Nhà thiết kế Nguyễn Công Trí: Bay bổng giữa đời thực
(Bài viết được thực hiện năm 2017)
Năm 2016 khép lại khá nhiều thành công với Nguyễn Công Trí mở đầu bằng cơn sốt của bộ sưu tập “Lúa” với chất liệu Lãnh Mỹ A độc đáo ở sự kiện Tokyo Fashion Week hồi tháng 3.
Sự thành công này đã đưa “Lúa” được chọn làm màn biểu diễn khai mạc sự kiện Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam diễn ra một tháng sau đó. Nối tiếp thành công của các bộ sưu tập trước, “Lúa” sử dụng những nguyên liệu hiếm và chỉ có ở Việt Nam. Lần này là Lãnh Mỹ A một loại lụa sản xuất bằng thủ công, cả Việt Nam chỉ còn một xưởng sản xuất duy nhất ở Tân Châu, An Giang. Trước đó, bộ sưu tập “Hanoia design by Công Trí” trình diễn 1 đêm duy nhất tại Hà Nội cuối năm ngoái đã gợi mở một cách nhìn khác về Lãnh Mỹ A, một chất liệu tưởng chừng bị lãng quên. Phải thừa nhận Lãnh Mỹ A là một ca khó, nếu không phải là người cầu kỳ về mặt ý tưởng, sản phẩm, các nhà thiết kế sẽ bỏ qua loại vải này để lựa chọn những nguyên liệu dễ làm hơn, ít rủi ro hơn. Ngay cả với Công Trí, nhà thiết kế luôn tìm kiếm các nguyên liệu truyền thống để tạo điểm nhấn cho các bộ sưu tập. Anh khéo léo tận dụng hiệu ứng mặt bóng để tiếp nhận nhiều luồng ánh sáng khác nhau, tạo sự chuyển động theo bước đi của người mặc...
Từ những bộ sưu tập cầu kỳ quyến rũ như vậy, giới hâm mộ thời trang thế giới biết đến thời trang của Việt Nam nhiều hơn. Nhưng Nguyễn Công Trí cho rằng “đã từng có các đàn anh, đàn chị đi trước, đưa hình ảnh, con người Việt Nam đến với thế giới thông qua con đường nghệ thuật trong suốt một thời gian dài. Những nhà thiết kế trẻ được cộng hưởng thành quả vun trồng của các thế hệ đi trước”.
Trong 16 năm qua, ngoài 9 bộ sưu tập mang phong cách của mình, nhà thiết kế này đã có nhiều giải thưởng ấn tượng như giải ý tưởng trong cuộc thi Collection Grand Prix, giải “Bay FM” trong cuộc thi Asia Collection Makuhari tại Nhật (2000), giải nhì cuộc thi Singapore Fashion Connection bộ sưu tập Sự thăng hoa của Đất và Nước (2001), được website Not Just A Label chọn với tư cách 1 trong 100 nhà thiết kế trang phục đương đại ở triển lãm Origin: Passion & Belief (2014).
Nguyễn Công Trí cũng là nhà thiết kế sở chuỗi cửa hàng mang thương hiệu riêng và khá thành công trong phân khúc nữ giới là KIN by Nguyễn Công Trí và KINConcept. Trong đó KIN by Nguyễn Công Trí chuyên phục vụ các khách hàng trong độ tuổi từ 30-50 tuổi, với dải sản phẩm từ 10 triệu đồng trở lên. KINconcept hướng đến các khách hàng trẻ hơn, từ 18-30 tuổi cùng dải sản phẩm từ 3-5 triệu đồng. Những ai đã từng kinh doanh thời trang ở Việt Nam, mới biết hết những thách thức trong ngành này. Nếu làm sản phẩm phổ thông khó 1, thì cao cấp phải khó đến 10. Trong ngành thời trang thế giới, Việt Nam cho đến bây giờ vẫn đảm nhiệm khâu gia công, công đoạn có giá trị gia tăng thấp nhất trong ngành công nghiệp thời trang.
Để thiết kế ra một sản phẩm cao cấp, đòi hỏi phải kiểm soát được từ khâu thiết kế cho đến thành phẩm. Đơn hàng nhỏ, không thường xuyên nhưng độ phức tạp lại cao nên buộc các nhà thiết kế như Nguyễn Công Trí phải xây dựng từ khâu đào tạo nhân sự, nhà xưởng bên cạnh việc thiết kế nên giá thành không thể thấp.
Đối với các nhãn hàng thời trang thế giới, giá trị chất xám chiếm đến 80% trong cơ cấu giá sản phẩm. Còn ở Việt Nam, chất xám chưa được xem trọng nên ảnh hưởng đến nhiều ngành đòi hỏi sự sáng tạo và sở hữu trí tuệ. “Nhân sự thiếu, không có ngành công nghiệp phụ trợ, thị trường lại nhỏ. Có lẽ vì thế mà gần một thập niên qua, có rất ít nhà đầu tư dòm ngó ngành công nghiệp thời trang cao cấp ở Việt Nam”, Nguyễn Công Trí cười nói.
