Chiến lược đẩy mạnh thu hút khách hàng mới và thiết lập quan hệ ngân hàng chính của Techcombank đã giúp số dư CASA tăng 37%.
Techcombank trình kế hoạch kinh doanh tham vọng, tăng tốc trong ba lĩnh vực ưu tiên
Trong năm thứ 4 của chiến lược 5 năm 2021-2025, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB) sẽ đẩy nhanh việc triển khai các định vị giá trị khách hàng độc đáo, khác biệt trên từng phân khúc và lĩnh vực mục tiêu mà Ngân hàng có lợi thế vượt trội và vị thế cạnh tranh mạnh mẽ. Báo cáo trình Đại hội cổ đông Techcombank 2024 cũng đặt mục tiêu đầy tham vọng, với 27.100 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 18% so với kết quả 2023.
“Dù chỉ bằng những viên đá trên đường, bạn cũng có thể xây nên một công trình hùng vĩ”
Ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank đã mượn câu nói của vĩ nhân người Đức, Johann Wolfgang von Goethe, để minh chứng cho kết quả mà Techcombank đã đạt được trong năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và trong nước đối mặt với những biến động không ngừng.
Năm qua, dù tăng trưởng GDP của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 5.1% nhưng nửa đầu năm đánh dấu những thách thức lớn từ xuất khẩu giảm và lãi suất cao hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và cá nhân. Nền lãi suất cao xuyên suốt cũng ảnh hưởng lên biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng ghi nhận giảm, trong khi điều kiện kinh tế kém tích cực góp phần tăng tỉ lệ nợ xấu (NPL) và tổng chi phí tín dụng. Kết quả kinh doanh của Ngân hàng cũng bị ảnh hưởng bởi hoạt động chậm hơn ở thị trường trái phiếu, banca và bất động sản, vốn là những lĩnh vực thế mạnh truyền thống của Techcombank.
Tuy nhiên, Techcombank vẫn ghi nhận Tổng thu nhập hoạt động (TOI) ổn định, nhờ tăng trưởng thu nhập phí và mở rộng tệp khách hàng. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt gần 22.900 tỉ đồng, vượt kế hoạch 4% nhờ chi phí hoạt động được kiểm soát chặt chẽ. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1.2%, nằm trong số thấp nhất trong ngành. Trong khi đó, tỉ lệ an toàn vốn (CAR) của Ngân hàng ở mức 14,4% vào cuối năm 2023 và cao thứ hai trong số tất cả các ngân hàng Việt Nam.
Chiến lược đẩy mạnh thu hút khách hàng mới và thiết lập quan hệ ngân hàng chính của Techcombank đã giúp số dư CASA tăng 37%. Tỉ lệ CASA của ngân hàng đạt 40% vào 31/12/2023, hỗ trợ bởi những yếu tố thuận lợi vào cuối năm từ khách hàng doanh nghiệp. Động lực tăng trưởng CASA của Ngân hàng đến từ cách tiếp cận chuỗi giá trị, giúp chiếm được thị phần ngày càng tăng trong hệ sinh thái của các đối tác doanh nghiệp lớn. Đối với tệp khách hàng bán lẻ, năng lực số hóa hàng đầu cùng hệ sinh thái của các đối tác đã giúp Techcombank thu hút 2,6 triệu khách hàng mới vào năm 2023, đóng góp khoảng 6,7 ngàn tỉ đồng vào tăng trưởng CASA.
Trong năm 2023, Techcombank bắt đầu gặt hái thành công từ chiến lược đầu tư chuyển đổi số, mang lại giá trị và trải nghiệm cho khách hàng đứng đầu tại Việt Nam. Theo đánh giá của Ban lãnh đạo Ngân hàng, Techcombank đã đi trước ít nhất 3 năm so với các ngân hàng khác trong lĩnh vực chuyển đổi số, nhờ ứng dụng phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi đám mây và xây dựng các nền tảng số hàng đầu thị trường.
Việc thu thập dữ liệu vô cùng quan trọng, nhưng sức mạnh thực sự của dữ liệu nằm ở cách Techcombank sử dụng chúng để tạo ra giá trị kinh doanh. Cơ sở dữ liệu cộng với hạ tầng số vượt trội đã giúp Ngân hàng xây dựng sự hiểu biết toàn diện về khách hàng, đẩy nhanh việc ra mắt các định vị giá trị phù hợp và qua đó, cung cấp nhiều trải nghiệm cá nhân hóa hơn cho khách hàng.
Cũng trong năm thứ 3 của kế hoạch 5 năm 2011-2025, Techcombank đã có những bước tiến đáng kể trên cả 3 trụ cột Số hóa - Dữ liệu - Nhân tài. Hiện tại, Techcombank sở hữu một trong những tệp khách hàng chuộng số hóa nhất so với bất kỳ ngân hàng nào trên toàn thế giới. Khoảng 94% giao dịch của khách hàng cá nhân được thực hiện trực tuyến, và nền tảng ngân hàng số của ngân hàng nhận được hiện ghi nhận hơn 50 lượt đăng nhập cho mỗi khách hàng mỗi tháng.
Với mong muốn gia tăng sự am hiểu khách hàng, cũng như nâng cao trải nghiệm dịch vụ trên nền tảng số, Techcombank đã đầu tư mạnh mẽ để thiết lập nền tảng Adobe’s Experience Cloud, cho phép tạo ra trải nghiệm siêu cá nhân hóa, với các chiến dịch tiếp thị, cũng như nội dung và thông điệp được điều chỉnh phù hợp theo từng khách hàng.
