Mạnh Long Chủ Nhật | 06/07/2025 14:30

Định nghĩa “thành công” của CEO PAN Group gây chú ý tại Global Summit of Women 2025

Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN đưa ra định nghĩa khác biệt – thành công không đo đếm bằng lợi nhuận, danh tiếng, tốc độ tăng trưởng...

Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN đưa ra định nghĩa khác biệt – thành công không đo đếm bằng lợi nhuận, danh tiếng hay tốc độ tăng trưởng, mà bằng khả năng kiến tạo giá trị bền vững, truyền cảm hứng và trao quyền cho thế hệ tiếp nối.

Không phải lợi nhuận, thành công là kiến tạo giá trị bền vững

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu 2025 (Global Summit of Women) diễn ra từ ngày 3–5/7 tại Berlin (Đức), “Định nghĩa về thành công” là một trong những vấn đề được các nữ doanh nhân đưa ra thảo luận.

Đại diện cho doanh nhân Việt Nam, bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN đưa ra định nghĩa khác biệt, thành công không đo đếm bằng lợi nhuận, danh tiếng hay tốc độ tăng trưởng, mà bằng khả năng kiến tạo giá trị bền vững, truyền cảm hứng và trao quyền cho thế hệ tiếp nối.

 

Là người điều hành PAN, Tập đoàn nông nghiệp và thực phẩm hàng đầu Việt Nam, bà Trà My cho rằng thành công của doanh nghiệp không thể tách rời những giá trị bền vững và lợi ích quốc gia, cộng đồng. Đó cũng là kim chỉ nam trong hành trình phát triển của PAN suốt hơn một thập kỷ qua.

Rời Biomin Việt Nam, doanh nghiệp FDI  100% vốn của Áo sau 18 năm gắn bó, bà Trà My đồng sáng lập Tập đoàn PAN với khát vọng nâng tầm nông nghiệp Việt. Thời điểm đó, không ít người cho rằng đầu tư vào nông nghiệp là “vô cùng mạo hiểm” vì ngành nghề truyền thống, lạc hậu, phụ thuộc vào thời tiết, rủi ro cao.

Tuy nhiên, PAN đã ra đời và từng bước thuyết phục các nhà đầu tư về tầm nhìn chiến lược xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp – thực phẩm khép kín, từ giống đến bàn ăn, chiến lược này không những khả thi mà còn có thể vươn ra toàn cầu.

Trong chuyến công tác tại Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu 2025, bà Trà My cho biết vô cùng xúc động khi thấy nhiều nông sản của PAN được bày bán trên kệ siêu thị tại Đức với nhãn mác in lớn và rõ ràng “A product of The PAN Group”, “Made in Việt Nam”.

“Từ gạo đóng gói, cà phê, hạt điều, kẹo cho đến tôm chế biến… chính thức xuất hiện trên kệ của các chuỗi bán lẻ hàng đầu thế giới như Costco, Amazon, Walmart, Tesco. Đó không chỉ là tín hiệu cho thấy chúng tôi đang đi đúng hướng mà là bằng chứng rằng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng trên sân chơi toàn cầu”, bà Trà My nói.

Lãnh đạo Tập đoàn PAN nhận ra rằng thành công của doanh nghiệp là tạo ra những sản phẩm từ ruộng đồng, sông ngòi quê hương, mang hồn cốt văn hóa Việt Nam, trong khi đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe nhất của thế giới.

“Xuất khẩu nông sản không chỉ là câu chuyện sản phẩm - bán hàng - thu tiền mà phải xuất khẩu thương hiệu, xuất khẩu uy tín, sản phẩm của ngành nông nghiệp ra thế giới và khẳng định vai trò Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu”, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN khẳng định.

Không chỉ kiến tạo những giá trị bền vững cho quốc gia, Tập đoàn PAN còn hướng đến nâng cao thu nhập cho nông dân – trung tâm của mọi chuỗi giá trị.

Thông qua chương trình hợp tác ba bên giữa hai thành viên Vinaseed, VFC và đối tác Bình Điền II, Tập đoàn PAN tạo ra bộ giải pháp hoàn chỉnh cho nông dân trồng lúa, không chỉ giúp nông dân nâng cao thu nhập, giảm chi phí, mà còn đóng góp giải pháp cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Từ một mô hình nội bộ, chuỗi giá trị này ngày càng được mở rộng, mang lại lợi ích thiết thực cho nhiều bên liên quan trên thị trường – từ các đối tác cung ứng vật tư nông nghiệp, đơn vị dịch vụ kỹ thuật, cho đến nông dân.

Những hộ nông dân tham gia vào chuỗi liên kết đã ghi nhận mức tăng thu nhập trên 30%, nhờ quy trình canh tác tối ưu, thị trường đầu ra ổn định và chia sẻ giá trị công bằng.

 

Bên cạnh lợi ích kinh tế - xã hội, chuỗi giá trị này còn đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững – thông qua áp dụng các phương pháp canh tác giảm phát thải, quản lý tài nguyên hiệu quả và hướng đến mục tiêu trung hòa carbon (Net Zero) trong dài hạn.

“Thành công là khi giúp người nông dân tăng thu nhập, và chứng minh rằng phát triển bền vững và thịnh vượng hoàn toàn có thể song hành”, bà Trà My khẳng định.

Xây nền cho thế hệ tương lai

Dẫn dắt Tập đoàn PAN từ mức doanh thu 284 tỷ năm 2012 đến 16.184 tỷ năm 2024, gấp gần 60 lần, nhưng bà Trà My cho rằng vẫn còn khá sớm để nói về hai chữ “thành công”.

Bà cho rằng thành công của PAN là tạo ra môi trường, nơi giá trị được chia sẻ, nơi mọi người có thể tin tưởng, gắn bó và tỏa sáng, người trẻ nhìn thấy tương lai của chính mình, các nhà lãnh đạo không chỉ được bổ nhiệm, mà được nuôi dưỡng bằng bản lĩnh, tầm nhìn và sự chính trực.

Sau hơn 10 năm xây nền, PAN đang bước vào giai đoạn tăng trưởng bùng nổ. Lãnh đạo Tập đoàn PAN chia sẻ thách thức lớn nhất lớn nhất của PAN lúc này không còn là câu chuyện tăng trưởng – mà là bài toán kế thừa.

“Rất nhiều lãnh đạo chủ chốt của PAN đã cùng xây dựng Tập đoàn trong hàng chục năm qua, có người đã 75, 85 tuổi… Câu hỏi lớn là làm thế nào để trao lại ngọn lửa – không chỉ là trách nhiệm, mà là tinh thần?”

Bà mong muốn xây dựng thế hệ lãnh đạo kế cận của PAN không chỉ hiểu doanh nghiệp, mà còn mang trong mình tinh thần khởi nghiệp, tư duy đổi mới, cam kết phát triển bền vững và khát vọng chuyển đổi số.

“Chúng tôi mong muốn nhìn thấy thế hệ kế cận tự tin bước lên vị trí lãnh đạo với tinh thần táo bạo, tư duy toàn cầu và một trái tim tràn đầy nhiệt huyết, làm tốt hơn cả những gì chúng tôi từng làm”, bà Trà My chia sẻ.

Nghĩ về thế hệ tương lai, bà Trà My chia sẻ một cách lặng lẽ nhưng đầy xúc động về định nghĩa thành công trong cuộc sống cá nhân của mình – câu chuyện ít khi được nhắc đến, nhưng lại là động lực mạnh mẽ trong hành trình của bà.

“Với cá nhân tôi, thành công đơn giản là có một trái tim ấm áp và tràn đầy năng lượng để cho đi. Tôi chỉ có một cô con gái ruột, nhưng có tới 50 người con nuôi, đó là những em bé dân tộc thiểu số ở miền núi, mồ côi cha mẹ, cuộc sống vô cùng khó khăn.

 

Tôi mong mình luôn khỏe mạnh để giúp những đứa trẻ yếu thế có cơ hội đến trường, được nuôi dưỡng ước mơ và truyền cảm hứng để các con trở thành những con người có ích cho xã hội.

Không chỉ là một nhà điều hành doanh nghiệp, bà Trà My còn là người sáng lập Cô Son Charity, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên khắp Việt Nam cả về tinh thần, điều kiện học tập và sinh hoạt.

Những giá trị bền vững, không chỉ là cho quốc gia, doanh nghiệp, cộng đồng, mà cho cả thế hệ tương lai. Bà tin rằng giá trị lớn nhất mà một người lãnh đạo có thể để lại, không nằm ở những con số, mà nằm ở những cuộc đời được chạm đến và thay đổi.