Nguyễn Công Trí hay cười trong quá trình thuật lại câu chuyện kinh doanh và cái duyên đến với nghệ thuật của mình. Anh sinh ra ở Đà Nẵng, lên TP.HCM đeo đuổi nghề thiết kế từ năm 1996. Những khó khăn và cách biệt về ý tưởng, tay nghề được bù đắp bằng nỗ lực học hỏi, làm việc không ngừng nghỉ. Nguyễn Công Trí bắt đầu làm việc từ 9 giờ sáng và kết thúc lúc 12 giờ đêm, thói quen này tồn tại chắc cũng ngót 10 năm nay.
“Những gì thuộc về đất nước, con người Việt Nam luôn gợi cho tôi nhiều cảm xúc sáng tạo”. |
Tự nhận mình không giỏi trong kinh doanh, anh làm theo cách cuốn chiếu, sức tới đâu mở rộng tới đó. Và đến cả việc giải trí cũng phải cuốn chiếu theo vì không đủ thời gian cho tất cả. Anh lên lịch một tuần phải có thời gian đi tập, xem phim, nghe nhạc, nấu ăn, tiệc tùng với bạn bè. Việc tìm ý tưởng sáng tác cũng vậy, anh thu thập ý tưởng từng ngày, từng sự kiện nhỏ trong cuộc sống. Ngay cả cách thể hiện ý tưởng ra bên ngoài cũng cuốn chiếu. Còn nhớ từ bộ sưu tập 1 đến số 5, có bao nhiêu ý tưởng độc đáo anh đều thể hiện hết, nhưng đó là một sai lầm, vì trong bàn ăn món nào cũng ngon thì đâu là món chính? Từ bộ số 6 trở đi, anh điều tiết lại, chấp nhận có bộ sưu tập làm nền cho bộ sưu tập khác.
Hay khi Zara đổ bộ vào Việt Nam, Nguyễn Công Trí cho biết sẽ có một chút thay đổi với KIN concept, sản phẩm trong thời gian tới sẽ tập trung vào nhóm khách hàng trung thành là giới văn phòng, với mức giá cạnh tranh hơn. Dù nỗ lực hỗ trợ, đào tạo lớp đàn em kế thừa đầy tiềm năng cho ngành thời trang Việt Nam như Lê Thanh Hòa, Huy Trần, Lý Giám Tiền, Hà Nhật Tiến... nhưng đôi lúc anh lại bế tắc trong việc tìm những người quản lý cùng chung chí hướng. “Nhiều người được thuê hỏi tôi rằng thương hiệu Nguyễn Công Trí đã có 10 năm tồn tại, sao vẫn nhận mình là một công ty khởi nghiệp, phải không ngừng sáng tạo. Họ không hiểu rằng ngành nay thay đổi rất nhanh, và bạn có thể mất tất cả trong thời gian ngắn”, Nguyễn Công Trí tâm sự.
Vui nhiều, buồn cũng không ít nhưng không bao giờ làm nản lòng Nguyễn Công Trí. Anh vẫn tiếp tục với giấc mơ đưa thời trang Việt nói chung và thương hiệu Nguyễn Công Trí nói riêng đến gần quốc tế. Chẳng hạn, với bộ sưu tập Lãnh Mỹ A, Công Trí muốn kể một câu chuyện về thứ lụa hảo hạng, quý phái của Việt Nam bằng đôi mắt đầy âu yếm của anh. Đó là một thế giới yên tĩnh và an lành, là cơ duyên khi con người được đoàn tụ với thiên nhiên, đoàn tụ với vẻ đẹp vĩnh cửu vốn nằm trong quá khứ. “Thông điệp của tôi trong bộ sưu tập lần này đơn giản là những gì thuộc về đất nước, con người Việt Nam luôn gợi cho tôi nhiều cảm xúc sáng tạo”, nhà thiết kế tâm sự.
Một trong những kế hoạch của Nguyễn Công Trí trong năm sau là thâm nhập thị trường Dubai. Theo tính toán của anh, lợi nhuận ròng trên mỗi sản phẩm bán ở đây có thể lên đến 50% với cơ hội thắng lên tới 100%. Theo anh, nhiều người bảo rằng ngành thời trang cao cấp của Việt Nam không có thị trường nên kém hấp dẫn là đúng, nhưng nếu nhìn ở góc độ đây là nơi sản xuất rồi đem đi kinh doanh ở các nước phát triển thì lại rất khác. “Thời trang cao cấp Việt Nam có thể ví như hạt giống, có thể vun trồng ở vùng đất khô cằn, chi phí ít nhưng cho ra trái chất lượng như hạt giống trồng ở những vùng đất tốt, chi phí nuôi trồng cao”, Nguyễn Công Trí nói. Trong ánh sáng rực rỡ, nhiều màu sắc của sàn catwalk, Nguyễn Công Trí là nhà thiết kế có tên tuổi. Khi trở về đời thực, anh là một người điều hành một doanh nghiệp, nhưng Trí muốn được nhớ đến như một người lao động cần mẫn, chuyên nghiệp và yêu nghề.
Cũng vì thế nên Nguyễn Công Trí dành riêng thương hiệu Nguyễn Công Trí cho các bộ sưu tập của mình. Đây là nơi trình diễn những ý tưởng, những sáng tạo của anh trong ngành thời trang. Năm 2017, Nguyễn Công Trí sẽ cho ra mắt bộ sưu tập thứ 10, thông điệp truyền tải lần này là đem lại niềm vui trong cuộc sống hiện đại ngày nay bởi theo quan điểm của anh, suy cho cùng nghệ sĩ là những người mua vui cho đời.