NSƯT Thành Lộc - Trò chuyện cùng "phù thủy sân khấu"
Với cái bắt tay xã giao đầu tiên, Thành Lộc nhìn ngay chiếc đồng hồ trên tay anh và xin lỗi tôi vì đã trễ hẹn 5 phút. Một buổi sáng không tất bật hiếm hoi, bên ly Espresso, thức uống khoái khẩu của anh tại café Illy Saigon, Thành Lộc bắt đầu kể những câu chuyện đời thường, mộc mạc, chân thành và không khoảng cách. Có lẽ những câu hỏi nhạy cảm nhất về cuộc sống của anh, người đàn ông thông minh đã gần bước qua tuổi 50, giờ đây không còn quá khó để bộc bạch.
GIỌT NƯỚC MẮT CỦA GÃ PHÙ THỦY
Ý nghĩa của tình yêu đôi lứa đối với một người nổi tiếng, mệnh danh là “gã phù thủy cô đơn” như anh thế nào nhỉ?
Tôi từng trải nghiệm những cuộc tình chóng vánh, những cuộc tình ngộ nhận, những cuộc tình đơn phương. Nhưng dù thế nào đi nữa, tôi mừng vì trái tim mình còn rung động. Trước đây, có một ca khúc của ca sĩ Mỹ Tâm trình bày bị nhiều người “lên án”. Đại loại như “tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc”. Tôi nghĩ những người lên án có thể chưa sâu sắc lắm. Đối với tôi, nó ngược lại. Tôi đã sống hơn nửa đời người theo cách như thế. Tình yêu là chất xúc tác cho cuộc sống thêm thi vị, nhưng tôi cũng từng sống không tình yêu trong suốt nửa đời người rồi.
Vậy anh hài lòng với biệt danh “gã phù thủy cô đơn”?
Không! Tôi yêu nhiều lắm, thậm chí yêu nhiều người cùng một lúc. Nhưng trớ trêu thay, người mà tôi yêu nhất, rung động nhất cho đến bây giờ vẫn không đáp trả tôi. Tôi đã là người “tai tiếng” nên sợ yêu người “tai tiếng” lắm rồi! (cười). Người tôi yêu không hoạt động cùng lĩnh vực. Còn những người chủ động đến với tôi vì sự nổi tiếng của tôi, có lẽ thôi, làm tôi “ngờ vực” họ. Không biết họ đến với mình vì điều gì, bạn nhỉ?!
Anh hành xử như thế nào khi bị người mình yêu “cự tuyệt”?
Tôi từng thất bại trong tình yêu, và cũng chẳng nhớ rõ mình đã bao nhiêu lần thất bại. Nhưng lần thất bại đau đớn nhất là khi tôi, một người ngập tràn tình yêu ở tuổi ba mươi mấy, lại nhận được một bức thư đề nghị chia tay. Tôi về phòng, đóng cửa lại và khóc ròng như một đứa trẻ làm vỡ món đồ chơi yêu quý. Tâm trạng nặng nề ấy đã đeo dai dẳng tôi trong suốt nhiều tháng liền. Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy đau đớn như vậy nhưng chẳng biết có phải lần cuối cùng không nữa?!
Trong mọi câu chuyện đổ vỡ, anh luôn lấy nước mắt là thứ trị liệu cho tâm hồn?
Tôi là người khóc nhiều mỗi khi rung động, đặc biệt khi xem phim. Tôi yêu những giọt nước mắt của chính mình rơi trong rạp hát, bởi nó chứng tỏ trái tim tôi còn nóng. Bộ phim làm tôi khóc rất nhiều là Click. Nó kể về người đàn ông có khả năng làm ngừng lại không gian và thời gian để anh ta được thỏa lòng xáo trộn mọi thứ. Nhưng một lần, người đàn ông này làm ngưng đọng một phần quá khứ trong cuộc sống của anh ta và nhận ra người cha quá cố từng nói “Cha yêu con” trong một lần cãi vã kịch liệt với anh. Nhìn lại quá khứ, người đàn ông ấy đã khóc rất nhiều. Nó làm tôi nhớ đến cha mình. Tôi và ông từng có những cuộc đôi co như vậy khi cha tôi còn sống. Cha tôi và tôi là những người thành danh ở những thời kỳ xã hội khác nhau nên có lẽ sự xung đột là chuyện không thể tránh khỏi.
