Phân rác thải tại nguồn: Cần nâng cao ý thức từ người dân
Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND của TP.HCM về việc phân loại rác thải tại nguồn đã chính thức có hiệu lực từ ngày 24.11 vừa qua. Theo đó, các hộ gia đình, chủ nguồn thải sẽ phải sử dụng phân loại rác theo quy định. Chẳng hạn các loại chất thải tái chế như vỏ chai, hộp nhựa, vỏ lon bia, giấy cũ, kim loại,… cần phải để túi màu khác nhau với rác thải sinh hoạt. Điều này giúp việc tái chế rác thải dễ dàng và triệt để hơn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều hộ dân chưa nắm được thông tin, cũng như chưa có ý thức phân loại rác tại nguồn vì thói quen cố hữu trước đây.
Bình quân mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng. Riêng Hà Nội và TP.HCM thải ra môi trường trung bình khoảng 80 tấn nhựa và nilon mỗi ngày.
Tính chung thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu. Loại chất dẻo này chiếm 10% tổng lượng chất thải hiện đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế và sức khỏe con người.
Thực tế đã chứng minh xử lý rác thải và bảo vệ môi trường sống đã trở thành mối quan tâm của chính quyền mà còn có cả doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng chủ động nâng cao ý thức phân loại rác tại nguồn cho người dân. Chẳng hạn như chương trình “Thắp sáng ước mơ xanh” của AEON Việt Nam. Sau thời gian phát động, Ban tổ chức đã nhận được số lượng hơn 3.000 chai nhựa PET do các em học sinh của hai trường tiểu học tại quận Bình tân và nhân viên AEON đóng góp. Số chai này được sử dụng để tạo thành cây thông Giáng sinh đặt tại Trung tâm thương mại AEON Mall Bình Tân. Trên mỗi chai nhựa có đính kèm những ước mơ được các em ghi lại.