Ảnh: VCCI

 
Vũ Hoài Thứ Tư | 29/07/2020 19:00

Danameco "thăng hoa" bất chấp thị trường

Có thể nói, năm 2020 được xem là thời điểm bứt phá của Danameco cả về kết quả kinh doanh lẫn giá cổ phiếu.

Những ngày vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động mạnh từ thông tin dịch bệnh COVID-19. Trước những lo ngại về dịch bệnh, đi kèm với mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II của nhiều doanh nghiệp không đạt kỳ vọng, thị trường chứng khoán rơi vào trạng thái bán tháo.

Kết thúc phiên giao dịch 29.7, chỉ số VN-Index giảm hơn 22,5 điểm, đóng cửa tại mức 790,84 điểm, đánh mất ngưỡng 800 điểm và các mức hỗ trợ đã cố gắng duy trì trước đó. 

Độ rộng trên thị trường nghiêng hẳn về bên bán với 352 mã giảm điểm trong khi chỉ 59 mã tăng điểm trên HOSE. Nhóm cổ phiếu VN30 cũng trên đà giảm mạnh với 29 mã giảm điểm và chỉ 1 mã tăng điểm duy nhất.

 

Trong bối cảnh chứng khoán đỏ lửa, cổ phiếu của Tổng Công ty cổ phần Y tế Danameco (HNX: DNM) vẫn tăng trần bất chấp thị trường. Chỉ tính riêng trong 3 phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu DNM đã tăng hơn 32,85% với 3 phiên tăng trần liên tiếp.

Có thể nói, khi dịch bệnh bùng phát, nhu cầu về y tế của người dân bắt đầu tăng cao, và rõ nhất chính là khẩu trang y tế. Xuất phát từ nhu cầu thực tế này, nhiều nhà đầu tư cũng bắt đầu săn lùng những cổ phiếu của doanh nghiệp sản xuất khẩu trang được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó có cổ phiếu DNM và COVID-19 đã biến một cổ phiếu không thanh khoản thành “hàng xịn”.

Cụ thể, bắt đầu từ phiên giao dịch 30.1 (phiên giao dịch trở lại đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán), cổ phiếu DNM đã tăng trần liên tiếp nhiều phiên liền. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu DNM đã tăng hơn 547%, một mức tăng vô cùng ấn tượng khi chỉ số VN-Index giảm hơn 170 điểm, tương đương hơn 17,7%.

Giá cổ phiếu DNM tăng mạnh cùng với sự cải thiện về thanh khoản. Ảnh: VH.
Giá cổ phiếu DNM tăng mạnh cùng với sự cải thiện về thanh khoản. Ảnh: VH.

Theo số liệu thống kê, khối lượng giao dịch của cổ phiếu này khá thấp, trung bình mỗi phiên thường dưới 2.500 cổ phiếu/phiên. Tuy nhiên, khi COVID-19 bắt đầu xuất hiện, thanh khoản của cổ phiếu tăng mạnh, ghi nhận mức hơn 28.000 cổ phiếu/phiên bình quân các phiên giao dịch trong 1 quý gần nhất.

Kinh doanh lãi lớn

Xét về hoạt động kinh doanh, Danameco hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuốc và thiết bị vật tư y tế. Bên cạnh đó là hoạt động kinh doanh-xuất nhập khẩu vật tư, nguyên liệu, dụng cụ thiết bị y tế.

Nhìn về khoảng thời gian trước, kết quả kinh doanh của DNM cũng trải qua nhiều thăng trầm. Chỉ trong 4 năm, từ 2016-2019, lãi sau thuế của Công ty cũng nhiều lần trồi sụt. Tính đến cuối năm 2019, Công ty ghi nhận hơn 8,68 tỉ đồng lãi sau thuế, gấp hơn 2,2 lần con số năm 2018. Công ty cho biết kết quả này đạt được nhờ mở rộng thị trường. 

Tuy nhiên, COVID-19 không chỉ khiến cổ phiếu DNM gặp thời mà kết quả kinh doanh của Công ty cũng bứt phá vô cùng mạnh mẽ, và thuộc hàng những doanh nghiệp tăng trưởng mạnh nhất trong 2 quý vừa qua.

Kết quả kinh doanh của Danameco trong thời gian gần đây. Nguồn: VH.
Kết quả kinh doanh của Danameco trong thời gian gần đây. Nguồn: VH.

Mới đây, trong quý II/2020, Danameco báo lãi sau thuế đạt gần 17,4 tỉ đồng, tăng 569% so với quý II/2019. Theo giải trình về kết quả kinh doanh, Danameco cho biết trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, Công ty đã tập trung tăng cường đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như: khẩu trang, trang phục chống dịch. Từ đó, thúc đẩy doanh thu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, Công ty cũng đầu tư máy móc thiết bị, tăng cường sản xuất, tăng cường công tác mở rộng và phát triển thị trường. Những yếu tố này đã góp phần tạo nên sự bùng nổ mạnh mẽ về doanh thu và lợi nhuận của Công ty.

Cuối quý II/2020, tổng tài sản của Công ty đạt hơn 478 tỉ đồng, tăng hơn 125% so với đầu năm 2020. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt 336,4 tỉ đồng, tăng 103% so với hồi đầu năm, chủ yếu là các khoản đầu tư ngắn hạn, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, hàng tồn kho và khoản phải thu khác...Tài sản dài hạn của Công ty cũng ghi nhận mức tăng mạnh, đạt hơn 141,6 tỉ đồng, tăng 203,9% so với đầu năm 2020, trong đó chủ yếu là sự gia tăng của tài sản cố định.

Để mở rộng cho hoạt động kinh doanh, Danameco cũng đã tăng cường sử dụng nợ vay. Cuối quý II, tổng nợ phải trả của Công ty lên tới hơn 367,6 tỉ đồng, tăng hơn 193% so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu là các khoản nợ ngắn hạn như phải trả người bán, người mua trả tiền trước, các chi phí phải trả…Nợ dài hạn của Công ty cũng tăng mạnh ở khoản mục vay và nợ thuê tài chính dài hạn, hơn 12,86 tỉ đồng hồi cuối quý II/2020.

* Có thể bạn quan tâm 

►Tín hiệu tích cực từ nhà đầu tư ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam