Khắc họa tương lai thiết kế nội thất - kiến trúc chuyên ngành du lịch - nghỉ dưỡng và F&B
Hành trình "Định hình chất sáng tạo Việt 2023" của Giải thưởng Thiết kế Việt Nam VMARK đã bắt đầu hoạt động đầu tiên với chuỗi sự kiện Design Voices bằng chủ đề "Hòa quyện đẳng cấp và bền vững" trong lĩnh vực du lịch - nghỉ dưỡng và F&B.
Vào ngày 7/4/2023 vừa qua, sự kiện Design Voices | Interior #3 | Hospitality - F&B đã diễn ra trong không khí sôi nổi trong phần thảo luận đầy tính chuyên môn, mang đến các góc nhìn chuyên môn bởi các chuyên gia và mở ra cơ hội cho cộng đồng thiết kế được tìm hiểu bối cảnh, xu hướng phát triển của ngành du lịch - nghỉ dưỡng và F&B.
Tại sự kiện, kiến trúc sư Trần Khánh Trung - Chủ tịch TTT Architects chia sẻ: "Ngành du lịch - nghỉ dưỡng đang có xu hướng đề cao các công trình ưu tiên sử dụng sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường nhưng đồng thời cũng đem lại nhiều trải nghiệm mới lạ cho khách hàng."
Ông Hồ Tấn Dương, Chủ tịch Hiệp hội Thiết kế TP HCM. |
Theo ông Hồ Tấn Dương, Chủ tịch Hiệp hội Thiết kế TP HCM: "Yếu tố bền vững đóng vai trò là chìa khóa mở ra hướng phát triển thân thiện với môi trường và thúc đẩy nền kinh tế bền vững. Một sản phẩm hay một thiết kế kiến trúc có tính bền vững là khi nó đảm bảo được yếu tố thân thiện, tiết kiệm nhiên liệu và có khả năng tái tạo, giảm thiểu lượng phế thải ra môi trường. Những nhà thiết kế đóng vai trò là người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ để tạo ra giải pháp sáng tạo bền vững, đặc biệt là đối với các công trình liên quan đến ngành du lịch - nghỉ dưỡng và F&B, hai lĩnh vực đóng vai trò quan trọng không kém trong sự phát triển của nền kinh tế bền vững".
Để dung hòa được các yếu tố bền vững và đẳng cấp, các nhà thiết kế cần sở hữu tư duy sáng tạo đột phá và nắm bắt được nhu cầu của khách hàng. Đến với Design Voices | Interior #3 | Hospitality - F&B, cộng đồng thiết kế đã được tìm hiểu về cách chuyển đổi, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và khai thác năng lượng tái tạo để thu hút khách hàng thuộc phân khúc cao cấp, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Việc đưa yếu tố văn hóa vào các công trình kiến trúc còn giúp khách hàng hiểu thêm về văn hóa địa phương, lịch sử dân tộc, đồng thời tạo nên mối quan hệ bền vững giữa thương hiệu và khách hàng. Đây chính là yếu tố giúp các thương hiệu tôn vinh và bảo tồn những giá trị quý báu của dân tộc.