Phát hành ấn phẩm NCĐT Xuân 2021
Độc giả quý mến,
“Thế giới mà chúng ta từng hiểu rõ và quen thuộc, nhiều khả năng sẽ trở thành ký ức lịch sử” - đó là những gì thế giới bình luận ngắn gọn về sức tàn phá của đại dịch COVID-19. Dịch bệnh như sát thủ vô hình này đang làm thay đổi trật tự thế giới theo nhiều cách và trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế, mức độ nghiêm trọng của hậu quả do virus cúm gây ra đối với nền kinh tế thế giới đã vượt xa khủng hoảng tài chính 2008, thậm chí vượt cả Đại suy thoái ở Mỹ vào những năm 1930.
Đáng mừng là khả năng đối phó với COVID-19 giúp Việt Nam vượt lên trên khó khăn so với những nền kinh tế bị dịch bệnh làm tê liệt. Bên cạnh đó là sự thích ứng nhanh nhẹn của nhiều doanh nghiệp trước khó khăn. Chúng ta chứng kiến sự gia tăng hoạt động và ứng dụng chuyển đổi số, phát triển kinh tế nền tảng và các dịch vụ phi tiếp xúc truyền thống, giảm thiểu sự gián đoạn khi “giãn cách xã hội”.
Sự “bất thường” chuyển sang trạng “bình thường mới” đã cho thấy những con người, doanh nghiệp và những mô hình “phi thường”. Họ tạo ra những mô hình kinh doanh mới vô cùng hiệu quả, không chỉ giúp họ tồn tại trong khó khăn mà còn tạo ra cơ hội để đạt được tăng trưởng vượt bậc. Qua đó, cùng tạo ra động lực để kinh tế Việt Nam vượt lên trong nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới.
Xu hướng thuận lợi giúp ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam được đưa vào danh sách các công ty doanh thu hơn 1 tỉ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kéo theo đó là số lượng tỉ phú USD của Việt Nam cũng tăng lên. Quan trọng hơn, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã hướng tới đột phá trong sản xuất công nghiệp và công nghệ với những dự án đầy tham vọng với hy vọng vươn ra thị trường quốc tế.
Trong bức tranh rộng đó, Giai phẩm xuân Tân Sửu 2021 Nhịp Cầu Đầu Tư – “Bình thường mới, Bất thường & Phi thường” xin giới thiệu những nội dung gửi gắm thông điệp bền vững - yêu thương - trách nhiệm:
• Chân dung những doanh nghiệp đã trở thành “phi thường” dù phải kinh doanh trong điều kiện “bình thường mới”. Họ đặt nền móng cho “công nghệ nhân bản” để tạo ra những dịch vụ, sản phẩm y tế thông minh, dịch vụ tài chính... phục vụ con người, đặc biệt là nhóm người tiêu dùng “yếu thế”. Họ sẽ giúp những người nghèo làm quen với ngân hàng, với các sàn giao dịch nông sản đưa hạt gạo, trái thanh long, chai nước mắm... của Việt Nam đi khắp thế giới.
• Những mô hình tăng trưởng bền vững gắn liền với trách nhiệm cộng đồng, với môi trường và quản trị con người nhân văn như thời trang bền vững, tủ lạnh cộng đồng, nông nghiệp bền vững... Qua đó, giúp chúng ta khắc phục những tác động xấu tới môi trường, thiên nhiên mà trước đây từng khiến con Rồng Việt Nam không thể bay lên được trước những gánh nặng do nhiều tổn hại về tiêu cực, lãng phí gây ra.
(*)Tổng Biên tập Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư