Ngân hàng UOB Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với Citigroup Việt Nam để đảm bảo một quá trình chuyển giao diễn ra liền mạch cho khách hàng.

 
Hoàng Kim Thứ Tư | 01/03/2023 21:04

Ngân hàng UOB mua lại mảng Ngân hàng Tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam

Ngân hàng UOB Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với Citigroup Việt Nam để đảm bảo một quá trình chuyển giao diễn ra liền mạch cho khách hàng.

Ngày 1/3, Ngân hàng UOB thông báo việc hoàn tất thu mua mảng Ngân hàng Tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam, bao gồm việc nhận chuyển giao khoảng 575 nhân viên thuộc Citigroup sang Ngân hàng UOB Việt Nam. Mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup bao gồm các danh mục cho vay tín chấp và có bảo đảm, các mảng kinh doanh quản lý tài sản và ngân hàng bán lẻ tiền gửi.

Thông báo này là sự tiếp nối của việc hoàn tất thu mua tại thị trường Thái Lan và Malaysia vào tháng 11 năm 2022. Indonesia dự kiến sẽ hoàn tất việc mua lại vào cuối năm 2023. Việc mua lại mảng Ngân hàng Tiêu dùng của Citigroup tại bốn thị trường sẽ tiếp tục củng cố và mở rộng mạng lưới của UOB tại khu vực ASEAN. Sau khi hoàn tất, việc sáp nhập dự kiến sẽ tăng gấp đôi cơ sở khách hàng bán lẻ hiện có của UOB tại bốn thị trường và bổ sung thêm 5.000 nhân sự vào đội ngũ nhân lực của Ngân hàng.

Ngân hàng UOB Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với Citigroup Việt Nam để đảm bảo một quá trình chuyển giao diễn ra liền mạch cho khách hàng, dự kiến sẽ mất từ 12 đến 18 tháng khi Ngân hàng tiến tới việc tích hợp hoàn toàn về hệ thống. Trong giai đoạn chuyển giao này, các sản phẩm, dịch vụ cũng như lợi ích cho các khách hàng Tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam vẫn được đảm bảo. Bên cạnh đó, các khách hàng cũng có thể đón chờ một loạt các giải pháp và ưu đãi từ việc mở rộng hoạt động kinh doanh của UOB. Các khách hàng hiện tại của Ngân hàng UOB Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ bộ sản phẩm tín chấp được mở rộng, bao gồm thẻ tín dụng và khoản vay cá nhân không thế chấp, bổ sung vào các giải pháp cho vay hiện tại của UOB.

Ảnh minh họa
Đối với mảng ngân hàng bán lẻ, mục tiêu của UOB được chuyển hóa cụ thể thành một chiến lược chú trọng vào tính ‘Cá nhân hóa’

Ông Victor Ngo, Tổng Giám đốc, Ngân hàng UOB Việt Nam, cho biết “Việc mua lại mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam diễn ra vào đúng thời điểm và góp phần củng cố chiến lược cũng như cam kết dài hạn của chúng tôi tại thị trường Việt Nam. Tiềm năng của Việt Nam là rất lớn vì đây là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng và chuyển đổi cao, cùng với việc áp dụng kỹ thuật số nhanh chóng. Hoàn tất việc mua lại sẽ mang đến cho chúng tôi cơ hội tuyệt vời để củng cố vị thế của mình trên thị trường và mở rộng quy mô mảng ngân hàng bán lẻ của chúng tôi sang một chương phát triển mới, cùng với danh mục sản phẩm, mạng lưới chi nhánh, và hệ sinh thái đối tác mở rộng.”

Với vị thế là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khối ASEAN, Việt Nam là một thị trường chiến lược của UOB, đặc biệt khi Ngân hàng tiếp tục tăng cường sự tập trung và đầu tư vào khu vực. Chiến lược phát triển tại khu vực ASEAN của Ngân hàng UOB được thể hiện mạnh mẽ thông qua chiến dịch làm mới thương hiệu vào tháng 9 năm 2022. Trong khuôn khổ ra mắt chiến dịch, Ngân hàng đã nêu rõ mục tiêu của mình là 'Xây dựng tương lai của ASEAN – cho con người và doanh nghiệp bên trong ASEAN hoặc có kết nối với khu vực ASEAN'.

Đối với mảng ngân hàng bán lẻ, mục tiêu của UOB được chuyển hóa cụ thể thành một chiến lược chú trọng vào tính ‘Cá nhân hóa’. Điều này dựa trên việc lấy khách hàng làm trung tâm và cam kết thấu hiểu nhu cầu riêng biệt của từng khách hàng, đạt được thông qua sự kết hợp giữa dữ liệu và những am hiểu dựa vào mối quan hệ với khách hàng. Việc chú trọng đến tính Cá nhân hóa giúp Ngân hàng tạo ra các giải pháp phù hợp với nhu cầu của khách hàng, cũng như cung cấp các giải pháp đó theo cách thu hút họ và dự đoán tốt hơn về các mục tiêu trong cuộc sống của họ.

Đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam, UOB hướng đến việc cung cấp một bộ sản phẩm ngân hàng hoàn thiện hơn, cải tiến hơn cho khách hàng tiêu dùng từ phân khúc thu nhập trung bình đến khá giả và những người có giá trị tài sản ròng cao.