Những trọng tâm mà AstraZeneca tập trung thúc đẩy
Tại lễ công bố Top 50 Giải thưởng Doanh nghiệp Phát triển bền vững (CSA) do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu tư tổ chức, AstraZeneca Việt Nam được vinh danh là Doanh nghiệp phát triển bền vững trong khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Năm nay, AstraZeneca Việt Nam kỷ niệm 30 năm thành lập. Với cam kết của mình, trong ba thập niên qua, AstraZeneca đã hợp tác với Bộ Y tế và các đối tác trong ngành để thực hiện nhiều chương trình có sức ảnh hưởng, nhằm thúc đẩy nhận thức, phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh tật đến cho hơn 900.000, trong đó chỉ riêng năm 2023 và nửa đầu năm 2024 là gần 470.000 người.
Điển hình là các chương trình “Vì lá phổi khỏe” nhằm nâng cao chất lượng quản lý ngoại trú cho bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và ung thư phổi; chương trình “Sức khỏe Thanh thiếu niên” nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các hành vi nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm ở thanh thiếu niên; chương trình “CaReMe-Yêu lấy mình” để nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân trong nhóm Tim mạch – Thận – Chuyển hóa; chiến dịch “Thương phổi” nhằm nâng cao nhận thức sàng lọc phát hiện sớm ung thư phổi; và chương trình “Hợp tác vì Tính bền vững và khả năng chống chịu của Hệ thống Y tế” (PHSSR) nhằm góp phần củng cố hệ thống y tế Việt Nam để có thể ngăn ngừa và ứng phó với các rủi ro trong tương lai.
Gần đây nhất, vào cuối năm 2023, chương trình "Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Y tế" hợp tác với Hội Thầy thuốc Trẻ Việt Nam (VYPA) đã được ra mắt nhằm đẩy nhanh ứng dụng khoa học và công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào chẩn đoán sớm và sàng lọc các bệnh không lây nhiễm phổ biến trong cộng đồng. Trong năm đầu tiên triển khai, “Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Y tế” đã được triển khai tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thừa Thiên Huế với hơn 60 bệnh viện tham gia và sàng lọc các bệnh về phổi, trong đó có ung thư phổi, cho hơn 100.000 người. Đến năm 2024, chương trình dự kiến sẽ khám sàng lọc miễn phí và chẩn đoán sớm trực tiếp cho hơn 100.000 người với các hoạt động tập trung vào 2 lĩnh vực sức khỏe phổi và sức khỏe tim mạch-thận-chuyển hóa. Đồng thời thực hiện khám sàng lọc và tư vấn trực tuyến dựa trên nền tảng ứng dụng AI về các bệnh không lây nhiễm cho khoảng 1 triệu người dân.
Ngoài ra, nỗ lực bảo vệ môi trường sống, giảm các tác động lên khí hậu chính cũng là một trong những trọng tâm mà AstraZeneca tập trung thúc đẩy trong nhiều năm nay. Nhận thức được mối liên kết giữa sức khỏe của con người và trái đất, AstraZeneca đã cam kết đầu tư 50 triệu USD để phục hồi rừng và cảnh quan tại Việt Nam, góp phần hiện thực hóa cam kết đưa phát thải ròng về bằng 0 (Net Zero) của Việt Nam vào năm 2050.