Hình mẫu người anh yêu như thế nào?
Chẳng có hình mẫu gì cả. Tôi cho điều này thật là tức cười. Vì yêu là yêu, là cảm xúc. Tôi từng yêu đắm đuối một người mà sau 10 năm chia tay, khi gặp lại, tôi lại thấy người này chẳng đáng để mình yêu, đẹp cũng chẳng đẹp, tính tình cũng chẳng hợp nhau gì cả! Nhưng tôi là người yêu nồng nhiệt và luôn đặt mối quan hệ của mình trong một thế giới riêng. Với những cuộc đổ vỡ, tôi giận chính tôi nhiều hơn, vì tôi đã không làm vừa lòng người mình yêu.
Anh từng trả lời trong một bài phỏng vấn rằng mình sẽ không lấy vợ. Bây giờ thì anh có rút lại lời phát ngôn này?
Ít ra đến thời điểm này, tôi nghĩ là tôi sẽ không bao giờ cưới vợ. Sau này thì không biết có xảy ra chuyện gì không! (cười)
Thành Lộc được biết đến là gã phù thủy trên sân khấu với nhiều sự biến hóa nhân vật đến kỳ lạ. Vậy anh tự thấy nhân vật nào giống tính cách của mình nhất?
Cho đến bây giờ, vai diễn mà tôi yêu thích nhất là anh chàng Ignacio trong một tác phẩm kịch nghệ của Tây Ban Nha. Vai này tôi đã diễn không ít lần ở sân khấu 5B cách đây nhiều năm. Chuyện kể về một trường mù, nơi nuôi dưỡng và giáo huấn những người khiếm thị bẩm sinh. Những người sáng mắt vào trường này có thể sẽ vấp té vì trường chẳng có điện, nên hóa ra, người sáng thành mù, và người mù chẳng vấp phải thứ gì. Cộng đồng người khiếm thị này không ý thức được bên cạnh thế giới của họ còn có một thế giới rộng hơn: thế giới của những con người sáng mắt. Nhưng Ignacio đã ý thức được có một thế giới sáng hơn, rộng hơn và anh đã gieo sự nhận thức này vào những con người khiếm thị. Trong khi đó, vợ của ngài hiệu trưởng, một người đàn bà sáng mắt ngoại tình với sinh viên trong trường, đã bị Ignacio phát hiện. Luồng tư tưởng của Ignacio đã xâm phạm vào một chân lý bất biến của ngôi trường không ánh sáng này và kết quả là anh ta bị thủ tiêu. Tôi thấy mình giống Ignacio ở “tư tưởng nổi loạn”.
Anh nổi loạn và “lên đồng” trên sân khấu thì ai cũng nhận thấy, còn ngoài đời thực, một người đang trên đỉnh cao của sự nổi tiếng có nổi loạn khi gặp phải những tin đồn, những thế lực ưa chuộng sự thêu dệt?
Tôi từng hình dung ra rất nhiều cách phản ứng những kẻ thêu dệt những tin đồn về mình. Đôi khi tôi nghĩ mình sẽ đến gặp người ấy, ném cho họ một câu mắng mỏ hoặc cho họ một cái tát vào mặt. Nhưng nói vậy chứ tôi đã làm điều ấy với ai đâu. Ngay cả khi tôi tưởng tượng sẽ mắng hoặc tát ai đó thì có khác chăng chính tôi cũng đang thêu dệt những kịch bản phản kháng cho chính bản thân mình. Và rồi suy cho cùng, sự thành công của mình có thể là sự khó chịu của người khác. Khi tôi còn trẻ, bất cứ sự thêu dệt nào cũng đều làm tôi nóng giận. Nhưng càng lớn tuổi, tôi càng không quan tâm đến những chuyện đó. Người nào nói xấu tôi, chẳng sao cả, vì công việc, sự nghiệp của mình tốt quá nên dễ chọc cho người ta ghét! (cười)
Với những tin đồn rất thời thượng, chọc sâu vào chuyện giới tính của giới nghệ sĩ, không ngoại trừ anh. Anh nghĩ thế nào?
