Ảnh: TL

 
Minh Lan Thứ Năm | 23/06/2022 10:53

Ông Hoàng Anh Tuấn: Thị trường nghệ thuật Việt Nam vẫn trong giai đoạn sơ khai

Nhà sưu tập tranh Hoàng Anh Tuấn đánh giá Việt Nam vừa không có một thị trường nghệ thuật đích thực lại vừa yếu về nền tảng.

Yêu thích tranh và bắt đầu sưu tập tranh từ khi còn rất trẻ, ông Hoàng Anh Tuấn hiện có khoảng 500 bức tranh từ 100 họa sĩ tên tuổi gắn liền với nền hội họa Việt Nam cho đến các nghệ sĩ tiên phong và cả những nghệ sĩ đương đại mới nổi. 

Sau một khoảng thời gian trầm lắng, các phòng tranh, các triển lãm khắp trong Nam ngoài Bắc đang nở rộ trở lại. Là người yêu nghệ thuật, điều này với ông có ý nghĩa như thế nào?

Các triển lãm và các phòng tranh đang hoạt động rầm rộ hơn chứng tỏ số người chơi tranh đang nhiều lên. Đó là dấu hiệu tích cực, khi nhu cầu căn bản được thỏa mãn thì nhu cầu về tinh thần sẽ tăng lên. Với nền mỹ thuật Việt Nam, điều này càng có ý nghĩa quan trọng vì chúng ta vẫn đang trong giai đoạn sơ khai. 

Điều này cần thay đổi nhanh - không chỉ lợi ích với những ai liên quan trực tiếp tới nền mỹ thuật Việt như nghệ sĩ, hay người chơi tranh mà cả những đóng góp to lớn của nó tới văn hóa và kinh tế quốc gia.

Tại sao vậy? Vì một nền mỹ thuật đóng góp hiệu quả cho ký ức lưu giữ văn hóa của một dân tộc, góp phần giáo dục thẩm mỹ của công chúng và là một trong các nền tảng giá trị phổ quát nhân cách của cá nhân và dân tộc. Ở góc độ kinh tế, nó cần đạt tới độ trưởng thành. Thị trường nghệ thuật chỉ trở thành thị trường nghệ thuật đích thực khi có đóng góp lớn cho nền kinh tế.

Vậy theo ông, đâu là những yếu tố cần thiết để có một thị trường nghệ thuật vững mạnh và sôi động?

Chúng ta đang trong giai đoạn sơ khai và nhiều hệ lụy trong quá khứ như nạn tranh giả, não trạng của các thành tố tham gia như nghệ sĩ, người chơi tranh. Để giải quyết được những hệ lụy này, chúng ta cần có thời gian. 

Hệ quả là mọi thứ vẫn trong tình trạng manh mún, không minh bạch, nhưng quan trọng hơn và cho tới nay không ai nói cho bạn nền mỹ thuật Việt cần thị trường nghệ thuật trưởng thành như thế nào hay thế nào là một thị trường nghệ thuật trưởng thành, cần các thành tố gì để nó phát triển đúng hướng và bền vững?

Để giải quyết được vấn đề trên, thị trường nghệ thuật cần trưởng thành với đầy đủ các thành tố cũng trưởng thành tham gia vào không chỉ là gallery nghệ thuật, các triển lãm mà cần có các hội chợ nghệ thuật, nhà đấu giá, giải thưởng nghệ thuật. Đó chính là hạ tầng căn bản cần thiết phải có và phải được khuyến khích, thúc đẩy cho những thành tố này phát triển.

Là nhà đầu tư, ông kỳ vọng gì vào thị trường tranh trong tương lai?

Tôi kỳ vọng thị trường nghệ thuật sẽ có thị trường thứ cấp và tác phẩm nghệ thuật có giá trị với các tên tuổi định danh: cả về nghệ sĩ lẫn các định chế. Có thể điều chỉnh bằng các quy tắc hay quy luật đã được kiểm chứng trong thị trường nghệ thuật trưởng thành. Tính thanh khoản ít nhất là cũng được như một số hàng hóa đặc biệt như bất động sản.

Tôi kỳ vọng thị trường nghệ thuật đạt quy mô vừa đủ tối thiểu để tạo lực đẩy và sự cần thiết trên góc độ kinh tế - xã hội để các nhà lập chính sách tạo hành lang cho ra đời và phát triển. Tôi nhắc tới đòn bẩy, các công cụ mà thiếu nó ta mãi vẫn ở tình trạng thị trường quá độ và để có những công cụ này, chỉ góc độ chính sách về phía nhà làm luật mới làm được. 

Chúng ta nên có luật để dẫn dòng tài chính trong nước và cả bên ngoài chảy vào thị trường - nó có thể liên quan tới đầu tư của nhà nước thông qua chính sách điều tiết ở tầm vĩ mô liên quan đến thuế, đến những định chế khác như ngân hàng, quỹ đầu tư trong việc chuẩn hóa các tác phẩm nghệ thuật như là tài sản có thể thế chấp hay lưu giữ như một tài sản thanh khoản tốt.

Ông bắt đầu sưu tầm tranh từ thời điểm nào? Điều gì khiến ông hứng thú với việc này thay vì đầu tư vào một loại tài sản khác?

Có tài chính từ sớm và trẻ, một thời gian sau khi tốt nghiệp đại học khoảng đầu thập niên 1990, tôi có chút may mắn là không quan tâm nhiều đến các nhu cầu khác - đúng hơn là chỉ sống vừa vặn với mình từ bất động sản, xe cộ hay các sở thích xa xỉ khác, nên tương đối thư giãn với tài chính dành cho nghệ thuật. Rất nhiều năm tôi có đủ tài chính cho đa số tác phẩm nào nếu tôi muốn, của hầu hết các tác giả.

Điều hứng thú khi mua tác phẩm nghệ thuật là nó mở rộng mối quan tâm của mình, cho mình những trải nghiệm khác với công việc kinh doanh thường nhật. Hệ quả cùng với việc sưu tập là kiến thức, theo thời gian nó trở thành một lối sống như các thói quen và sở thích khác, ví dụ chơi thể thao hay đọc sách.

Tôi thấy sưu tập nghệ thuật một cách tự nhiên và bản năng. Có lẽ tôi là người lãng mạn hay đúng ra là lý tưởng hóa cuộc sống.

Ông có thể chia sẻ một chút về bộ sưu tập tranh của ông hiện tại? 

Xây dựng bộ sưu tập là một hành trình cá nhân và riêng biệt, có nhiều người đóng khung trong các khuynh hướng hoặc theo nghĩa là ghép vào với tiêu chí nào đó về thời gian hoặc chất liệu. Song tôi chưa bao giờ sưu tập theo cách vậy - tôi để niềm ưu thích của mình dẫn dắt. Cái khác biệt theo thời gian là tôi không còn ngẫu nhiên mà lùi ra xa để đánh giá.

Tiếp cận mở là một cách của tôi. Những tác giả đã định danh và nghệ sĩ trẻ đều được cân nhắc. Sưu tập tranh khác với mua hàng thông thường, nó có sự kết nối mạnh mẽ và trải nghiệm sâu sắc. Thật thiếu sót nếu đánh mất niềm vui của mình chỉ bởi các tiêu chí cứng nhắc.

Tôi sưu tập tranh từ những tên tuổi gắn liền với hội họa Việt Nam như Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Trần Lưu Hậu, Lê Công Thành... đến các nghệ sĩ định danh tiên phong Đặng Xuân Hòa, Đỗ Hoàng Tường, Phạm An Hải, Vũ Thạch Phước, Đỗ Minh Tâm, Trần Trọng Vũ, Nguyễn Văn Cường... cho tới các nghệ sĩ trẻ đương đại mới nổi như Lê Thừa Hải, Nguyễn Đoan Ninh, Hoàng Hải Yến, Nguyễn Nghĩa Cương, Trần Nhật Thăng.