Yến Nguyễn Thứ Ba | 18/09/2018 15:44

Thấu hiểu thế hệ Z trong kỷ nguyên 4.0

Tiếp cận học hỏi và phương pháp học phù hợp cho thế hệ này để định hướng và tiếp năng lượng, đón nhận những tri thức mới trong kỷ nguyên số.

Tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (WEF) diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 11 – 13 tháng 9 năm 2018, một trong những chủ đề thu hút được nhiều sự quan tâm đó là “Phương Pháp Học Mới”. Những trao đổi xoay quanh việc tìm ra phương cách tiếp cận nhanh, chính xác, hiệu quả đối với thế giới việc làm đang không ngừng thay đổi.

Các đại diện đến từ 10 nền kinh tế ASEAN đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc phân tích thực trạng và xây dựng lộ trình học tập phù hợp nhằm chuẩn bị một lực lượng lao động ở các quốc gia ASEAN trong thời đại Kỷ nguyên số. Phiên thảo luận chính theo chủ đề này diễn ra trong bối cảnh những thay đổi mang tính đột phá đối với các mô hình kinh doanh, gây tác động rõ rệt lên bức tranh toàn cầu và cả khu vực trong nhiều năm tới.

Đồng quan điểm và với mục tiêu đóng góp tích cực cho thế hệ làm chủ Thị trường lao động trong tương lai: Thế hệ Z (sinh năm 1996 - 2000), đại diên cấp cao của ManpowerGroup Việt Nam, ông Simon Matthews và bà Lê Thị Kim đã đưa ra những phân tích về cấp độ tiếp cận học hỏi và phương pháp học phù hợp cho Thế hệ này để định hướng và tiếp năng lượng, tăng nhiệt huyết để đón nhận những tri thức mới trong kỷ nguyên số. Theo đó, thế hệ Z tại các nước trong khu vực đang có 2 xu hướng và được phân loại thành hai nhóm chính:

- Nhóm thứ nhất: thế hệ Z tại các nước phát triển trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật, Singapore. Nhóm này rất quen thuộc và bắt nhịp với sự đột phá về công nghệ, cập nhật nhanh với tri thức mới, kỹ năng mới. Đây là những cá nhân sẵn sàng học hỏi, nhạy bén với sự thay đổi và thậm chí dự đoán được sự ra đời của những kỹ năng mới trong tương lai. Cũng bởi nhạnh nhạy và dự đoán trước được xu hướng kỹ năng mới nên các em trở nên thiếu kiên nhẫn trong việc dành thời gian luyện tập thành thạo một kỹ năng hiện tại. Thách thức cho nhóm này chính là tạo môi trường học hỏi và tính kiên trì để đạt đến sự thành thạo các kỹ năng hiện tại;

- Nhóm thứ hai: thế hệ Z tại các nước đang phát triển như Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia… còn e dè trong việc phân tích luồng tri thức phù hợp để tiếp cận và mơ hồ khi quyết định những kỹ năng nào cần phải có . Ở những nước này, các em chưa quen thuộc với tư duy “học liên tục, học cả đời”.

Vẫn còn tình trạng lấy bằng tốt nghiệp chuyên nghiệp là dừng học, bằng lòng với kiến thức đã có và chưa có nhiệt huyết tìm tòi, học hỏi, cập nhật kỹ năng để đáp ứng thị trường lao động đang không ngừng nâng cao. Xây dựng niềm đam mê, tư duy học tập không ngừng, hình thành phương pháp học hiệu quả sẽ giúp thị trường lao động có một thế hệ Z trưởng thành trong nhận thức, đáp ứng được yêu cầu đào tạo không ngừng của thị trường.

Trong một nghiên cứu mới “Siri, Find Me a New Job” (1), ManpowerGroup xác định rõ một nhóm các ứng viên mới gọi là “Early HR Technology Adopters” (Người tiên phong tìm việc bằng công nghệ mới). Nhóm ứng viên này bao gồm những người sử dụng ít nhất 3 loại công nghệ khi tìm việc trong sáu tháng đầu năm 2018, bao gồm ứng dụng di động (apps), quảng cáo trên mạng xã hội, hội chợ việc làm ảo, tin nhắn qua smartphone, phỏng vấn trên video, chat trên web của nhà tuyển dụng, trò chơi hoặc những bài kiểm tra kỹ năng hoặc tìm kiếm bằng giọng nói thông qua chương trình hỗ trợ ảo.

Nhóm ứng viên mới này rất đặc thù, họ thường trẻ tuổi, sống ở các khu vực thành thị, di chuyển nhiều và bao gồm cả sinh viên. 29 % nhóm này thuộc thế hệ Z (18 – 21 tuổi) và 35% thuộc thế hệ Y (22 – 34 tuổi). 86% trong số họ sẵn sàng làm việc tại các thành phố, lãnh thổ và quốc gia khác. Đối với họ, công nghệ là yếu tố tạo nên sự linh động về nơi chốn trong tìm việc.

Từ thực tiễn của các nhóm cộng với các nghiên cứu trong diện rộng, đại diện ManpowerGroup Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác trong khối ASEAN nhằm tăng cường "khả năng học hỏi suốt đời” của người lao động để luôn duy trì được việc làm trong một thế giới công việc thay đổi không ngừng.

Với sự thay đổi chóng mặt của công nghệ số, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, có tới 56% số việc làm hiện nay ở Cambodia, Indonesia, the Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ bị thay thế (2). Để cạnh tranh trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, các nước ASEAN cần tập trung đầu tư vào chất lượng nguồn nhân lực trong khu vực, trong đó "khả năng học hỏi suốt đời" là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp ASEAN trở thành công xưởng công nghệ cao của thế giới và nền tảng cho nền kinh tế khu vực. ManpowerGroup cũng cung cấp một công cụ test “Khả năng học hỏi” (Learnability) để giúp người lao động nhận biết được:

  • Khả năng học hỏi của bạn đến đâu?
  • Điểm mạnh và điểm yếu trong việc tiếp thu kiến thức và kỹ năng mới của bạn
  • Cách khắc phục để giúp bạn tiếp cận nhanh chóng với kỹ năng mới là gì