Trời đất, chuyện nhỏ! Nặng nhất là chuyện người ta còn thêu dệt những điều kinh khủng có thể khiến tôi vào tù nữa đó chứ! Tôi từng bị người ta gắn cho cái mác “kẻ cầm đầu một đạo quân phiến loạn” và có khoảng thời gian dài chỉ được hoạt động nghệ thuật trong khu vực nội thành. Thời điểm đó hình như là những năm của thập niên 80. Cho nên, những lời đồn đại lúc này về giới tính, hoặc chuyện tôi “trừng phạt” nhân viên, đồng nghiệp mà tôi không thích, chẳng nghĩa lý gì đối với tôi cả!
Riêng về chuyện giới tính, ai đồn thì cứ đồn. Nếu tôi là người đồng tính thực sự, cũng chẳng ảnh hưởng gì đến người khác. Nếu tôi là người đồng tính mà còn lương thiện, tài ba nữa thì tôi rất hãnh diện về sự đồng tính của tôi, chẳng phải mặc cảm gì cả. Vì có ai muốn mình như vậy đâu, vì trời sinh ra như thế mà!
Một nhóm người cho rằng anh thân thiện. Nhóm khác cho rằng anh khó gần, đanh đá. Anh thấy nhóm nào đúng?
Hãy khoan xác định tôi gần với nhóm nào thì cả 2 điều bạn nói đều đúng vào tôi hết!
Trên sân khấu, anh nhập vào nhiều con người, nhiều số phận, nhiều giai tầng, nhiều tính cách. Vậy một Thành Lộc ngoài đời thực như thế nào?
Tôi, bạn bè tôi đều nhìn thấy chính tôi là người đa nhân cách. Tôi có thể kết bạn với tầng lớp tiểu thị dân mà hơi chút mở miệng là phát ngôn tục tằn và khi chơi với họ, tôi cũng thế. Cũng có những người bạn là “loại” anh chị hơi “dao búa” một chút. Và cũng không thiếu những người bạn trí thức, học cao hiểu rộng. Ở phạm vi nghề nghiệp, nó giúp tôi khám phá những mẫu người khác nhau trong cuộc đời để có thể hóa thân. À, tôi cũng có một sự đặc biệt là sẵn sàng kết bạn với những người ghét hoặc cực kỳ thù hằn tôi nữa.
TRÁI TIM NHẢY MÚA
Trên sân khấu, ngoài bi và chính kịch, Thành Lộc dường như vào các vai diễn “giả nữ” đến như thật. Anh có bao nhiêu phần trăm cảm xúc của một người phụ nữ với bạn diễn là nam giới trên sân khấu?
Hãy nhớ là mỗi nghệ sĩ đều phải tuân thủ “kỹ thuật biểu diễn”. Và diễn kịch, đấy là diễn! Tôi phải yêu người đàn ông của tôi trên sân khấu chứ. Nhưng Thành Lộc có đủ bản lĩnh và cái tôi để kiểm soát bản thân mình, để mọi thứ không đi quá giới hạn. Nếu đưa lên bàn cân thì kỹ thuật trình diễn là 50%, và cảm xúc thực là 50%.
Vậy khi Thành Lộc vào vai nam và diễn xuất với bạn diễn là nữ?
Thì cũng như thế!
Một số diễn viên kịch cũng theo trào lưu “giả nữ” trên sân khấu, anh nhận thấy họ như thế nào?
Tôi chỉ có dịp xem một danh hài “giả nữ” nhưng tôi xin phép không nêu ra bất kỳ một nhận định nào.
Nếu ai đó nói rằng họ không thích anh “giả nữ” trên sân khấu?
Tôi không thể nào làm hài lòng mọi người được. Tôi chỉ tin vào công việc của mình. Có thể họ chưa cảm nhận được điều tôi làm!
Nếu là kịch đồng tính, anh nghĩ mình sẽ đóng đạt bao nhiêu phần trăm?
Tôi từng tham gia vở kịch “Tiếng Chim Trong Vườn Ngọc Lan” lấy bối cảnh Trung Hoa. Đây là vở kịch rất được khen ngợi vì đề cập đến chủ đề người đồng tính một cách nghiêm túc và không công kích. Vở kịch mô tả không gian của một gia đình quý tộc danh giá với câu chuyện anh chàng đồng tính kín đáo cưới vợ, phản ánh một cuộc sống khó khăn và tâm lý phức tạp của người đàn ông này khi phải để người vợ của mình ngoại tình. Kết thúc câu chuyện là một bi kịch với cái chết của người vợ trẻ.
Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, những vở diễn nào làm anh tâm đắc và cho rằng nó đã giúp anh nổi tiếng cho đến bây giờ?
Lần đầu tiên tôi xuất hiện với vai trung sĩ Pierre Vorodin trong vở kịch “Đêm Họa Mi”, một tác phẩm kịch Nga, được dựng vào năm 1982. Đây là dấu ấn đầu tiên của tôi với khán giả. Không chỉ thế, thời kỳ này đánh dấu sự thể hiện mới của một lực lượng diễn viên kế thừa, trẻ với phong cách diễn rất khác với kiểu của đoàn kịch Kim Cương lúc bấy giờ. Phong cách kịch Kim Cương có tính chất bi kịch, lấy nước mắt người xem hơi nhiều. Còn chúng tôi, những diễn viên trẻ khi ấy, thì theo đường lối diễn học thuật và dung hòa hơn. Và vở thứ 2 mang tên “Những khoảng cách còn lại” của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, được công chiếu ngoài cả Trung ương. Chính 2 vở này đã làm nên thành công trong sự nghiệp của tôi.
Trong mỗi vở diễn của anh, người ta dễ cảm nhận anh đang tôn mình lên và đẩy những bạn diễn đứng chung, trong đó có cả những diễn viên trẻ ra thành phông nền?
Hãy lấy ví dụ ở sân khấu thiếu nhi. Bạn thấy ở chuỗi nhạc kịch “Ngày Xửa Ngày Xưa”, tôi đóng vai phụ không, mà vai phụ nổi lên thì hãy xem lại diễn viên đóng vai chính có đủ bản lĩnh không. Thế hệ của chúng tôi mà còn tỏa sáng lúc này thì tôn vinh chúng tôi mới đúng chứ. Vì là vàng thật. Thời xưa, khi tôi ra trường thì nhiều cái bóng sừng sững đã ôm trọn sân khấu như Nguyễn Chánh Tín, Bảo Anh, Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, nhưng tôi vẫn buộc phải nỗ lực để tìm cho mình con đường riêng.
Thần tượng của anh là ai?
Đó là Nghệ sĩ Nhân dân Đào Mộng Long, một diễn viên, nhà đạo diễn, soạn giả sân khấu cải lương và kịch nói tài ba.
Trong cuộc đời làm nghệ thuật, anh nghĩ mình xứng tầm để diễn với ai?
Đến lúc này, tôi vẫn nghĩ mình hạnh phúc khi được diễn chung với những nghệ sĩ thời trước như chị Minh Trang, Lê Khanh (miền Bắc), Hồng Đào, Hồng Vân, Quốc Thảo, Kim Xuân, Thành Hội, Việt Anh (miền Nam).
Hơn 500 vở kịch anh từng tham gia. Nhưng một vở kịch cũng phải sáng đèn nhiều lần mới tắt. Diễn đi diễn lại một vở kịch có lúc nào làm anh cảm thấy chán?
“Bóng Ma Trong Hí Viện” (The Phantom Of The Opera) là một vở nhạc kịch nổi tiếng thế giới được diễn đến những 20 năm. Tôi từng ra nước ngoài xem họ diễn và từng hỏi rằng họ có chán hay không khi phải diễn đi diễn lại trong ngần ấy năm. Chán thì có chán nhưng tình yêu nghệ thuật giúp họ vượt lên mọi thứ. Tôi cũng chán chứ! Với mỗi vở diễn được lặp lại qua từng đêm, tôi luôn phải cố gắng để thổi một ít hơi thở mới vào, để nó càng lúc càng sáng hơn, đẹp hơn. Sân khấu tuyệt vời lắm! 15 phút trước mỗi buổi diễn, tôi là Thành Lộc. Nhưng khi ngự trị trên sâu khấu, tôi cảm thấy mình như một kẻ “lên đồng”.
