Doanh nghiệp đã xác định được những công đoạn quan trọng cần kiểm tra cũng như các tiêu chuẩn, chất lượng quan trọng cần kiểm tra ở mỗi công đoạn. Ảnh: TL.
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tăng gấp 4 lần hiệu suất nhờ được tư vấn cải tiến sản xuất
Ngày 16/12, Công ty Cổ phần Thang máy và Cơ khí Bách Khoa (BKE) đã tổ chức tổng kết quá trình cải tiến sau 12 tuần tham gia chương trình “Tổ chức tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để cải tiến sản xuất tại các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh khu vực phía Nam” được Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam (IDCS) tài trợ, triển khai.
Buổi tổng kết có sự tham gia của ông Nguyễn Lâm Tùng - Chủ nhiệm chương trình cải tiến của IDCS, ông Nguyễn Văn Quyết - Tổng giám đốc BKE, nhóm chuyên gia tư vấn cho BKE và nhân viên công ty.
Đánh giá về những kết quả đạt được của BKE sau 12 tuần tham gia cải tiến, ông Lương Trần Quỳnh - chuyên gia tư vấn cho biết: Môi trường làm việc của doanh nghiệp đã được cải thiện rõ rệt, nền nhà xưởng được sắp xếp gọn gàng sạch sẽ hơn và có các đường kẻ phân chia vạch rõ ràng.
Chỉ ra cụ thể, ông Quỳnh cho biết, trước khi cải tiến việc hàn các chi tiết phụ thuộc hoàn toàn vào tay nghề và sức khỏe công nhân, số lượng dụng cụ, nguyên liệu tại mỗi khu vực rất nhiều, chiếm diện tích dễ gây thất thoát, lãng phí; hàng tồn kho, vật tư, phế phẩm nhiều và công nhân chưa hiểu biết đầy đủ về 5s… “Chỉ sau 12 tuần được tư vấn cải tiến, chúng tôi thấy sự chuyển biến rõ rệt tại doanh nghiệp như kho vật tư được sắp xếp ngăn lắp, công nhân hiểu rõ hơn về quy trình 5s. Đặc biệt, doanh nghiệp đã xác định được những công đoạn quan trọng cần kiểm tra cũng như các tiêu chuẩn, chất lượng quan trọng cần kiểm tra ở mỗi công đoạn. Từ đó cắt giảm được 7 công đoạn kiểm tra chất lượng và giảm thời gian kiểm tra 30 phút mỗi ngày”- ông Quỳnh nhận xét.
Chương trình “Tổ chức tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để cải tiến sản xuất tại các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh khu vực phía Nam” là đề án do IDCS (đơn vị thuộc Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương) tài trợ và triển khai trong vòng 5 năm liên tục (2021 - 2025). Ảnh: BKE. |
Từ thực tế của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Quyết - Tổng giám đốc BKE khẳng định: Năng suất, hiệu quả và doanh thu của công ty đã cải thiện rất nhiều so với trước khi được tham gia vào chương trình này. “Trước cải tiến với 12 công nhân chúng tôi phải tăng ca, làm ngày làm đêm mới sản xuất được 4 chiếc thang máy 1 tháng. Nay cũng từng đó con người, lại không cần tăng ca nhưng số lượng thang máy làm ra tăng gấp 4 lần. Đáng mừng hơn, hiệu quả từ chương trình đang giúp công ty mở rộng xuất khẩu thông qua tiếp cận được một số khách hàng từ Nhật Bản, Hàn Quốc”- ông Quyết chia sẻ.
Cũng theo ông Quyết, trong chiến lược sắp tới, công ty sẽ nghiên cứu thêm một số sản phẩm khác ngoài thế mạnh chính là sản xuất thang máy, đồng thời đầu tư nhiều hơn cho tự động hóa để giảm thâm hụt lao động. Việc này không chỉ giúp cho BKE lớn mạnh mà còn là tiền đề để công ty từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chương trình “Tổ chức tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để cải tiến sản xuất tại các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh khu vực phía Nam” là đề án do IDCS (đơn vị thuộc Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương) tài trợ và triển khai trong vòng 5 năm liên tục (2021 - 2025).
Ông Nguyễn Lâm Tùng - Chủ nhiệm đề án cho biết: Năm 2021, đề án hỗ trợ kỹ thuật để cải tiến cho 51 doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, TP.HCM… Tham gia chương trinh này, kinh phí cho chuyên gia tư vấn cải tiến sản xuất được trích từ nguồn ngân sách Nhà nước đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Doanh nghiệp tham gia sẽ được ưu tiên tham gia các sự kiện kết nối kinh doanh, gặp gỡ, tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất trong và ngoài nước do Cục công nghiệp tổ chức. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các hoạt động tư vấn được thực hiện kết hợp cả hai hình thức offline và online.