình cánh đồng thông minh, giảm phát thải.
Ngoài ra, Tập đoàn PAN và Bộ Nông nghiệp & Môi trường thống nhất hợp tác chuẩn hóa, hiện đại hóa quy trình sản xuất tôm giống, từng bước thay thế nguồn giống nhập khẩu bằng nguồn giống trong nước có năng suất, sức kháng bệnh và khả năng thích ứng sinh thái vượt trội, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học tiên tiến.
Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong toàn chuỗi giá trị nuôi trồng và chế biến thủy sản. Đặc biệt là nghiên cứu và triển khai các giải pháp tái sử dụng chất thải phát sinh từ hoạt động nuôi trồng và chế biến thủy sản.
Các bên hướng tới xây dựng những mô hình sản xuất không chỉ giảm thiểu tối đa lượng phát thải ra môi trường, mà còn biến chất thải thành tài nguyên, tạo ra sản phẩm đầu ra phục vụ trở lại cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong trồng trọt sạch và canh tác hữu cơ.
Hợp tác này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi và doanh nghiệp, mà còn tạo ra những mô hình kiểu mẫu về liên kết chuỗi, giảm phát thải carbon và tiết kiệm tài nguyên, phù hợp với định hướng chuyển đổi xanh của ngành nông nghiệp Việt Nam.
![]() |
Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng cần lấy khoa học công nghệ, chuyển đổi số là nền tảng của sự phát triển. |
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định trong bối cảnh ngành đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu gay gắt, tài nguyên suy giảm và áp lực tăng trưởng xanh, các mô hình sản xuất truyền thống không còn phù hợp.
Do đó, để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm và bảo vệ môi trường sống, toàn ngành cần đổi mới tư duy và lấy khoa học công nghệ, chuyển đổi số làm nền tảng phát triển.
Là Tập đoàn nông nghiệp – thực phẩm hàng đầu, PAN coi đổi mới sáng tạo không còn là sự lựa chọn, mà là điều kiện tiên quyết để tồn tại và phát triển trong bối cảnh thế giới nhiều biến động từ kinh tế, chính trị -xã hội, khí hậu, công nghệ…
Chia sẻ về việc đưa Nghị quyết 57 vào đời sống, bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN khẳng định Nghị quyết 57 là một cú hích, tạo động lực lớn không chỉ với PAN mà còn với nhiều doanh nghiệp trong ngành.
Trước đó, Tập đoàn PAN đã dành nhiều nguồn lực cho nghiên cứu và hợp tác quốc tế, nhưng khi nghị quyết được ban hành, bà Trà My cho biết PAN sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho nghiên cứu, phát triển giống cây trồng, mục tiêu chọn tạo ra nhiều sản phẩm tốt, đặc biệt là giống lúa từ đó tạo ra những sản phẩm gạo cao cấp mở rộng xuất khẩu sang các thị trường quốc tế khó tính.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN chia sẻ tầm nhìn chiến lược đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững của PAN. |
Để đẩy nhanh hơn nữa quá trình đổi mới sáng tạo, bà Trà My cho rằng cần có cơ chế giúp doanh nghiệp tận dụng nguồn lực hiện có tại các viện, trường từ nhân lực đến thiết bị.
“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Chúng tôi vừa muốn đi nhanh, vừa muốn đi xa. Do đó, Nghị quyết 57 sẽ giúp chúng tôi hiện thực hóa mục tiêu đó, để nhanh chóng nâng tầm nông nghiệp Việt Nam”, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN cho biết.
Thể hiện bằng ngay hành động, Tập đoàn PAN đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc tế: “Đổi mới công nghệ chọn tạo giống cây trồng trong doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu” vào ngày 9/5, quy tụ hơn 100 nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu trong và ngoài nước.
![]() |
Đại diện Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) chia sẻ về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng. |
Trong đó, Tập đoàn PAN rất quan tâm đến các hướng tiếp cận mới như chọn giống nhanh, chỉnh sửa gen, ứng dụng AI và công nghệ sinh học – không chỉ ở mức độ chiến lược, mà bằng đầu tư cụ thể và hành động thực tế.
Lãnh đạo Tập đoàn PAN khẳng định: “Việc Tập đoàn phối hợp với cơ sở đào tạo và nghiên cứu đầu ngành là Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo ngày hôm nay chính là thể hiện cam kết đưa Nghị quyết 57 vào cuộc sống – không chỉ trên giấy tờ mà bằng những kết nối thực chất”.
Đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ sẽ dẫn dắt Tập đoàn PAN và các doanh nghiệp nông sản – thực phẩm trong hành trình vươn ra thế giới, nâng tầm nông nghiệp Việt Nam.