Cứ cho rằng một Thành Lộc đã lên đến đỉnh của sân khấu trong nước, tại sao anh không tiếp tục chinh phục ngoại quốc như những bạn đồng nghiệp của anh đang làm?
Tôi từng “mang chuông đi đánh xứ người” vào thời kỳ vàng son của sân khấu giai đoạn 1994-2000. Nói thô thiển là ra nước ngoài diễn để kiếm tiền, nhưng dù là mục đích gì đi nữa thì một người nhạy cảm như tôi không tìm thấy được sự vinh quang, nếu không muốn nói là quá chua chát. Cho nên từ năm 2000 đến nay, tôi chỉ nhận lời tham gia các tour diễn trao đổi văn hóa và có tính chất học thuật do những tổ chức phi chính phủ tổ chức.
Nghệ thuật thường được gán cho cái từ “bạc bẽo” và những người nghệ sĩ một thời vang bóng đã cảm nhận đủ đầy điều ấy. Anh đã bước vào tuổi 50, chặng đường đến với điều này có lẽ không còn xa?
Cuộc chơi nào rồi cũng có lúc tàn. Nếu về già không còn hoạt động nghệ thuật thì chút tiền để trong ngân hàng cũng đủ để nuôi sống mình (cười vang). Tôi chẳng quan tâm đến sự hào nhoáng của danh vọng. Nếu hôm nay khi ra đường, mọi người tay bắt mặt mừng xin chữ ký thì vui. Và ngày mai, nếu trở thành người phục vụ quán cà phê thì tôi cũng chẳng buồn bã gì. Tất cả đều là những công việc lương thiện dành cho con người. Tôi có đi xin của ai đâu!
Nếu không là sự bạc bẽo của nghệ thuật, anh sợ nhất hoặc lo lắng nhất điều gì trong cuộc sống này?
Tôi từng trọng thương khi rơi từ khoảng cách 3 m trên cao lúc đang diễn, tôi bị dập 3 đốt xương sống và điều đó có thể làm tôi bị liệt. Tôi trộm nghĩ mình sẽ phải sống như thế nào đây, và ai sẽ nuôi mẹ tôi đây?! Những điều tồi tệ nhất đối với tôi dường như đã qua.
Anh cảm thấy tài năng của mình đang được thể hiện bao nhiêu phần trăm trên sân khấu?
Chúng ta thích ve vuốt, tôn vinh nhau nhiều quá! Tôi thì tự nhận mình như chàng Hai Lúa lên thành phố. Ở nước ngoài, muốn làm đến 10 là làm được, thành công hay thất bại tính sau. Còn bên ta, muốn 10 chỉ làm được 5!
Xin cảm ơn anh!
Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc tên thật là Nguyễn Thành Lộc (sinh ngày 3.11.1961). Anh là diễn viên hàng đầu Việt Nam khi có thể đảm nhận và diễn rất xuất sắc cả chính kịch và hài kịch, từ vai chính cho đến vai phụ. Sự xuất hiện của anh trên sân khấu không chỉ thu hút khán giả người lớn mà còn cả khán giả trẻ con và cho dù anh ở bất cứ vị trí nào trong vở diễn thì anh vẫn là ngọn lửa mang đầy nhiệt huyết và niềm đam mê hừng hực cháy. Các vai diễn để đời của anh là người lính Vorodin trong vở “Đêm Họa Mi”, Chu Xung trong vở kịch kinh điển “Lôi Vũ”, Ba Thư trong “Đối Mặt” và vai ông Tư trong vở “Dạ Cổ Hoài Lang”… Với những đóng góp to lớn của anh cho nền nghệ thuật nước nhà, năm 2001 Thành Lộc đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Nhưng anh luôn được biết đến bằng một danh xưng rất ấn tượng do giới báo chí và bạn đồng nghiệp thân tặng: “Phù thủy của những vai diễn”. Ngoài thành công trong lĩnh vực sân khấu kịch, Thành Lộc còn đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau như người dẫn chương trình, diễn viên điện ảnh, diễn viên hài, đạo diễn sân khấu, và là Phó Giám đốc Sân khấu Kịch Idecaf. |