Chia cổ tức tiền mặt tỉ lệ 15%, tăng vốn điều lệ gấp đôi
Bất chấp những thách thức kéo dài từ biến động kinh tế toàn cầu và tình hình trong nước, Techcombank đã hoàn thành hoặc vượt tất cả các chỉ tiêu theo kế hoạch đã đề ra đầu năm. Điều này thể hiện sự xoay chuyển mạnh mẽ dựa trên khả năng dự đoán kịp thời diễn biến thị trường và tính nhất quán trong các hoạt động kinh doanh của Ngân hàng.
Sau 10 năm tích lũy lợi nhuận để tái đầu tư hoạt động kinh doanh và không chia cổ tức, từ năm 2024, Techcombank sẽ triển khai kế hoạch trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Trong tờ trình Đại hội đồng cổ đông, Ngân hàng dự kiến trả cổ tức tiền mặt 1.500 đồng/ cổ phiếu, là mức cổ tức tiền mặt cao nhất trong số các ngân hàng đã công bố. Nhà băng dự kiến dành hơn 5.283 tỉ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng sau khi trích lập các quỹ tính đến hết 2023 để chia cổ tức tiền mặt. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II hoặc quý III/2024.
Đồng thời, Techcombank dự kiến tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu để tăng vốn điều lệ từ mức 35.225 tỉ đồng lên 70.450 tỉ đồng. Tỉ lệ phát hành dự kiến là 100% (cổ đông sở hữu 100 cp được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 100 cp mới).
Kế hoạch lãi kỷ lục, tăng tốc trong ba lĩnh vực ưu tiên
Trong năm thứ 4 của chiến lược 5 năm 2021-2025, Techcombank sẽ tập trung đẩy mạnh tăng tốc trong ba lĩnh vực ưu tiên: (1) Gia tăng số dư và tỷ lệ CASA; đẩy mạnh thiết lập quan hệ Ngân hàng giao dịch chính đối với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, (2) Đa dạng hóa danh mục tín dụng thông qua dịch chuyển sang phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ và (3) đa dạng hóa thu nhập từ hoạt động dịch vụ thông qua các mô hình kinh doanh được cải tiến với các sản phẩm đa dạng, phù hợp.
Để tiếp tục đà phát triển của CASA, Techcombank cho biết sẽ đẩy nhanh việc ra mắt và áp dụng các đề xuất giá trị khách hàng độc đáo và khác biệt. Ngay từ đầu năm, Techcombank sẽ triển khai trên phạm vi rộng cho tất cả khách hàng sản phẩm Sinh lời Tự động (Auto-Earning), một sản phẩm mang tính đột phá cao, cho phép khách hàng tối ưu hóa tiền mặt nhàn rỗi và nhận được lãi suất tốt hơn bằng cách đồng ý tự động chuyển số dư tài khoản vãng lai vào sản phẩm CDBL.
Ngân hàng sẽ tiếp tục mở rộng giải pháp sáng tạo T-Pay thanh toán một chạm, khả dụng tại hơn 3.600 cửa hàng WINlife trên toàn quốc cho các khách hàng trong hệ sinh thái ‘tất cả trong một’ của WINLife.
Các hộ kinh doanh cá thể (merchants) sẽ được hưởng lợi từ các đề xuất mới như giải pháp thanh toán và thu nợ dựa trên nền tảng công nghệ số, bao gồm dịch vụ thanh toán mã QR mới cho phép họ thu tiền qua ứng dụng ngân hàng di động của khách hàng. Đối với chủ doanh nghiệp, Techcombank sẽ đưa ra đề xuất giá trị khách hàng tích hợp bao gồm nhưng không giới hạn ở chương trình khách hàng thân thiết và phần thưởng hấp dẫn, giải pháp quản lý gia sản mới và độc quyền, giải pháp quản lý tiền mặt và thanh khoản riêng biệt v.v.
Phù hợp với chiến lược đa dạng hóa hơn nữa danh mục tín dụng đối với khách hàng bán lẻ và SME, Techcombank sẽ đẩy nhanh việc triển khai Smart Credit, nền tảng kỹ thuật số để khởi tạo khoản vay không có tài sản bảo đảm.
Để đa dạng hóa hơn nữa danh mục cho vay doanh nghiệp ngoài lĩnh vực bất động sản, Techcombank sẽ ra mắt các dịch vụ tích hợp mới kết hợp tài trợ chuỗi cung ứng và chiết khấu động để tối ưu hóa thanh khoản trong chuỗi giá trị tích hợp.
Chi phí vốn của Ngân hàng được kỳ vọng tiếp tục giảm và NIM sẽ cải thiện, mặc dù sự cải thiện sẽ ở mức vừa phải do tác động của sự cạnh tranh khốc liệt về lãi suất. Ngân hàng kỳ vọng Thu nhập lãi ròng (NII) sẽ trở lại tốc độ tăng hai con số vào năm 2024.
Techcombank đề ra mục tiêu năm 2024 đạt 27.100 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 18% so với kết quả 2023.
Ngân hàng đặt mục tiêu đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng đạt 616.031 tỉ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng thực tế. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1.5%.